
Triển lãm giới thiệu 172 hiện vật gốm độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh và gu thẩm mỹ của người Việt vùng Nam bộ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các hiện vật được chia thành 3 nhóm: đồ gốm tín ngưỡng - tâm linh như: tượng Quan Âm, bộ tượng Bát Tiên, tượng Di Lạc, Ông Địa, lư hương, chân đèn...; nhóm đồ gốm trang trí - mỹ nghệ với lộc bình, phù điêu, tượng nhỏ, chậu cảnh...; và nhóm đồ gốm phục vụ đời sống hàng ngày như: chén, đĩa, nồi, chóe, bộ ấm, khay trà…



Không chỉ dừng lại ở trưng bày hiện vật, ban tổ chức còn kỳ công tái hiện một không gian sống đặc trưng của người Nam Bộ xưa. Trong không gian triển lãm, khách tham quan có dịp trải nghiệm một góc nhà truyền thống với cách bài trí tủ thờ theo lối “đông bình tây quả”, bộ trường kỷ gỗ cẩn xà cừ đặt bộ bình và khay trà, hộp gỗ giữ ấm, ống nhổ… nhằm giúp người xem có thể cảm nhận chân thực hơn về đời sống văn hóa trong quá khứ.

GS TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, khẳng định: “Triển lãm là minh chứng rõ nét cho sự kết nối giữa nhà trường và cộng đồng, là bước khởi đầu nhằm lan tỏa tình yêu di sản, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại”.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/trien-lam-chuyen-de-gom-nam-bo-tu-truyen-thong-den-hien-dai-post795388.html
Bình luận (0)