Hành trình của trà hoa vàng ở Bắc Giang bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21, khi người dân địa phương phát hiện loài cây thân gỗ, cây với hoa vàng rực rỡ mọc rải rác trong rừng. Ban đầu, chẳng ai nghĩ rằng loài cây này sẽ mang lại giá trị gì lớn. Nhưng rồi, khi các thương nhân Trung Quốc tìm đến, thu mua với giá cao, người ta mới nhận ra tiềm năng ẩn giấu trong những bông hoa vàng ấy.
Ông Nguyễn Văn Lựu, một nông dân ở xã Trường Sơn, huyện Lục Nam kể rằng, vào khoảng năm 2005, khi thấy rừng bị khai thác quá mức, ông quyết định mang những cành trà hoa vàng về trồng thử trên đất nhà mình. “Lúc đó khó lắm, cây con yếu ớt, chẳng biết chăm thế nào cho sống”. Nhưng với sự kiên nhẫn, ông Lựu dần tìm ra cách giâm cành, che bóng, tưới nước đều đặn. Từ vài cây đầu tiên, ông mở rộng thành một vườn nhỏ, rồi truyền kinh nghiệm cho hàng xóm. Chẳng mấy chốc, trà hoa vàng bắt đầu bén rễ trên đất Bắc Giang, từ Lục Nam lan sang Sơn Động, Yên Thế.
Khi trà hoa vàng bắt đầu được chú ý, chính quyền tỉnh Bắc Giang nhanh chóng vào cuộc. Từ năm 2017, một dự án lớn mang tên “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” được triển khai bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng. Dự án này không chỉ tìm kiếm các giống cây trà tốt mà còn xây dựng quy trình trồng trọt bài bản, hỗ trợ nông dân ở các huyện trọng điểm như Lục Nam, Sơn Động nhân giống trà hoa vàng.
Ngày 31/3/2025 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 467/QĐ-UBND, hỗ trợ 60 triệu đồng cho sản phẩm OCOP “Trà hoa vàng” đạt 4 sao của Hợp tác xã dược liệu công nghệ cao Trường Sơn. Đây là một bước tiến lớn, minh chứng cho sự quan tâm của chính quyền trong việc nâng tầm sản phẩm địa phương. Trước đó ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để hợp tác xã mua sắm máy móc hiện đại như máy đóng gói trà, máy sấy thăng hoa giúp sản phẩm trà hoa vàng Bắc Giang đạt chuẩn trước khi bán ra thị trường.
Trà hoa vàng cao chừng 2-4 mét, lá xanh bóng, hoa vàng nở rộ từ tháng 11 đến tháng 3, tỏa hương thơm dịu. Nhưng điều đáng quý là giá trị dược liệu của trà. Các nhà khoa học từ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích và tìm thấy hơn 400 hợp chất có lợi cho sức khỏe, giúp chống ô-xi hóa, giảm viêm... từ trà hoa vàng. “Đây không chỉ là trà, mà là thảo dược quý”, chị Nguyễn Thị Trà, Giám đốc kinh doanh của Hợp tác xã dược liệu công nghệ cao Trường Sơn khẳng định khi đưa chúng tôi xem những bông hoa sấy khô. Chính những đặc tính này đã giúp trà hoa vàng trở thành “vàng ròng” trên đất Bắc Giang, khác biệt hoàn toàn so với các loại trà thông thường.
Tại huyện Lục Nam, Sơn Động, những vườn trà hoa vàng trải dài đến gần 100 héc-ta. Người dân ở đây cho biết, cây thích hợp với khí hậu mát, đất chua và đặc biệt cần bóng râm. Vì thế, họ thường trồng xen trong các vườn cây ăn quả. Nếu nhân giống thì phương pháp giâm cành là tốt nhất. Sau khi giâm, cây được ươm trong vườn rồi mới mang đi trồng. Nước phải tưới đều, phân bón dùng loại hữu cơ và khi cây lớn lên, cần tỉa cành thường xuyên để giữ dáng, tránh sâu bệnh. Hái hoa cũng là một nghệ thuật, phải chọn lúc hoa nở to nhất, còn lá thì hái khi còn non.
Trà hoa vàng mang lại nguồn thu nhập đáng kể, trong đó hoa khô bán trong nước giá 3-5 triệu đồng/kg, còn xuất sang Trung Quốc có thể lên tới 10 triệu đồng/kg. Bình quân lợi nhuận trồng trà hoa vàng đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm trà hoa vàng được tiêu thụ qua nhiều kênh như: chợ địa phương, Shopee và Lazada.
Hợp tác xã Trường Sơn còn hợp tác với các nhà phân phối ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đáng chú ý, Hợp tác xã đã đầu tư vào bao bì, truy xuất nguồn gốc điện tử và công bố chất lượng. Sản phẩm của hợp tác xã, với mẫu mã đồng bộ, hiện đại, đã được công nhận 4 sao OCOP vào năm 2025. Năm 2021, trà hoa vàng được Bộ Công thương vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm trà hoa vàng tham gia nhiều hội chợ, quảng bá trên mạng, từng bước khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Với cây trà hoa vàng, đời sống của người dân Bắc Giang đang thật sự đổi thay. Trước đây, nhiều hộ chỉ trông vào nguồn trợ cấp nhà nước trong trông coi bảo vệ rừng, thì nay với việc trồng xen canh cây trà hoa vàng đã giúp họ có nguồn thu ổn định. Điển hình như Hợp tác xã Trường Sơn tạo việc làm cho 20 lao động, mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời hơn 20 hộ dân trong Hợp tác xã đã trồng thành công hơn 40 ha trà hoa vàng và trở thành nguồn thu quan trọng cho người dân nơi đây. Không chỉ vậy, cây trà hoa vàng còn truyền cảm hứng cho nhiều người bắt đầu “khởi nghiệp” đa dạng hóa cây trồng, học hỏi kỹ thuật mới. “Nhờ cây trà, con tôi được học đại học”, chị Lan, một thành viên hợp tác xã, cười rạng rỡ khi chia sẻ với tôi.
Tương lai của trà hoa vàng ở Bắc Giang đang rộng mở khi tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 500 héc-ta trà hoa vàng, nơi đây sớm trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước. Để làm được điều đó, chính quyền đang đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm kiếm thị trường mới để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích loại cây này.
Nguồn: https://nhandan.vn/tra-hoa-vang-va-hanh-trinh-tro-thanh-thuong-hieu-quoc-gia-post881959.html
Bình luận (0)