1. Các phân khúc chính trong ngành chế biến thực phẩm Thụy Điển
Thịt chế biến
Thịt chế biến là phân khúc lớn nhất trong ngành chế biến thực phẩm Thụy Điển, chiếm khoảng 20% thị phần. Các sản phẩm phổ biến bao gồm xúc xích, thịt nguội, thịt đóng hộp, và các loại thịt đông lạnh. Đây là những sản phẩm quan trọng trong cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính của Thụy Điển đối với các sản phẩm thịt chế biến bao gồm Đức, Đan Mạch và Na Uy.
Sự phát triển của các sản phẩm thay thế từ thực vật đã tạo ra sự cạnh tranh mới trong phân khúc này. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các lựa chọn thay thế thịt từ thực vật do những lợi ích về sức khỏe và môi trường. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành thịt chế biến phải đổi mới để giữ vững thị phần.
Sản phẩm từ sữa
Ngành công nghiệp sữa của Thụy Điển là một trong những phân khúc mạnh nhất, với các sản phẩm từ sữa chiếm 17,3% tổng thị phần của ngành chế biến thực phẩm. Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mai, bơ, và sữa chua rất phổ biến. Các công ty lớn như Arla Foods đóng vai trò quan trọng trong cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các sản phẩm không chứa lactose và các lựa chọn thay thế từ thực vật như sữa yến mạch, sữa hạnh nhân cũng đang phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm lành mạnh và bền vững.
Bánh kẹo và đồ ăn nhẹ
Ngành bánh kẹo và đồ ăn nhẹ của Thụy Điển chiếm khoảng 13,6% thị phần. Các sản phẩm bánh kẹo bao gồm socola, kẹo cao su, và bánh quy rất phổ biến trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch sang các sản phẩm ít đường và giàu dinh dưỡng, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe.
Thực phẩm từ thực vật
Sự gia tăng trong tiêu thụ thực phẩm từ thực vật là một trong những xu hướng mạnh mẽ nhất của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Thụy Điển. Thực phẩm thay thế thịt từ đậu nành, đậu Hà Lan, và các sản phẩm từ thực vật khác đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp như Oatly đã góp phần đưa Thụy Điển trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, với sản phẩm sữa yến mạch được tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước.
Đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn
Ngành đồ uống bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau, từ nước trái cây, cà phê, đến đồ uống có cồn. Đồ uống không cồn và hữu cơ đang tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là các loại nước trái cây và cà phê có chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến sẵn như súp đóng hộp, thức ăn nhanh, và thực phẩm đông lạnh đang trở nên phổ biến do sự thay đổi trong lối sống hiện đại, đòi hỏi tính tiện lợi cao.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của ngành chế biến thực phẩm Thụy Điển. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đang được sử dụng để theo dõi và tối ưu hóa quá trình sản xuất, giúp giảm lãng phí thực phẩm và nâng cao hiệu quả. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường.
Công nghệ đóng gói thực phẩm cũng đã có những tiến bộ lớn. Các doanh nghiệp tại Thụy Điển đang áp dụng các loại bao bì có thể tái chế và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về tính bền vững.
Ngành chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thụy Điển, không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường nội địa mà còn tạo ra giá trị lớn từ xuất khẩu. Các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa và thực phẩm từ thực vật được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, và Đức. Ngoài ra, ngành này còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Thụy Điển cũng đã trở thành một quốc gia xuất khẩu thực phẩm chế biến hàng đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ và bền vững. Các công ty như Arla Foods và Oatly đã không chỉ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia mà còn giúp Thụy Điển trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm bền vững trên toàn cầu.
2. Triển vọng OECD: Kinh tế toàn cầu liệu có vượt qua áp lực thương mại trong năm 2025?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2025, chủ yếu do căng thẳng thương mại gia tăng, lạm phát cao kéo dài và điều kiện tài chính thắt chặt. Trong đó, chính sách thuế quan không chắc chắn từ Hoa Kỳ được nhận định là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.
