Hoa Lư nằm ở trung tâm tỉnh Ninh Bình, kết nối đồng bằng sông Hồng với Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và Tây Bắc. Thành phố nằm trong tứ giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Đường đến với Hoa Lư qua cao tốc Bắc Nam đoạn địa phận Ninh Bình. Nơi đây, cảnh quan hùng vĩ với những dãy núi đá vôi, xen lẫn là các cánh đồng lúa, đầm nước, bao quanh là những thung lũng rộng lớn, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ.
Ngày 10/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Ninh Bình.
Với tổng diện tích tự nhiên hơn 150km2, dân số gần 300.000 người, thành phố Hoa Lư sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn. Nơi đây giáp các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp và tỉnh Nam Định.
Ngay sau khi thành lập, một công trình biểu tượng của Hoa Lư kịp thời được khánh thành để chào mừng sự kiện ý nghĩa này là cầu Bông Lau dài khoảng 67,75m. Cầu được thiết kế với kiến trúc rất ấn tượng gồm 2 vòm kiến trúc là vòm bông lau và vòm mã.
Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây cầu sông Vân do Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư. |
Trụ sở Thành ủy Hoa Lư bên đường Lê Đại Hành, phía trước là dòng sông Vân. Đây là cơ quan lãnh đạo của Đảng tại huyện Hoa Lư, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội tại địa phương.
Nằm cách Thành ủy Hoa Lư chưa đầy 500m là trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình (bên phải). Đi thêm chừng 1km là Bộ phận Một Cửa - Chi cục thuế khu vực IV (ảnh trái). Nhìn chung, các dãy nhà dân và nơi đặt trụ sở các cơ quan đều được quy hoạch bài bản, hiện đại. Quảng trường Đinh Tiên Hoàng khánh thành tháng 10/2015, được xây dựng nhằm tôn vinh vua Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập triều đại nhà Đinh, đồng thời tạo không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho người dân địa phương và khách du lịch. Là một hạng mục nằm trong dự án Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, đường hầm trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư có tổng chiều dài 783m trong đó hầm kín là 320m, tĩnh không 4,75m, quy mô mặt đường 4 làn xe. Đây là đường hầm đầu tiên và cũng là hiện đại nhất ở Ninh Bình hiện nay với kết cấu hầm kín bê tông cốt thép. Công trình này được khánh thành vào tháng 6/2014. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao các tiêu chí của đô thị loại I, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hoa Lư sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo và xây mới các công trình xanh. Trong ảnh, Trường THCS Ninh Thành và Tiểu học Tân Thành nằm chung trong một mảnh đất, ngay gần sân vận động Ninh Bình. Nằm ở trung tâm TP Hoa Lư là công trình Bệnh viện Quân y 5 khang trang, hiện đại. Được thành lập từ tháng 7/1950, đây là Bệnh viện thực hành thứ 2 của trường Quân y sĩ và thu dung điều trị thương binh trên các mặt trận Tây Bắc. Hai phân viện K32, K72 được thành lập từ tháng 7/1950 thuộc Vụ Quân y Liên khu 3 có nhiệm vụ thu dung, điều trị thương binh trên mặt trận thuộc Liên khu 3 trên hướng các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình. Cách đó không xa là Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình. Công trình có quy mô 900 giường bệnh, xây dựng trên diện tích 4,4ha với hệ thống thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại. Đây là dự án quan trọng trong quy hoạch mạng lưới y tế của tỉnh. Sân vận động Ninh Bình (tên cũ là sân Tràng An) nằm trên địa bàn phường Tân Thành của thành phố Hoa Lư có sức chứa 22.000 chỗ ngồi. Sân từng được xây dựng để phục vụ SEA Games 22 sau đó bỏ hoang rồi lại được cải tạo lại để được như ngày nay. Kể từ khi TP Hoa Lư được công nhận là đô thị loại I, giá đất khu vực này tăng mạnh. Trước đây, mức giao dịch phổ biến dao động trong khoảng 3,2 - 3,4 tỷ đồng/lô 80m2, nhưng hiện tại, nhiều lô đất đã được rao bán với giá từ 3,5 tỷ đồng đến hơn 4 tỷ đồng. Nhờ sở hữu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, đây cũng là thành phố có di sản "kép" đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Thành phố Hoa Lư có vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh và là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế. Hoa Lư là đô thị đầu mối giao thông, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh, đã tạo ra cơ hội hình thành các chức năng mang tính chất động lực phát triển như công nghiệp, dịch vụ - thương mại, du lịch. Trong ảnh, hồ Kỳ Lân và phố đi bộ Ninh Bình (bên trái). Vào các dịp cuối tuần, tuyến phố này nhộn nhịp khi thu hút số lượng lớn người dân địa phương và khách du lịch đến vui chơi, mua sắm. Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi. Thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi, thậm chí bám vào các vách đá. Người dân và du khách khi đến với Hoa Lư có thể chạy thêm khoảng 18km để chiêm bái ngôi chùa Bái Đính nổi tiếng miền Bắc. Chùa nằm trong quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Chùa Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam từ khi mới khánh thành như: Chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á; Hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Vietnamnet.vn Nguồn:https://vietnamnet.vn/toan-canh-hoa-lu-thanh-pho-moi-cua-ninh-binh-trang-an-2386504.html |
Bình luận (0)