Chị Hà Thị Thanh Hoàn kiểm tra chất lượng nấm đông trùng hạ thảo trước khi thu hoạch.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Thái Nguyên, chị Hà Thị Thanh Hoàn tiếp tục học cao học chuyên ngành công nghệ sinh học. Năm 2017, cũng như nhiều sinh viên khác sau khi ra trường, chị Hoàn đã chọn về lập nghiệp tại Hà Nội và xin làm cho doanh nghiệp tư nhân. Thời gian này, chị đã vận dụng được nhiều kiến thức đã học và có thêm được nhiều kinh nghiệm sản xuất hiện đại trong thực tế. Năm 2023, chị Hoàn xây dựng cho mình mục tiêu mới, đó là trở về quê hương Thanh Sơn để lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất nơi sinh ra và lớn lên.
Trở về quê, chị Hoàn nhận thấy điều kiện sản xuất nông nghiệp chất lượng cao có nhiều thuận lợi hơn thành phố đó là điều kiện về mặt bằng, hơn nữa trong thời đại công nghiệp 4.0 chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và tạo ra những sản phẩm tốt thì việc tiêu thụ được dễ dàng hơn. Với số vốn tích lũy và vay thêm từ anh em, bè bạn, chị Hà Thị Thanh Hoàn đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào nhà xưởng, máy móc, chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo, phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài địa bàn huyện Thanh Sơn.
Quá trình thực hiện, dù gặp phải rất nhiều khó khăn như: Các công đoạn làm ra sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tiêu chuẩn khắt khe, nếu thao tác không chính xác, thành phẩm không đạt đúng tiêu chuẩn thì sẽ không sử dụng được. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và quyết tâm cao, chị Hoàn đã chủ động chọn lọc lai tạo chủng giống, sau đó nhân sinh khối, đưa vào nuôi trồng.
Chị Hà Thị Thanh Hoàn cho biết: “Để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt, tôi đã đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cấy hiện đại với các máy móc, trang thiết bị hiện đại. Công nghệ nuôi cấy sử dụng các nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, như: Gạo lứt, nước dừa, khoai tây và bổ sung một số vitamin cần thiết. Cùng với đó, phòng kỹ thuật phải bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, hệ thống cấp và lọc khí được lắp đặt tự động, điều chỉnh chính xác cho từng giai đoạn sinh trưởng. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc giá thể, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi cấy, chăm sóc đông trùng hạ thảo. Sau khi thu hoạch thành phẩm tươi, tôi sử dụng công nghệ cấy thăng hoa để đảm bảo giữ được nguyên chất lượng, với màu vàng cam đẹp, hương vị đặc trưng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhiều người tiêu dùng, tạo ưu thế riêng so với sản phẩm cùng loại trên thị trường...”.
Nhờ đó, Cơ sở sản xuất kinh doanh Nông sản, Dược liệu của chị Hoàn đã thành công ở lứa nuôi cấy đầu tiên, đây là cơ sở để chị Hoàn sản xuất đông trùng hạ thảo theo chu kỳ. Để đảm bảo các điều kiện của cơ sở, chị đã được địa phương và ngành chức năng hướng dẫn đầy đủ các bước để hoàn thiện thủ tục đăng ký, đáp ứng được đầy đủ điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm.
Cùng với việc sản xuất đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, Cơ sở sản xuất kinh doanh Nông sản, Dược liệu còn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu từ việc in ấn bao bì, mẫu mã đến việc quảng bá chất lượng sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội... Nhờ đó, mỗi tháng chị Hoàn xuất bán được từ 10-15kg đông trùng hạ thảo khô, với giá thành bình quân từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/lạng. Ngoài ra, chị Hoàn còn trồng thêm nấm sò với chất lượng, sản lượng cao, mỗi ngày xuất bán được từ 10-20kg nấm sò tươi, bình quân giá bán 50 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình chị Hà Thị Thanh Hoàn thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Đây chính là động lực giúp Cơ sở sản xuất kinh doanh Nông sản, Dược liệu tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.
Ánh Dương
Nguồn: https://baophutho.vn/trien-vong-cua-mo-hinh-san-xuat-nam-dong-trung-ha-thao-sh-farm-231196.htm
Bình luận (0)