Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025: Số hóa toàn diện, bao phủ sâu rộng

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong ba cuộc tổng điều tra quốc gia do ngành Thống kê chủ trì, chuẩn bị triển khai từ ngày 1-7 trên phạm vi cả nước. So với kỳ điều tra năm 2016, cuộc điều tra năm nay có nhiều điểm mới nổi bật về nội dung thu thập và phương thức thực hiện. Báo Khánh Hòa đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Trúc Phương - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh về vấn đề này.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa07/05/2025

- Xin bà cho biết điểm mới nổi bật nhất của điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 so với năm 2016?

- Tổng điều tra năm nay thu thập nhiều nhóm thông tin hơn, bao phủ rộng hơn cả về quy mô, đối tượng, thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; cơ cấu lao động nông thôn. Đặc biệt, lần đầu tiên bổ sung phiếu điều tra dành riêng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và liên minh hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Điều này nhằm đảm bảo phạm vi điều tra đầy đủ, phản ánh toàn diện hơn về bức tranh phát triển khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp.

 

Một điểm đột phá nữa là toàn bộ quá trình thu thập dữ liệu được số hóa, sử dụng phiếu điều tra điện tử, quản lý tiến độ và chất lượng thông tin qua hệ thống trực tuyến. Công nghệ thông tin được áp dụng trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện dữ liệu; một số công đoạn còn sử dụng bản đồ số để nắm rõ tiến độ, chất lượng điều tra tại địa bàn điều tra. Điều này giúp dữ liệu thống nhất, chính xác, dễ truy xuất và phân tích hơn nhiều so với điều tra giấy truyền thống; đồng thời tạo cơ sở để xây dựng Chính phủ điện tử sau này.

- Cuộc điều tra sẽ bao gồm những đối tượng nào và tổ chức theo phương pháp nào, thưa bà?

- Cuộc điều tra sẽ thu thập thông tin của lao động tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gồm: Hộ dân cư tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản; lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản; các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này và UBND xã. Việc điều tra diễn ra từ ngày 1 đến 30-7.

Phương pháp điều tra là kết hợp giữa điều tra toàn bộ và chọn mẫu. Trong đó, điều tra toàn bộ áp dụng với tất cả đơn vị tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản; còn điều tra chọn mẫu áp dụng với một số hộ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để thu thập chuyên sâu phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với đối tượng này.

- Nội dung điều tra cụ thể bao gồm những gì, thưa bà?

- Nội dung điều tra năm 2025 được thiết kế để phản ánh thực trạng sản xuất nông, lâm, thủy sản và đời sống nông thôn như về quy mô, năng lực và hình thức sản xuất; cơ cấu và thời gian lao động; mức độ áp dụng cơ giới hóa, công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tình hình truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tác động đến môi trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cuộc điều tra còn tập trung vào các vấn đề như: Kinh tế trang trại; vai trò của phụ nữ trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất - tiêu dùng tự cung tự cấp của hộ nông dân; sử dụng đất nông nghiệp...

Về nông thôn, nội dung điều tra bao gồm chuyển biến về kết cấu hạ tầng; chính sách hỗ trợ kinh tế; vệ sinh môi trường; phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với chế biến, dịch vụ và du lịch, tổ hợp tác và làng nghề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã. Với cư dân nông thôn, thông tin điều tra sẽ tập trung vào khả năng tiếp cận vốn, tín dụng; đào tạo nghề cho lao động; kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình sử dụng điện, nước sạch, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu. 

- Việc ứng dụng số hóa trong điều tra có thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Số hóa mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc điều tra: Dữ liệu được cập nhật tức thời, bảo mật tốt, giảm sai sót nhờ phần mềm kiểm tra logic tự động giúp kiểm soát tiến độ và đảm bảo chất lượng thông tin hiệu quả hơn. Các điều tra viên áp dụng 2 phương pháp thu thập thông tin gồm phỏng vấn trực tiếp và thu thập thông tin gián tiếp thực hiện hầu hết trên phiếu điều tra điện tử. Phiếu CAPI (phiếu điện tử cầm tay) được sử dụng khi điều tra viên phỏng vấn trực tiếp đối tượng; còn Webform là phiếu điện tử để UBND xã tự điền thông tin.

Khó khăn chủ yếu nằm ở bước đầu khi người dân hoặc cán bộ xã chưa quen thao tác trên hệ thống. Tuy nhiên, các điều tra viên sẽ hỗ trợ, cấp tài khoản, hướng dẫn đăng nhập và khai báo thông tin đầy đủ.

Dữ liệu từ phiếu CAPI và Webform đều được chuyển về máy chủ của Cục Thống kê, song đối với phiếu CAPI thì nhanh hơn vì được đồng bộ ngay từ thiết bị của điều tra viên. Những dữ liệu này đều được phần mềm kiểm tra, xử lý, mã hóa định danh và ẩn danh trước khi chuyển đến Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương.

- Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc tổng điều tra, thưa bà?

- Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch tổng điều tra; phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn ghi phiếu, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo cấp xã và các điều tra viên. Đầu tháng 6-2025, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Ban Chỉ đạo các cấp, đội trưởng và điều tra viên để tiến hành điều tra thực địa bắt đầu từ ngày 1-7-2025.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền đang được đẩy mạnh nhằm giúp người dân hiểu, đồng thuận và phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, góp phần cho cuộc tổng điều tra được tiến hành thuận lợi, thành công.

- Xin cảm ơn bà!

CÔNG ĐỊNH (Thực hiện)

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/tong-dieu-tra-nong-thon-nong-nghiep-nam2025-so-hoa-toan-dien-bao-phu-sau-rong-8bf71f0/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm