Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh - 50 năm không ngừng đổi mới, kiến tạo

Tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành sức mạnh nội sinh, xuyên suốt các giai đoạn phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Chính tinh thần ấy là nền tảng lớn nhất để trong suốt 50 năm qua, thành phố không ngừng đổi mới, kiến tạo, từng bước vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, mang trong mình sứ mệnh lớn lao đối với cả nước.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân15/04/2025

Nhiều cách làm mới được nhân rộng

71.jpg
TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu lớn trong quá trình phát triển. Ảnh: Thạc Hiếu

Trong suốt hành trình 50 năm xây dựng, phát triển, TP. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực đột phá, đi đầu với việc thí điểm nhiều cách làm mới, tạo ra nhiều giá trị lớn được nhân rộng ra cả nước. Nói cách khác, TP. Hồ Chí Minh là “cái nôi” của quá trình đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Điều này được thấy rõ qua cả chặng đường phát triển của TP. Hồ Chí Minh và đất nước.

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 là giai đoạn đầy thử thách của TP. Hồ Chí Minh. Kinh tế suy giảm, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 2,7%/năm. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn khó khăn ấy, thành phố đã chủ động tìm tòi, đổi mới từ thực tiễn để tháo gỡ những ràng buộc, mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước.

Có thể kể đến quá trình “vượt rào” đi đến ĐBSCL thu mua lúa gạo cao hơn giá bao cấp, chuyển về thành phố để lo an ninh lương thực cho gần 4 triệu người dân ở thời kỳ tiền đổi mới của TP. Hồ Chí Minh.

Khi cách làm này được nhân rộng, người nông dân sản xuất nhiều hơn, Việt Nam từ đất nước thiếu lương thực trở thành nơi xuất khẩu lương thực top đầu thế giới. Hàng loạt doanh nghiệp nông, thủy sản được khuyến khích xuất khẩu, thu về ngoại tệ để nhập nguyên liệu cho các xí nghiệp đang ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, giúp sản xuất phát triển.

1.jpg
Ảnh chụp từ trên cao của một cảng cá tại Sài Gòn, năm 1976. Ảnh: AFP

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Danh Tiên cho hay, thời điểm đó, có hai nhiệm vụ được đặt ra đối với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh là phải lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất. Chính vì vậy, việc “vượt rào” trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông cấm chợ” thời điểm đó. Việc làm đúng đắn của TP. Hồ Chí Minh đã được Trung ương ghi nhận.

Hay để phát triển công nghệ cao, TP. Hồ Chí Minh đã “nhìn xa trông rộng”, nâng cao chất lượng nền sản xuất, giảm thâm dụng lao động, đầu tư khoa học công nghệ, thành lập Khu công nghệ cao ở TP. Thủ Đức, Công viên phần mềm Quang Trung. Tất cả điều này tạo ra không khí sôi động của quá trình đổi mới, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá.

3.jpg
Một góc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh
2.jpg
Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7)

Những đóng góp của TP. Hồ Chí Minh không chỉ về kinh tế, tài chính mà quan trọng không kém chính là thể chế. Theo ĐBQH, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, từ những năm 1990, Quốc hội thông qua các Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Pháp lệnh về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng, công ty tài chính… Những việc này xuất phát từ những thí điểm của TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu tiên, thành phố cũng hình thành trung tâm giao dịch ngoại tệ đầu tiên, góp phần là tạo ra thị trường ngoại hối năng động. Việc Trung ương chọn TP. Hồ Chí Minh cùng với Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam để phát triển cũng chính từ những nền móng vững chắc này.

anh-man-hinh-2025-04-14-luc-121122.png
Nguồn: Chi cục thống kê TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, các luật định liên quan đến chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cũng xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh… Và cho đến nay, trong quá trình phát triển, TP. Hồ Chí Minh vẫn không dừng lại việc tiếp tục thí điểm, đổi mới, sáng tạo.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo nhận xét, TP. Hồ Chí Minh là nơi có nhiều mô hình trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, nơi thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ trên các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao; có nhiều bước tiến trong cải cách hành chính và chủ động đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị để việc quản lý phù hợp với đặc điểm và tính chất của đô thị đặc biệt. Từ đề xuất của thành phố, Nghị quyết 54/2017 và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội được ban hành tạo điều kiện cho thành phố có thêm cơ chế đặc thù, thúc đẩy phát triển xứng tầm và đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Những con số tăng trưởng vượt bậc