GDP toàn cầu dự báo giảm tốc trong năm 2025
Theo OECD, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2025 dự kiến chỉ tăng 2,9%, giảm so với mức 3,3% của năm 2024 và thấp hơn so với dự báo trước đó là 3,1%. Mức tăng trưởng này được giữ nguyên cho năm 2026. Các nước như Ý, Na Uy, Pháp, Mexico và Đức được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm nhất, trong khi Costa Rica, Đan Mạch, Ireland, Ba Lan và Israel sẽ dẫn đầu về tăng trưởng.
Giám đốc đầu tư Russ Mould tại AJ Bell bình luận rằng dù điều chỉnh giảm không lớn, nhưng “vẫn đủ khiến nhà đầu tư lo ngại, nhất là với ngành khai khoáng – nơi giá kim loại có thể chịu áp lực giảm do nhu cầu yếu đi.”
Tình hình càng thêm căng thẳng khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn các chính sách thuế mới của Mỹ sắp kết thúc, buộc các nước phải đẩy nhanh đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Các nguồn tin cho biết ông Trump muốn nhận được “lời đề nghị tốt nhất” về thương mại trước thứ tư tuần này để tránh bế tắc.
Trong năm 2025, OECD dự báo sản lượng toàn cầu sẽ ở mức 2,6%, trong đó Mỹ chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,1%.
Dự báo lạm phát năm 2025
Lạm phát tại các quốc gia thành viên OECD được ước tính ở mức 4,2% trong năm 2025 – tăng so với mức dự báo 3,7% hồi tháng 12 năm trước. Đến năm 2026, mức này sẽ giảm xuống còn 3,2%, nhưng vẫn cao hơn so với dự đoán ban đầu.
Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán có lạm phát cao nhất với 31,4%, theo sau là Colombia, Chile, Ba Lan, Estonia và Hungary. Trong khi đó, Thụy Sĩ, Phần Lan, Pháp, Thuỵ Điển và Costa Rica sẽ duy trì mức lạm phát thấp hơn mức trung bình.
Với nhóm G20, lạm phát trung bình được dự báo ở mức 3,6% vào năm 2025 và giảm nhẹ xuống 3,2% trong năm 2026.
Khuyến nghị từ OECD
OECD khuyến nghị các chính phủ nên giảm rào cản thương mại và theo đuổi các giải pháp hợp tác thay vì gia tăng thuế quan, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những cải cách liên quan đến chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đối tác và tiêu chuẩn pháp lý chung giữa các nước cũng được cho là giải pháp hiệu quả.
Về chính sách tiền tệ, OECD khuyên các ngân hàng trung ương nên duy trì ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời chỉ nên nới lỏng lãi suất ở những nước có xu hướng giảm phát rõ rệt.
Cuối cùng, OECD nhấn mạnh cần tạo môi trường ổn định hơn cho đầu tư kinh doanh bằng cách giảm bất ổn chính sách, đẩy mạnh cạnh tranh, xoá bỏ rào cản gia nhập thị trường và tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp.
3. Syre – Công ty tái chế polyester của H&M và Harald Mix công bố ba khách hàng lớn đầu tiên, chuẩn bị xây nhà máy đầu tiên tại Việt Nam
Công ty Syre – liên doanh giữa tập đoàn thời trang H&M và quỹ đầu tư Vargas do doanh nhân Thụy Điển Harald Mix sáng lập – vừa công bố ba đối tác lớn đầu tiên ngoài các cổ đông sáng lập. Đáng chú ý là hai “ông lớn” ngành bán lẻ của Mỹ: Gap và Target.
Theo ông Dennis Nobelius – Giám đốc điều hành Syre, các lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được giao từ năm 2026, sau một số chậm trễ kỹ thuật ban đầu. Gap đã cam kết mua khoảng 10.000 tấn polyester tái chế mỗi năm, trong khi Target sẽ sử dụng sản phẩm polyester của Syre cho một số bộ sưu tập nhất định, dù chưa tiết lộ sản lượng cụ thể. Khách hàng thứ ba là Houdini, thương hiệu Thụy Điển chuyên sản xuất trang phục ngoài trời, với cam kết mua một nửa nhu cầu polyester trong ba năm tới từ Syre.
