
Sáng 18/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM đã tổ chức Ngày hội phát triển giáo dục mầm non, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Sự kiện là dịp để nhìn lại hành trình nửa thế kỷ phát triển của ngành giáo dục mầm non TPHCM, với sự tham dự của các nguyên lãnh đạo, chuyên viên phụ trách bậc học mầm non qua các thời kỳ.

Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, khẳng định bậc học mầm non của TPHCM đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ, phản ánh nỗ lực không ngừng của toàn ngành.
Từ năm 1975, giáo dục mầm non bắt đầu được xây dựng từ những cơ sở nuôi dạy trẻ nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ con em cán bộ, công nhân viên trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Những năm 1980 chứng kiến sự mở rộng quy mô và sự tham gia của khối ngoài công lập. Đến thập niên 1990, thành phố chú trọng chuẩn hóa chương trình, đào tạo giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất. Từ năm 2010 đến nay, ngành đạt bước phát triển đột phá với 3.252 cơ sở hiện đại, chương trình tích hợp nhiều phương pháp tiên tiến, tập trung phát triển toàn diện trẻ.
"Những thành quả hôm nay là kết tinh từ tâm huyết của biết bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý và sự đồng hành của phụ huynh, xã hội suốt 50 năm qua", bà Mỵ Châu chia sẻ.

Ngày hội phát triển giáo dục mầm non đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng với nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ và giáo viên.

Khuôn khổ ngày hội gồm hơn 20 gian hàng từ các quận, huyện, trưng bày hình ảnh, tư liệu ghi lại quá trình phát triển của ngành giáo dục mầm non TPHCM trong suốt 50 năm qua. Từ những lớp học đơn sơ đến các ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, mỗi hình ảnh đều ghi dấu bước chân không ngừng nghỉ của cả một thế hệ làm giáo dục.

Từ sớm, cô và trò của Trường Mầm non Thành phố đã cùng nhau chuẩn bị cho tiết mục đặc biệt nhất của Ngày hội phát triển giáo dục mầm non.

Đúng 8h, màn đồng diễn thể dục đầy ấn tượng và cảm xúc của toàn thể các bé mầm non cùng các thầy cô giáo diễn ra tại sân trường.

Tiết mục biểu diễn diễn ra đồng thời tại nhiều điểm cầu trên toàn thành phố, như một lời khẳng định tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc được ươm mầm từ những năm tháng đầu đời.

Dẫu chưa thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa của hai chữ "yêu nước", nhưng trong đôi mắt trong vắt ấy là sự hào hứng, tự hào về chiếc áo đang mặc, về lá cờ đang cầm. Đó là những cảm xúc nguyên sơ nhưng đầy chân thật, là những hạt mầm đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim trẻ thơ, một hành trình dài bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất đẹp và rất thiêng liêng.

Toàn bộ sân trường như bừng sáng bởi sắc đỏ sao vàng rực rỡ, màu cờ Tổ quốc. Hình ảnh ấy không chỉ khiến người xem xúc động, mà còn là lời nhắc nhớ về trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc nuôi dưỡng những thế hệ công dân tương lai - khỏe mạnh, tự tin và sẵn sàng cống hiến.

Đặc biệt, Ngày hội còn có sự tham gia và đồng diễn múa súng của Đại đội nữ tự vệ ngành giáo dục quận 8. Dù mới thành lập không lâu, nhưng Đại đội đã ghi dấu ấn mạnh mẽ qua nhiều thành tích nổi bật trong công tác huấn luyện, tham gia hội thao, hội thi, và được cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Bộ Tư lệnh thành phố ghi nhận, biểu dương.

Chị Lê Thị Mộng Tuyền chia sẻ: "Thật sự tôi rất xúc động và tự hào khi được tham gia ngày hội ý nghĩa này. Chúng tôi, những nữ tự vệ, tuy là giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục, nhưng luôn sẵn sàng đảm nhận thêm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, quốc phòng ở địa phương. Ngày hôm nay, được đứng giữa sân trường, trong màu áo xanh tự vệ, giữa sắc cờ đỏ sao vàng và tiếng cười hồn nhiên của các bé, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về ý nghĩa thiêng liêng của công việc mình đang làm".

Tại gian hàng của huyện Củ Chi, bà Đặng Thị Phương Thảo, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu đến mọi người những món ăn dân dã làm từ khoai mì, đặc sản trứ danh của vùng đất thép anh hùng.
"Khoai mì hấp, bánh khoai mì cay, khoai mì quết sợi… đều là những món gắn bó với ký ức tuổi thơ của người dân nơi đây. Chúng tôi mong muốn mang đến ngày hội không chỉ là hương vị quê hương mà còn là một phần văn hóa của Củ Chi, nơi tinh thần vượt khó và lòng yêu nước luôn được gìn giữ", bà Thảo nói.

Hành trình 50 năm của giáo dục mầm non TPHCM là một câu chuyện đẹp về sự kiên trì, đổi mới và tận tâm vì thế hệ tương lai. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành mầm non của thành phố tiếp tục đặt ra những mục tiêu phát triển mới, hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục hiện đại, nhân văn và toàn diện.
Với nền tảng vững chắc đã được tạo dựng, giáo dục mầm non TPHCM hứa hẹn sẽ còn tiếp tục vươn cao, xứng đáng là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về chăm sóc, giáo dục trẻ em từ những bước đầu tiên trong hành trình học tập và trưởng thành.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tphcm-ky-niem-50-nam-phat-trien-giao-duc-mam-non-20250419033411223.htm
Bình luận (0)