Ngày 28/5, ba "Mô hình một cửa cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho phụ nữ, trẻ em và người bị bạo lực, xâm hại" từ nguồn ngân sách TPHCM, đặt tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã chính thức ra mắt tại TPHCM.
Sự kiện do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TPHCM (Sở Nội vụ) phối hợp với Sở Y tế, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức.
Hai năm, ghi nhận hàng trăm trẻ em mang thai và sinh con
Trước đó, với những thách thức dai dẳng về bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, TPHCM đã xây dựng và vận hành "Mô hình Bồ Công Anh" - mô hình “một cửa” đầu tiên đặt tại Bệnh viện Hùng Vương năm 2023.
Mô hình Bồ Công Anh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định chính sách hiện hành của Nhà nước, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ lưu trú an toàn, tư vấn và hỗ trợ tư pháp, chăm sóc sức khỏe tâm thần và kết nối dịch vụ xã hội.
Chỉ trong 2 năm vận hành, Mô hình nêu trên đã hỗ trợ, can thiệp và cung cấp dịch vụ kịp thời cho 224 trường hợp phụ nữ, nữ chưa thành niên và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục (trong số này có 194/224 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi mang thai và sinh con).
Đồng thời, Mô hình còn ghi nhận thêm hơn 1.000 trường hợp đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương - bao gồm 798 trường hợp “trẻ em sinh ra trẻ em” và 211 trẻ vị thành niên kế hoạch hóa gia đình - không sử dụng dịch vụ do Mô hình cung cấp vì nhiều lý do khác nhau.
Qua thực tiễn vận hành, Mô hình Bồ Công Anh đã phác họa một phần về tình hình bạo lực giới tại TPHCM. Trong đó, người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, còn người gây bạo lực chủ yếu là nam giới.
Thậm chí, nhiều người không chỉ chịu bạo lực từ một cá nhân mà còn bị xâm hại đa tầng bởi các thành viên khác trong gia đình.
Nhân viên y tế ở TPHCM hỗ trợ cho một trường hợp yếu thế (Ảnh: BV).
"Mô hình một cửa" hỗ trợ phụ nữ, trẻ em hoạt động thế nào?
Dựa trên thực tiễn từ Mô hình Bồ Công Anh cũng như các kinh nghiệm quốc tế, TPHCM quyết định thành lập 3 "Mô hình một cửa" mới đặt tại 3 bệnh viện, để triển khai các giải pháp phòng ngừa bạo lực giới cũng như trợ giúp kịp thời cho các nạn nhân của bạo lực, xâm hại theo một quy trình khép kín.
Cụ thể, bệnh nhân đến khám và điều trị tại 3 bệnh viện đã nêu được đội ngũ y bác sĩ khám và sàng lọc, nếu có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại sẽ được chuyển đến "Phòng Một cửa" của Bệnh viện.
Tại đây, nhân viên Phòng sẽ liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM (đầu ra của Mô hình) để phối hợp với Phòng chuyên môn của các cơ quan chức năng thực hiện điều phối cung cấp các dịch vụ một đầu mối trợ giúp bệnh nhân và gia đình.
Đồng thời, Mô hình sẽ tổ chức họp với các bên liên quan để hội chẩn ca, lấy lời khai, tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho người bị bạo lực, xâm hại và hỗ trợ gia đình ổn định, cũng như theo dõi quản lý ca tại cộng đồng.
Trường hợp người bị bạo lực, xâm hại cần tạm lánh khẩn cấp sẽ được chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM và được cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu, kết nối các dịch vụ thiết yếu khác theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Mô hình cũng phối hợp với chính quyền địa phương cho người bị bạo lực, xâm hại hồi gia và tiếp tục trợ giúp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, những hậu quả do bạo lực gây ra là rất lớn.
Nó không chỉ tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất mà còn hủy hoại cuộc sống, các cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em, phá vỡ các cộng đồng và làm suy giảm sự phát triển kinh tế của TPHCM, cản trở sự vươn mình quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Ông nhận định, mô hình một cửa mới ra mắt tại 3 bệnh viện sẽ góp phần đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị dựa trên quy định chung của Bộ Y tế xây dựng quy trình khám chữa bệnh đảm bảo có nhạy cảm với các nhu cầu và không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới.
Đồng thời phải có sự điều phối cùng Sở Nội vụ và các Sở, ngành liên quan để kết nối, chuyển gửi chặt chẽ với các dịch vụ thiết yếu khác như Công an, Tư pháp, Dịch vụ xã hội, đảm bảo người bị bạo lực được tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng với các dịch vụ mình cần.
Người bị bạo lực, xâm hại cần được trợ giúp hãy liên hệ qua Đường dây nóng của Mô hình 1900.545.559 (tiếp nhận 24/7).
Hoặc đến trực tiếp "Phòng Một cửa" đặt tại: Bệnh viện Hùng Vương (số 128 Hồng Bàng, Quận 5); Bệnh viện Nhi đồng 1 (số 341 Sư Vạn Hạnh, quận 10), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (số 15 Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh) và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (số 929 Trần Hưng Đạo, quận 5).
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-798-tre-mang-thai-sinh-con-khong-nhan-ho-tro-tu-mo-hinh-mot-cua-20250528091313578.htm
Bình luận (0)