Ba khách hàng nói trên không chỉ là người mua, mà còn được mô tả là “launch partners” – các đối tác đồng hành trong phát triển vật liệu, phản ánh cách tiếp cận hợp tác chiến lược của Syre trong giai đoạn đầu mở rộng.
Polyester – loại sợi tổng hợp phổ biến nhất toàn cầu, chủ yếu được sản xuất từ dầu mỏ – hiện chỉ được tái chế ở quy mô hạn chế, phần lớn từ chai PET. Công nghệ tái chế đột phá của Syre sử dụng glycol – một hợp chất thân thiện môi trường – để phân rã rác thải dệt may thành monomer, sau đó tái tổng hợp thành polyester mới. Theo công ty, quy trình này giúp giảm tới 85% lượng phát thải CO₂ so với sản xuất polyester nguyên sinh.
Syre đang hoàn thiện nhà máy thử nghiệm và trung tâm nghiên cứu tại bang North Carolina, Hoa Kỳ, với công suất 10.000 tấn/năm, hợp tác cùng công ty Bồ Đào Nha Selenis. Nhà máy dự kiến vận hành vào cuối năm 2026. Từ đây, Syre đặt mục tiêu xây dựng 12 nhà máy công nghiệp lớn với tổng công suất 3 triệu tấn polyester tái chế mỗi năm, bắt đầu bằng Việt Nam vào năm 2027.
Việt Nam - mắt xích đầu tiên trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Syre
Việt Nam được lựa chọn là nơi đặt nhà máy công nghiệp đầu tiên của Syre không chỉ nhờ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu, mà còn vì sự hiện diện mạnh mẽ của H&M trong hệ sinh thái sản xuất tại đây. Theo báo cáo của H&M Group, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước cung ứng hàng đầu, với hơn 40 nhà máy đối tác trải dài từ Hà Nội đến TP.HCM, tập trung vào dệt may và gia công trang phục.
Thông tin ban đầu cho biết, nhà máy Syre tại Việt Nam sẽ có công suất tương đương hoặc cao hơn cơ sở ở Mỹ, được xây dựng theo mô hình mô-đun, có thể mở rộng dễ dàng theo nhu cầu. Việc đặt nhà máy tại Việt Nam không chỉ phục vụ cho nhu cầu nguyên liệu bền vững trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về tính minh bạch và phát thải trong chuỗi cung ứng dệt may.
Đây được coi là bước đi chiến lược của H&M và Vargas trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng tuần hoàn, đồng thời mở ra cơ hội mới cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tái chế vật liệu.
Năm 2023, Syre đã gọi vốn thành công 1,1 tỷ kronor từ các nhà đầu tư danh tiếng như TPG Rise Climate (Mỹ), Giant Ventures (Anh), Norrsken (Thuỵ Điển), quỹ Imas liên kết với IKEA, Volvo Cars, và Leitmotif (được hỗ trợ bởi Volkswagen). Dù đối tác cùng thuộc tập đoàn Vargas là Northvolt đã phá sản hồi tháng 3/2025, Syre khẳng định sự kiện này không ảnh hưởng đến họ do khác biệt về lĩnh vực hoạt động và cách triển khai.
“Chúng tôi rút ra bài học từ Northvolt – rằng cần tôn trọng quy mô, xây dựng từng bước và không nóng vội,” ông Nobelius nhấn mạnh, hàm ý về cách tiếp cận thận trọng và bài bản của Syre với mô hình nhà máy đầu tiên tại Việt Nam.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/tong-hop-tinh-hinh-kinh-te-cong-nghiep-va-thuong-mai-thuy-dien2.html
Bình luận (0)