Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TP.HCM dự kiến 10 khoản thu trong hơn 3.500 trường công lập sau sáp nhập

Ngày 18.7, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai việc lấy ý kiến xây dựng Dự thảo nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM sau sáp nhập năm học 2025-2026.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/07/2025

 - Ảnh 1.

Sở GD-ĐT TP.HCM lấy ý kiến về các khoản thu áp dụng cho gần 3.500 trường công lập sau sáp nhập

ẢNH: BẢO CHÂU

Mức thu theo 2 nhóm đối tượng

Dự thảo nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2025-2026 được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đã được quy định trong Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND (Khu vực 1 – TP.HCM cũ), Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND (Khu vực 2 – Bình Dương cũ) và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND (Khu vực 3 – Bà Rịa- -Vũng Tàu cũ).

Theo đó quy định có 10 khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2025-2026 như sau:

 - Ảnh 2.

Các khoản thu được Sở GD-ĐT TP.HCM lấy ý kiến các nhà trường

ẢNH: SỞ GD-ĐT TP.HCM

Trong đó, nhóm 1: Trẻ em, học sinh, học viên học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường; nhóm 2: Trẻ em, học sinh, học viên học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã, đặc khu.

Theo dự thảo nghị quyết, các mức thu quy định tại nghị quyết là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.

Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu – chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu đến cha mẹ học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Thời gian thu phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định do UBND TP.HCM quyết định về kế hoạch thời gian năm học của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM.

Sau sáp nhập, TP.HCM trở thành địa phương có quy mô trường lớp lớn nhất trên cả nước, với hơn 3.500 cơ sở giáo dục các bậc học, gần 2,6 triệu học sinh và trên 100.000 cán bộ quản lý, giáo viên.

Trong đó bậc mầm non có 478.458 học sinh, bậc tiểu học có 939.002 học sinh, bậc THCS có 759.278 học sinh (tăng 42.978 học sinh so với năm học trước) và bậc THPT có 352.051 học sinh. Để chuẩn bị cho khai giảng năm học 2025-2026, toàn TP dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 1.287 phòng học mới từ nguồn vốn ngân sách.

Cơ sở pháp lý để nhà trường tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ

Sau khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ trình UBND TP.HCM để trình Thường trực HĐND TP thông qua tại kỳ họp HĐND sắp tới.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết là phù hợp thực tiễn và cần thiết, trong bối cảnh chuẩn bị kịp thời cho công tác tổ chức năm học 2025-2026 và để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các khoản thu đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, nghị quyết khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, thống nhất mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí tại các trường công lập.

Đây là cơ sở để các trường triển khai thực hiện các khoản thu đảm bảo công khai, minh bạch; đảm bảo việc tổ chức thực hiện các khoản thu trong nhà trường được thống nhất; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý đối với các khoản thu của các cơ sở giáo dục; cha mẹ học sinh và xã hội có cơ sở đối chiếu, tham gia giám sát công tác tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường cả về nội dung lẫn chi phí, tránh tình trạng lạm thu và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc ban hành nghị quyết trên cơ sở hợp nhất 3 nghị quyết của 3 khu vực cũ không gây xáo trộn công tác tổ chức thực hiện của các cơ sở giáo dục công lập cũng như không ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, người học. 

Sở GD-ĐT nhấn mạnh, nếu không kịp ban hành nghị quyết quy định để áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn thành phố trước khi năm học bắt đầu sẽ dẫn đến tình trạng các trường công lập không có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh. Đồng thời việc cân đối nguồn lực tài chính của đơn vị cũng gặp khó khăn khi ngân sách nhà nước không đảm bảo cho các dịch vụ này.

Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-du-kien-10-khoan-thu-trong-hon-3500-truong-cong-lap-sau-sap-nhap-185250718161918016.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm