Chỉ cần gõ cụm từ khóa “uống nước cốt chanh chữa bệnh” trên các nền tảng như TikTok, Facebook hay YouTube, người dùng MXH sẽ dễ dàng bắt gặp hàng trăm video, bài viết chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, khuyến khích người khác uống nước cốt chanh nguyên chất mỗi sáng. Không ít người đã tin rằng chỉ sau vài tuần áp dụng bài thuốc này, các triệu chứng như đau nhức, mệt mỏi, tiêu hóa kém… sẽ giảm rõ rệt.
Thậm chí, còn có “lời đồn” rằng người bệnh nan y uống 4 lít nước pha với chanh mỗi ngày sẽ sống khoẻ mạnh trong nhiều năm mà không cần điều trị. Sự việc đã bị đẩy lên cao trào cho thấy hiện tượng lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng trên MXH diễn ra khá phức tạp, tạo thành một dạng niềm tin tập thể.
Ngoài những “tín đồ” một mực phản bác những lời khuyên của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng thì phần lớn cư dân mạng đã phản ứng mạnh mẽ với cách dùng chanh phản khoa học này.
Chị N.T.B, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Tôi xem trên Facebook thấy nhiều người chia sẻ uống nước cốt chanh mỗi sáng giúp giảm cân, trị mỡ máu nên đã thử làm theo.
Những ngày đầu tiên, tôi thực hiện ép 2 quả chanh lấy nước cốt uống vào lúc sáng sớm ngủ dậy khi chưa ăn gì. Ban đầu thấy cũng tỉnh táo, sảng khoái. Nhưng chỉ sau hơn 10 ngày, tôi bắt đầu thấy có các triệu chứng như cồn cào bụng, ợ chua, đầy hơi. Sau khi đi khám thì bác sĩ đã chẩn đoán tôi bị viêm dạ dày cấp. Đúng là lợi thì chưa thấy đâu mà vô tình đã rước thêm bệnh vào thân”.
Tương tự chị B, anh P.V.H, thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương vốn mắc bệnh gout nhẹ, nghe bạn bè mách uống nước chanh để “kiềm hóa máu, đẩy lùi axit uric”.
“Nghe nhiều người truyền tai về công dụng của việc uống nước cốt chanh nguyên chất để đẩy lùi nhiều bệnh, tôi đã thử áp dụng cách này để thực hiện uống vào các buổi sáng sớm khi chưa ăn gì. Thế nhưng sau gần 1 tháng, tôi thấy khớp gối đau dữ dội hơn, phải đi khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Bác sĩ nói tôi bị rối loạn chuyển hóa, uống chanh khi không phù hợp và không đúng liều lượng sẽ khiến bệnh nặng hơn” - anh H chia sẻ.
Đề cập đến trào lưu này, một số chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong một quả chanh cỡ vừa (khoảng 48g) có chứa 10,6 kcal năng lượng; 18,6mg (miligram) vitamin C; 9,6mcg (microgram) vitamin B9 (Folate); 49,4mg kali; 0,01mcg vitamin B1; 0,01mcg vitamin B2 và 0,06mcg vitamin B3.
Như vậy có thể thấy rằng chanh là một loại quả có rất ít calo nhưng lại giàu vitamin C. Đặc biệt trong một quả chanh có tới 18,6mg vitamin C - khoảng 21% lượng khuyến nghị vitamin C hằng ngày. Chanh có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, việc sử dụng phải tùy vào thể trạng mỗi người, đặc biệt không nên uống nguyên chất hoặc khi bụng đói.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trong nước cốt chanh chứa axit citric – nếu dùng nhiều, liên tục, đặc biệt khi chưa ăn sáng sẽ làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, dẫn tới viêm loét, trào ngược thực quản. Người có tiền sử viêm dạ dày, huyết áp thấp, bệnh về men răng hoặc mắc bệnh mạn tính không nên tự ý dùng.
Nhiều người hiểu nhầm rằng axit citric có thể “kiềm hóa máu”, nhưng đây là cách lý giải không đúng về mặt y học. Việc “trung hòa axit” trong cơ thể là một cơ chế tự điều chỉnh rất phức tạp của cơ thể, không thể can thiệp chỉ bằng một loại thực phẩm đơn lẻ như chanh.
Chanh còn chứa axit amin tyramine. Do đó, khi uống quá nhiều nước chanh sẽ gây dư thừa loại axit này và khiến máu đột ngột dồn lên não gây ra các cơn đau nửa đầu.
Vì vậy, mọi người nên thực hiện theo những khuyến nghị, lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ như mỗi người nên tạo thói quen tập thể dục hằng ngày và có chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Đối với việc sử dụng chanh, người khỏe mạnh có thể pha ½ quả chanh với 200ml nước ấm, uống sau ăn sáng 30 phút; không nên uống chanh nguyên chất, đặc biệt là khi bụng đói nếu có tiền sử bệnh dạ dày; người có bệnh lý mạn tính, đang điều trị thuốc cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp dân gian nào; chỉ nên dùng 2 - 3 lần/tuần, không thay thế cho thuốc điều trị hoặc các chỉ định y tế khác.
Trào lưu uống nước cốt chanh để chữa “bách bệnh” đang bị thổi phồng bởi MXH và những lời truyền miệng thiếu căn cứ. Lợi ích sức khỏe từ chanh là có thật, nhưng nếu sử dụng sai cách sẽ phản tác dụng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Thay vì chạy theo trào lưu, mỗi người cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp chăm sóc sức khỏe nào.
Bài, ảnh: Huyền Linh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127803/Trao-luu-uong-nuoc-cot-chanh-“chua-bach-benh”---Loi-bat-cap-hai
Bình luận (0)