Tôi chỉ cười, nhẹ nhàng đính chính: "Không, là trà lai, thức uống độc đáo và đậm chất người Nam Bộ."
Tên gọi bắt nguồn từ cách pha "lai" – tức là kết hợp giữa hai thức uống tưởng chừng chẳng liên quan là trà và cà phê. Sự pha trộn tưởng chừng lạ lẫm ấy lại tạo nên hương vị khó lẫn, dân dã, đậm đà và cá tính như chính con người nơi đây.
Ly trà lai ở miền Tây Nam bộ
Một ly trà lai đúng điệu được pha khá đơn giản: trà pha thật đậm, cho nhiều đường, ngọt ngào đúng kiểu miền Tây. Đúng điệu như câu nói: "Người miền Tây ăn gì cũng ngọt, nên nói chuyện mới ngọt như mía lùi!".
Sau đó, đá đập nhuyễn được ém chặt tay, để giữ lạnh lâu mà không làm loãng trà. Cuối cùng, một lớp cà phê phin đậm đặc được rót lên trên, tạo nên cái kết mạnh mẽ cho bản phối hương vị.
Lúc này, ly nước chia thành ba tầng: trà ngọt ở dưới, đá ở giữa và cà phê phía trên. Người uống khuấy đều cho các lớp quyện lại, nước chuyển màu cánh gián óng ánh báo hiệu đã "pha đúng bài". Hớp một ngụm, vị trà thanh thoát, vị cà phê nồng nàn và cái lạnh tê đầu lưỡi hòa quyện.
Vào trưa hè oi ả, chỉ cần một ly trà lai cũng đủ mát lòng. Nhưng với người con miền Tây, đó còn là ký ức tuổi thơ, là buổi trưa tan học ghé quán cóc ven đường, giữa mùa gặt nghỉ tay hay những chiều quê yên ả bên mái lá đơn sơ.
Ngày nay, giữa muôn vàn thức uống thời thượng, trà lai vẫn lặng lẽ hiện diện nơi quán nước lề đường, gánh hàng rong và trong ký ức của bao người xa xứ. Không cầu kỳ, chẳng cần thương hiệu, nhưng chứa đựng cả tình quê mộc mạc, chân thành.
Nếu có dịp ghé ngang miền Tây, đừng vội lướt qua những quán nhỏ ven đường. Hãy dừng lại, gọi một ly trà lai để thưởng thức món uống bình dân nhưng đậm đà hồn quê, và cảm nhận sự ngọt ngào, chân chất của miền đất phương Nam.
(Bài dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê – trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê – trà Việt" lần 3, năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Thể lệ cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê – trà Việt". Đồ hoạ: CHI PHAN
Nguồn: https://nld.com.vn/tra-lai-hon-que-trong-mot-ly-nuoc-mat-196250416082232058.htm
Bình luận (0)