Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng tăng trưởng tích cực

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh mẽ, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, tích cực đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Kết quả tăng trưởng tín dụng tích cực đã khẳng định nỗ lực của toàn ngành trong việc góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Báo Phú YênBáo Phú Yên28/04/2025

Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch. Ảnh: LÊ HẢO

Tốc độ tăng cao nhất trong khu vực 10

Là ngân hàng có quy mô tốp đầu của tỉnh, ngay từ đầu năm, Agribank Phú Yên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ kinh doanh, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng huy động, dư nợ, thu dịch vụ… được giao. “Nhờ nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động trong đơn vị, tính đến hết quý I/2025, Agribank Phú Yên huy động vốn tăng 5,3%, dư nợ tăng 2,1%, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát trong ngưỡng cho phép, đảm bảo an toàn tín dụng. Đây là kết quả khả quan; bởi cùng kỳ năm ngoái, hai quý đầu năm chi nhánh vẫn còn ghi nhận dư nợ giảm”, ông Phan Thông Thái, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết.

Không riêng Agribank Phú Yên, từ đầu năm 2025 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã bám sát chỉ đạo của trung ương và địa phương để triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, bền vững, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nhờ vậy, 3 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 56.641 tỉ đồng, tăng 2,88% so với cuối năm 2024, gấp 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước. Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu. Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên đạt hơn 31.376 tỉ đồng, chiếm hơn 55% tổng dư nợ; tăng 717 tỉ đồng, tỉ lệ tăng 2,34% so với cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn chủ động tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ trực tiếp khách hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong quý I/2025, các chi nhánh ngân hàng ở Phú Yên đã tổ chức 26 buổi ký kết, đối thoại. 7 chi nhánh tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với tổng dư nợ cho vay 248,47 tỉ đồng; lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4,4-7,3%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn từ 7,2-11%/năm.

Đồ họa: VIỆT AN
Đồ họa: VIỆT AN

Nhu cầu vay vốn còn hạn chế

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 10, trong quý I/2025, dù Phú Yên đạt mức tăng trưởng dư nợ cao nhất trong số các tỉnh khu vực 10 nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ của cả nước (3,93%). Một phần nguyên nhân là do thời gian qua, tuy kinh tế tỉnh nhà có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa có sự bứt phá rõ nét, dẫn đến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có dư nợ hơn 100 tỉ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều doanh nghiệp chủ động tiếp cận ngân hàng nhưng sau đó không vay thêm vì chưa có phương án sản xuất kinh doanh mới hoặc đang cân nhắc hiệu quả đầu tư.

“Trước đây, ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu nợ”, nay thì “quỳ cho vay” luôn. Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện là ngân hàng đến “ôm chân” chào mời vay vốn ngay lập tức”, Giám đốc Agribank Phú Yên Phan Thông Thái chia sẻ.

Năm 2025, ngành Ngân hàng định hướng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khoảng 12-14% so với cuối năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 10 tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình KT-XH và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp. Đồng thời tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đại diện các ngân hàng thương mại khác cũng cho hay, hiện nay, ngân hàng đã chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, mang tín dụng đến gần hơn với người dân. Ở nhiều vùng nông thôn, cán bộ ngân hàng xuống tận thôn, xóm, nơi tập trung đông dân cư để giới thiệu chính sách tín dụng, tư vấn vay vốn phù hợp. Tuy nhiên, việc tìm được khách hàng đáp ứng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn không dễ.

Đây cũng là tình trạng chung của ngành Ngân hàng các tỉnh trong khu vực 10. “Mặc dù, các ngân hàng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, song tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tại khu vực này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng chung toàn quốc. Nguyên nhân chính là do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn do năng lực tài chính hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi”, ông Bùi Huy Thọ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 10 cho biết.

Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/tin-dung-tang-truong-tich-cuc-2bf4c62/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm