Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trải nghiệm âm nhạc mới trên cánh đồng di sản

Thời gian qua, nhiều dự án lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian kết hợp với các yếu tố điện tử được ra mắt, đưa người nghe đến với trải nghiệm âm nhạc mới mẻ.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên02/07/2025

Từ Tây Bắc đến Kinh Bắc

Ngày 26.6 vừa qua, 2 nhạc sĩ - nhà sản xuất Quốc Trung và Nguyễn Xinh Xô phát hành bộ đôi album The Field of Heritage - Cánh đồng di sản trên các nền tảng nhạc số. Đây là dự án từng được giới thiệu tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival 2023 trước đó nhưng phải đến nay mới hoàn thiện và chính thức ra mắt khán giả.

Trải nghiệm âm nhạc mới trên cánh đồng di sản- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô (thứ 2, từ trái sang) và Quốc Trung trong buổi trình diễn dự án Cánh đồng di sản tại Monsoon 2023

ẢNH: BTC MONSOON

Đây có thể xem là 2 lát cắt âm nhạc đối lập nhưng quyện hòa, kể về hành trình rời núi xuống phố của những người trẻ Tây Bắc. Trong đó Quốc Trung đảm nhận phần Life on High tái hiện vẻ đẹp huyền ảo, mộc mạc của thiên nhiên núi rừng qua 4 ca khúc, còn Nguyễn Xinh Xô đưa khán giả đến vùng đô thị với những con phố nhộn nhịp, ồn ã nhưng vẫn phảng phất nỗi hoài niệm về vùng non cao trong City Life.

Chia sẻ với Thanh Niên, Nguyễn Xinh Xô cho biết: "Thử thách lớn với tôi là chưa từng đặt chân đến Tây Bắc và gần như không có nền tảng về âm nhạc vùng cao do xuất thân từ đào tạo cổ điển, do đó tôi phải dựa vào trí tưởng tượng, cảm xúc tiềm thức và sự nhạy cảm cá nhân để tạo ra 7 track nhạc này". Hành trình những người trẻ rời bản làng xuống núi, vào đô thị vô tình phản chiếu chính quá trình anh đến với môi trường mới nên có thể nói sự đồng cảm này đã gợi lên rất nhiều cảm xúc trong quá trình sáng tạo.

Trở lại sau 2 thập niên với một sản phẩm hoàn chỉnh kể từ album world music Đường xa vạn dặm, Quốc Trung tiếp tục được kỳ vọng mang đến những sự giao thoa độc đáo. Trong sản phẩm mới, anh chọn tái hiện khung cảnh vùng cao bằng nhiều âm thanh gợi nhớ đến vùng Tây Bắc. Đơn cử trong track Misty Twilight, nhạc sĩ "tái lập" tiếng cồng và chỉ dùng 4 nốt nhạc theo kiểu cồng chiêng của người Mường xuyên suốt bản thu âm. Ca khúc này cũng có đoạn hát Hà Lều của 2 nghệ nhân người Nùng ở Cao Bằng mang đến không gian ma mị, huyền bí. Trong khi đó ở On Mother's Back còn có thể nghe ra tiếng đàn môi.

Trải nghiệm âm nhạc mới trên cánh đồng di sản- Ảnh 2.

Từ trái sang: Nhạc sĩ Quốc Trung, Nguyễn Xinh Xô và Ngô Hồng Quang

ẢNH: NSCC

Cũng trong tháng 6 vừa qua, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cùng nhóm Thiên Thanh phát hành album Về Kinh Bắc. Gồm 11 bài hát đặc trưng của vùng văn hóa này như dân ca quan họ Bắc Ninh, xẩm…, các track nhạc phần lớn được thể hiện dưới hình thức hòa tấu nhạc cụ như đàn tỳ bà, đàn nguyệt, sáo, trống, đàn nhị, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu… Để mang vào màu sắc mới, Ngô Hồng Quang cũng thể hiện giọng hát và kết hợp cùng các khách mời là beatboxer Trung Bảo, nhạc công cello người Mỹ Bryan Charles Wilson.

"Cuộc chơi" điện tử mới

Với 2 sản phẩm thuộc khuôn khổ Cánh đồng di sản, có thể nói âm nhạc đã vượt qua mục đích ban đầu là chỉ để nghe mà còn đồng thời là chuyến đi đưa thính giả trở về với ký ức, di sản, văn hóa và những câu hỏi xoay quanh cội nguồn, thời đại. Nhiều người chia sẻ khi lắng nghe bộ đôi đĩa nhạc, họ như phiêu du đến vùng Tây Bắc trong tâm tưởng, nơi mây, núi, rừng, những cánh đồng bát ngát… hiện ra bằng âm thanh đặc trưng và các liên tưởng thú vị. Điểm nhấn đáng chú ý của 2 đĩa nhạc còn nằm ở khả năng sáng tạo của các nhạc sĩ, nhà sản xuất với yếu tố điện tử. Theo đó, thay vì sử dụng nhạc cụ thật hay sample (mẫu âm thanh) có sẵn, thì toàn bộ các track đều sử dụng yếu tố điện tử để tái lập chính thanh âm đó. Với Nguyễn Xinh Xô, anh đã tạo nên những âm thanh tương tự sáo mèo bằng cách dùng tín hiệu điện liên tục để tạo và xử lý âm thanh thay vì tín hiệu kỹ thuật số thông qua analog modular. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng sử dụng công thức này cộng thêm những yếu tố độc đáo. Anh cho biết tất cả tiếng đàn môi, cồng chiêng, đàn tính… trong các bản ghi âm đều được "chế tác" bằng hệ thống modular synth tương tự như trên. Nhạc sĩ chia sẻ mình không cố làm cho giống mà là tạo ra những sắc thái và thanh âm giàu cảm xúc, kỳ vọng tạo ra một không gian kích thích trí tưởng tượng của người nghe.

"Khi những chất liệu như quan họ, ca trù hay âm thanh nhạc cụ dân tộc được đưa vào một không gian âm nhạc đương đại, kể cả không lời, chúng vẫn mang lại cảm giác vừa gần gũi vừa độc đáo, mới lạ. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc kết hợp hay không, mà là cách chúng ta làm điều đó. Nếu chỉ dừng lại ở việc đưa yếu tố truyền thống vào như một lớp vỏ mang tính trang trí thì sẽ khó chạm được đến chiều sâu cảm xúc. Do đó cần có sự tìm hiểu, tôn trọng và xử lý tinh tế để những giá trị văn hóa ấy thực sự sống lại, chứ không chỉ đơn thuần là một xu hướng nhất thời", nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô

Nguồn: https://thanhnien.vn/trai-nghiem-am-nhac-moi-tren-canh-dong-di-san-185250702214756073.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm