Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trò chuyện cùng AI giải tỏa tâm lý

Thời sinh viên, Diệp Gia Bảo - cậu bạn sinh năm 2000 - vốn từng trăn trở làm sao để những người trẻ đang chông chênh trong cuộc sống không phải đối diện cùng nỗi cô đơn, khủng hoảng tinh thần một mình?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ17/04/2025



AI - Ảnh 1.

Diệp Gia Bảo, người sáng lập dự án Mindvivo chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người trẻ - Ảnh: NVCC

Và anh tìm ra câu trả lời từ dự án Mindvivo, một ứng dụng chăm sóc sức khoẻ tâm thần do mình sáng lập, như phần nào lý giải cho nỗi trăn trở ấy.

AI đồng hành với sức khỏe tâm thần

Bảo từng làm quản lý, điều phối dự án tại một số công ty và tổ chức phi chính phủ. Đó là cơ hội tốt để anh kết nối giữa công nghệ với chiến lược sản phẩm và tạo tác động xã hội. Nhưng mọi việc xuất phát từ chính các câu chuyện đời thường của bạn bè xung quanh, thôi thúc anh làm dự án này.

Bảo kể mình có người bạn lúc nào cũng vui vẻ, hoạt bát nhưng ngày nào cũng tầm 3h sáng lại luôn rơi vào trạng thái tiêu cực, nặng nề mà chẳng biết nói chuyện cùng ai mỗi lúc như thế. Rồi người bạn khác đi làm thêm gặp áp lực về tài chính nhưng cũng không có bạn bè thân quen để chia sẻ như khi còn ở quê. Chính Bảo cũng rời quê Bình Định vào TP.HCM học tập và sinh sống nên thấu cảm hoàn cảnh ấy.

Cả những tin tức và khi có dịp tham gia các hội thảo chủ đề về sức khỏe tâm thần, Bảo biết thông tin gần 15% dân số Việt Nam có khả năng bị rối loạn tâm thần. Trong khi số chuyên gia tâm lý và bác sĩ điều trị chưa đủ đáp ứng.

Câu hỏi lặp đi lặp lại trong đầu Bảo: "Giải pháp nào có thể hoạt động 24/7, hiệu quả mà không tốn kém để người trẻ được lắng nghe, trải lòng, tiếp cận với các giải pháp chăm sóc sức khoẻ tâm thần không?".

Mindvivo được anh bạn mày mò tạo ra không chỉ mang đến công cụ công nghệ mà kỳ vọng như một bạn đồng hành giúp người dùng giãi bày nỗi lòng, cảm xúc một cách kín đáo và riêng tư.

Bảo dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng Chatbot giúp lắng nghe và phản hồi mà người đối diện cảm thấy được thấu hiểu, gần gũi, không mang lại cảm giác bị phán xét.

"Tôi cứ vừa làm vừa học. Nhờ từng làm các website, ứng dụng từ các dự án nho nhỏ mà nâng dần lên mới có Mindvivo hôm nay", cậu cựu sinh viên ngành marketing hào hứng.

Tôi không muốn dừng lại ở ứng dụng mà mong phát triển để phục vụ cộng đồng, sao cho ngày càng nhiều người tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và cảm thấy hạnh phúc hơn cùng Mindvivo.

DIỆP GIA BẢO

Ứng dụng Việt không chỉ cho người Việt

Gia Bảo nói có những rào cản nhất định với người trẻ tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ ít bộc lộ cảm xúc vì sợ bị cho là yếu đuối nên chọn cách im lặng, chịu đựng một mình. Việc tham vấn tâm lý chưa thành thói quen, đôi khi cản trở vì thời gian, khoảng cách và chi phí cũng là vấn đề với nhiều bạn trẻ.

Ứng dụng ban đầu dùng nhiều kiến thức lý thuyết và học thuật nên bị cho là khô và khó phù hợp nhu cầu tương tác của người trẻ. Bảo đã thêm vào các biểu tượng cảm xúc để AI trò chuyện thân thiện, phù hợp hơn nhóm người dùng 20-30 tuổi, cũng là đối tượng chính của dự án.