131.jpg
Khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thạc Hiếu

Có thể nói, đặc sản lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh trong chặng đường 50 năm qua chính là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luôn tìm ra đường đi, cách làm mới để tự cứu lấy mình; bứt phá, vì cả nước, cùng cả nước.

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, vị trí của TP. Hồ Chí Minh đối với cả nước đã được khẳng định.

Nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực nhận định, chính tư duy đột phá, dám làm khác và hành động từ thực tế đã giúp TP. Hồ Chí Minh trở thành điển hình trong quá trình đổi mới, đưa kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn trì trệ.

anh-man-hinh-2025-04-14-luc-121335.png
Thu hút FDI của TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh sau khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế. Nguồn: Chi cục thống kê TP. Hồ Chí Minh

Nếu trong 10 năm (1975-1985), GRDP chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-2010), GRDP tăng bình quân 10,5%/năm, TP. Hồ Chí Minh là một trong số ít đô thị của các nước tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài.

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, TP. Hồ Chí Minh đã có những bước tiến vững vàng. Thời kỳ 2001-2005, kinh tế thành phố tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006-2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Từ đó, TP. Hồ Chí Minh liên tục phát triển, nếu năm 2005, tỷ trọng GRDP của thành phố so với cả nước chiếm 19,7% thì năm 2010 chiếm 21,3%. Tỷ trọng thu ngân sách so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5% và tăng lên 27,8% vào năm 2010.

Theo ông Lê Hữu Phước - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), 4 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển thành phố (Nghị quyết 01/1982, Nghị quyết 20/2002, Nghị quyết 16/2012, Nghị quyết 31/2022) đã thể hiện đầy đủ vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là kinh tế.

11.jpg
Khu vực Công trường Mê Linh, Quận 1 (tháng 1.2025)

Nếu ở Nghị quyết 01 và Nghị quyết 20 mới xác định TP HCM “từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, “đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước” thì với Nghị quyết 16, thành phố được nâng tầm là “đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, là “đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, “từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.

Đến Nghị quyết 31, vị thế của TP. Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng hơn khi vừa “giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước” vừa “sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.

Rõ ràng, vai trò vị trí của thành phố mang tên Bác so với cả nước ngày càng được khẳng định, là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước, xứng danh thành phố anh hùng - ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

dscf3754.jpg
Các chuyên gia thảo luận về xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Ảnh: Tịnh Hà

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng khẳng định, sau Đại thắng mùa Xuân 1975, TP. Hồ Chí MInh có thể tự hào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo và đột phá” là những yếu tố làm nên những thành quả đáng tự hào của thành phố trong 50 năm đất nước thống nhất.

Trong 5 năm trở lại đây, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và tìm cách “cởi trói” về thể chế; thành phố cũng tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù để hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng hai con số, cũng như triển khai nhiều không gian phát triển mới như: siêu cảng Cần Giờ, Trung tâm Tài chính quốc tế, cùng hàng loạt dự án chiến lược khác.

Với hàng loạt dự án hạ tầng đã, đang và sắp triển khai, có thể hình dung một “đại công trường” sắp hình thành tại TP. Hồ Chí Minh, để rồi sau đó, cùng với việc sáp nhập tỉnh, sẽ tạo ra một vùng đô thị, không gian phát triển mới, chắp cánh cho TP. Hồ Chí Minh tăng tốc mạnh mẽ. Hay nói cách khác, những thành tựu đột phá, đi đầu trong thời gian qua chính là nguồn cảm hứng để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tiên phong tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của sự giàu mạnh, thịnh vượng.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tp-ho-chi-minh-50-nam-khong-ngung-doi-moi-kien-tao-post410177.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm