Xu hướng phát triển khu công nghiệp xanh
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xanh hóa sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu. Ở Việt Nam, hơn 30 năm hình thành và phát triển khu công nghiệp (KCN) cho thấy, những đóng góp lớn cho tăng trưởng, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế liên quan đến môi trường, quy hoạch và hiệu quả khai thác tài nguyên.
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2014, một số địa phương như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ… có chủ trương chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái (KCN xanh). Hiện cả nước có khoảng 1–2% trên tổng số 290 KCN đang từng bước chuyển đổi theo hướng này và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Riêng tại Đà Nẵng, địa phương đang đi đầu trong xây dựng tăng trưởng xanh, hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.100ha. Đà Nẵng đã và đang thực hiện các bước chuyển đổi thí điểm một số KCN theo hướng sinh thái, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 2 đến 3 KCN đạt chuẩn quốc gia về KCN sinh thái. Nhiều doanh nghiệp trong KCN chủ động cải tiến công nghệ, tối ưu quy trình vận hành, áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp… nhằm giảm phát thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Quảng cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen khẳng định, Diễn đàn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi đây là diễn đàn đầu tiên do Thời báo Ngân hàng tổ chức trên địa bàn. Việc lựa chọn Đà Nẵng làm nơi khởi đầu không phải là ngẫu nhiên, mà xuất phát từ thực tế đây là một trong những địa phương tiêu biểu trong nỗ lực xanh hóa các khu công nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi phát triển mới, trong đó “chuyển đổi xanh” là một trong ba trụ cột quan trọng. Với kinh nghiệm tiên phong, Đà Nẵng có thể trở thành hình mẫu tham khảo để các địa phương khác nghiên cứu triển khai mô hình KCN xanh phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Tuy nhiên, để xây dựng một KCN xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn cho hạ tầng đồng bộ, năng lượng tái tạo, hệ thống xử lý chất thải tiên tiến và các giải pháp công nghệ xanh khác. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng – với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế – đang tích cực thúc đẩy tín dụng xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tích cực thúc đẩy tín dụng xanh
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN tích cực chỉ đảo các TCTD thúc đẩy tín dụng xanh bằng cách lồng ghép nội dung ngân hàng xanh vào các chiến lược phát triển ngành, ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực ít carbon và năng lượng sạch. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về tín dụng phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Các TCTD cũng triển khai nhiều hoạt động đồng bộ như: phát triển sản phẩm tín dụng xanh, huy động vốn qua trái phiếu xanh và tăng cường quản lý rủi ro môi trường – xã hội.
Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen phát biểu tại hội |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, phát triển xanh và kinh tế xanh không còn là câu chuyện của tương lai mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết của hiện tại. Đây là xu thế toàn cầu, và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, việc triển khai các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cần được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ.
Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về phát thải và môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không kịp thích ứng với các yêu cầu này, năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Liên quan đến vai trò của ngành Ngân hàng trong thúc đẩy phát triển xanh, Phó Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng đã chủ động “đi trước một bước”, triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
“Chúng tôi xác định tín dụng xanh phải đi trước, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển xanh, đặc biệt là KCN xanh. Để làm được điều đó, cần có nguồn vốn ổn định, không chỉ ngắn hạn mà cả trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Thông tin cụ thể hơn, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang cho biết, những năm qua, NHNN ban hành hàng loạt chính sách, văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích TCTD triển khai tín dụng xanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên. Năm 2024, một điểm nhấn là NHNN phối hợp với các bộ, ngành triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, NHNN tích cực tham gia các diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, thúc đẩy tín dụng xanh và nâng cao vị thế Việt Nam trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng toàn cầu.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN tham luận về Chính sách tín dụng tại Việt Nam "Thực trạng và giải pháp" |
Với các giải pháp trên đã tạo ra chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống TCTD. Đến 31/3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng xanh có phát triển cả về số lượng TCTD tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Ở góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, là một trong những định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2 triệu tỷ đồng, ngân hàng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế – từ phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng đến sản xuất công nghiệp và công nghệ cao. Thực hiện cam kết phát triển bền vững, BIDV đã triển khai ba định hướng chiến lược trọng yếu: Chuyển đổi toàn diện và tinh giản quy trình; Phát triển bền vững và thực hành ESG; Đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái số.
Nhờ triển khai đồng bộ, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt tới 80.870 tỷ đồng – chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng cũng đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 74%; dư nợ công trình xanh đạt 6.500 tỷ, chiếm 8%; dư nợ khu công nghiệp xanh đạt 1.736 tỷ đồng, chiếm 2% và dư nợ nước sạch đạt 1.174 tỷ đồng, chiếm 1,5%.
Đồng thời, BIDV đã huy động 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh. "Những kết quả này khẳng định vai trò tiên phong của BIDV trong phát triển tài chính xanh và thực hành ESG tại Việt Nam", ông Lâm nói.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, để chuyển đổi thành công sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp cần có năng lực quản trị và dự báo tốt, đồng thời phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, TS. Đặng Quang Hải - Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp cần có năng lực quản trị và dự báo tốt, đồng thời phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, ngành Ngân hàng, việc hiện thực hóa mục tiêu xanh cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành trung ương, địa phương và các bên liên quan. Tại diễn đàn này, Phó Thống đốc kỳ vọng các chuyên gia, doanh nghiệp, TCTD cùng nhau thảo luận, làm rõ một số vấn đề quan trọng như: Có bao nhiêu KCN đã và đang hướng đến tiêu chuẩn KCN xanh? Những khó khăn, vướng mắc cụ thể là gì? Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ như thế nào từ ngành Ngân hàng?
Ngoài nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp còn kỳ vọng gì ở các bộ, ngành khác? Liệu ngành Ngân hàng có cần xây dựng một cơ chế riêng cho vay đối với khu công nghiệp xanh? Các ngân hàng đang đánh giá như thế nào về lĩnh vực cho vay này?
Tuy nhiên, Phó thống đốc cho rằng, tín dụng xanh vẫn gặp nhiều thách thức như: thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, khung đánh giá KCN xanh, hạn chế nhận thức và năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp lẫn ngân hàng, cùng với sức ép từ các tiêu chuẩn quốc tế như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Đặc biệt, các DNNVV trong KCN còn đối mặt với khó khăn, e ngại chuyển đổi do thủ tục phức tạp và chi phí cao...
Từ thực tiễn đó, diễn đàn “Tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh” tập trung thảo luận về thực trạng triển khai mô hình KCN xanh hiện nay, chỉ ra những kết quả tích cực và các khó khăn trong quá trình chuyển đổi; phân tích tình hình thực hiện tín dụng xanh đối với các KCN, nhận diện những điểm nghẽn trong tiếp cận vốn xanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp tài chính, chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình xanh hóa KCN, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của Việt Nam.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 9 tham luận về tín dụng xanh tại các tỉnh miền Trung |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN xanh. Đồng thời, các ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò của tín dụng xanh và đề xuất nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ để mở rộng dòng vốn cho các dự án phát triển bền vững.
Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen cho biết, diễn đàn là dịp để cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, tìm ra các giải pháp tài chính tối ưu và bền vững. Qua đó, thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong hành trình xanh hóa các khu công nghiệp.
Với cách tiếp cận toàn diện và thực tiễn, hội thảo không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tín dụng xanh và KCN xanh, mà còn mở ra cơ hội kết nối, hợp tác sâu rộng hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, từ đó lan tỏa giá trị phát triển bền vững đến toàn nền kinh tế.
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, diễn đàn hôm nay, chúng ta đã lắng nghe tham luận của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; đại diện các ban quản lý khu công nghiệp, các sở ngành của các địa phương, NHNN khu vực 9, các doanh nghiệp và TCTD... Mong rằng qua các tham luận và thảo luận tại diễn đàn, chúng ta sẽ có bức tranh toàn cảnh về thực trạng kết nối tín dụng xanh – khu công nghiệp xanh để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy xanh hoá nền kinh tế nói chung cũng như phát triển các khu công nghiệp xanh nói riêng.
Thay mặt ban lãnh đạo NHNN, Phó thống đốc thường trực đánh giá cao Thời báo Ngân hàng đã phối hợp với NHNN chi nhánh Khu vực 9 kịp thời tổ chức một hội thảo với chủ đề thiết thực, có ý nghĩa, tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách, doanh nghiệp. Từ đó có những góc nhìn khác nhau xoay quanh việc triển khai hoạt động tín dụng xanh của ngành ngân hàng, việc áp dụng các cơ chế, chính sách vào thực tiễn. Đây sẽ là những đóng góp, gợi mở cho cơ quan quản lý trong việc hoạch định cơ chế chính sách, cũng như việc triển khai hoạt động tín dụng xanh trong thực tế của các TCTD, tạo động lực khơi thông dòng vốn tín dụng ngành Ngân hàng cho các mục tiêu xanh, phát triển bền vững.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-xanh-nen-tang-phat-trien-khu-cong-nghiep-ben-vung-163963.html
Bình luận (0)