"Chatbot giờ đã phản hồi tự nhiên, ngắn gọn như cuộc trò chuyện nhẹ nhàng chứ không còn những đoạn dài lê thê nữa. Chúng tôi còn đưa vào các bài kiểm tra tâm lý, thực hành chánh niệm, cho phép đặt lịch tư vấn tâm lý cùng chuyên viên với mức giá phù hợp điều kiện tài chính của các bạn trẻ", Gia Bảo khoe.

Dự án có thể cung cấp đa dạng chatbot để hỗ trợ nhiều đối tượng người dùng. Từ trò chuyện vui nhộn đến giúp giảm căng thẳng, hướng dẫn kỹ thuật thư giãn và thở sâu, có cả chăm sóc tâm thần dành riêng cho phụ nữ sau sinh, rồi hỗ trợ cộng đồng LGBT...

Cha đẻ của dự án còn huấn luyện chatbot trò chuyện bằng nhiều ngôn ngữ và nghĩ đến việc mở ra tầm quốc tế. Bởi tìm hiểu, Bảo nhận ra Singapore, Thái Lan hay Trung Quốc đều có những khái niệm tương đồng về sức khỏe tâm thần, chánh niệm, khác chăng ở chỗ nhu cầu đặc thù của người dùng tùy mỗi nơi. Và đó chính là dư địa mà Bảo tin có thể phát triển dự án rộng hơn nữa.

Chinh phục giải thưởng

Tại cuộc thi AI.STAR 2024, Mindvivo lọt vào top 5 dự án được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ 400 triệu đồng trong giai đoạn tăng tốc. Dự án cũng nhận được nhiều giải thưởng khác.

Trong đó có khoản tài trợ 150.000 USD từ Microsoft, cố vấn từ Seedstars và EY Singapore, top sáng kiến xã hội thuộc chương trình Springboard elevate 2024 của UNDP, giải nhì khởi nghiệp Impact Start-up 2023 do ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Singapore tổ chức.

Mới nhất, Mindvivo là 1 trong 100 dự án được Tổ chức All Tech Is Human (Mỹ) chọn từ hơn 900 dự án để tham gia chương trình kết nối với các cố vấn trong nhiều lĩnh vực như chính sách công, đạo đức AI...

"Mindvivo sẽ mở rộng tính năng, bổ sung công cụ hỗ trợ và cung cấp tài khoản miễn phí cho nhóm yếu thế, hướng đến phục vụ người dùng tại Việt Nam nhiều hơn", Gia Bảo nói.

Những người đồng hành

Mindvivo đúng là từ ý tưởng của cá nhân song Bảo luôn nhắc đến thạc sĩ Trần Thư Hà - phó trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Văn Lang, người đảm bảo tính chuyên môn và khoa học cho dự án cùng thạc sĩ Susanna Brunner từ Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, người thổi hồn cho thiết kế và trải nghiệm người dùng.

Đó còn là giảng viên Hoàng Thị Thu Vân tại khoa thương mại Trường ĐH Văn Lang khi cô chính là người đầu tiên ủng hộ Bảo 5 triệu đồng và khuyến khích cậu sinh viên này làm ngay khi nghe bạn chia sẻ ý tưởng. Cô Vân hiện vẫn cố vấn, hỗ trợ Bảo kết nối với các thầy cô, chuyên gia khác khi cần.

"Tôi thấy ý tưởng ấy không chỉ là một dự án công nghệ mà mang giá trị nhân văn sâu sắc. Bởi xã hội hiện đại luôn kéo theo những áp lực tinh thần, nhất là với người trẻ, nên nhu cầu về một nền tảng tư vấn tâm lý thuận tiện, dễ tiếp cận là rất cần thiết và tôi ủng hộ", cô Thu Vân chia sẻ

Nguồn:https://tuoitre.vn/tro-chuyen-cung-ai-giai-toa-tam-ly-202504161005168.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm