Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trở lại những chiến trường lịch sử: Bài 6

Việt NamViệt Nam27/04/2025


phi-doi-quyet-thang.jpg
Phi đội Quyết Thắng trước trận ném bom lịch sử (ảnh tư liệu)

Phi đội Quyết Thắng mở màn

Sân bay Tân Sơn Nhất là căn cứ quân sự quan trọng, góp phần phô diễn sức mạnh không quân của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Vì thế, nếu đánh chiếm được cứ điểm này sẽ làm suy sụp tinh thần địch, thúc đẩy Chiến dịch Hồ Chí Minh đi đến toàn thắng.

Chiều 28/4/1975, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ rung chuyển bởi 18 quả bom từ 5 chiếc máy bay A - 37 ném xuống. 24 máy bay địch bị phá hủy, hàng trăm sĩ quan và binh lính địch bị tiêu diệt. Toàn sân bay bị tê liệt khiến chính quyền Sài Gòn hoảng loạn. Nhưng điều khiến địch run sợ hơn cả là chúng bị chính phương tiện, vũ khí của mình tấn công.

A - 37 vốn là máy bay cường kích chiến đấu do Mỹ chế tạo, chuyên dùng để ném bom. Ngày 29/3/1975, khi quân ta giải phóng TP Đà Nẵng, chiếm sân bay đã thu giữ 17 máy bay này. Từ “chiến lợi phẩm”, quân đội ta đã hình thành lối đánh mới là dùng máy bay địch để đánh địch.

su-doan-10.jpg
Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất

Lực lượng phi công của ta vốn chỉ quen với máy bay tiêm kích Mig - 17 và Mig - 21 của Liên Xô nhưng lại lĩnh hội, chuyển loại máy bay thần tốc trong vài ngày nhờ sự hỗ trợ của người phi công hàng binh Trần Văn On. Ông On vốn là lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa, được đưa sang Mỹ đào tạo phi công đóng tại Đà Nẵng. Khi TP Đà Nẵng giải phóng, thay vì lên chiến hạm di tản, ông On đã ra trình diện, được Quân chủng Phòng không - Không quân của ta tuyển dụng để cùng đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, huấn luyện lái máy bay A - 37 chuẩn bị cho trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn với khí thế thần tốc, quyết thắng, trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất được coi là mũi tiến công thứ 6 của quân ta. Nhiệm vụ này được giao cho các phi công của Trung đoàn Không quân 923, nòng cốt là Đại đội 4. Lực lượng phi công tham gia trận đánh này được biên chế thành phi đội mang tên Phi đội Quyết thắng do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng; Thượng úy Trần Cao Thăng, Chính trị viên và Thượng úy Từ Đễ, Phi đội phó.

Kế hoạch tác chiến của trận đánh được xác định rõ ràng. Sau khi cất cánh, phi đội bay theo đường bay từ sân bay Thành Sơn qua Phan Thiết, Hàm Tân, đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đội hình xuất kích gồm 5 phi công lái 5 máy bay A - 37 do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường. Sau khi dội bom cứ điểm Tân Sơn Nhất, tiêu diệt binh lính, phá hoại kho tàng địch cả 5 máy bay đều hạ cánh an toàn tại sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận).

Vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất là trận đánh có một không hai của không quân Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của không quân ta. Đồng thời làm cho tinh thần địch rệu rã, tạo điều kiện cho bộ binh của ta phát triển thế tấn công.

“Đòn kết liễu” của Sư đoàn 10

keo-co-chien-thang.jpg
Chính trị viện Đại đội 5 Đỗ Trọng Lợi (ngoài cùng bên phải) chỉ đạo đồng đội kéo cờ chiến thắng tại khu truyền tin, gần sân bay Tân Sơn Nhất

Quân địch chưa khỏi choáng váng bởi vụ ném bom thì ngay hôm sau 29/4/1975, Sư đoàn 10 với 2 trung đoàn chủ lực là 24 và 28 cùng với xe tăng, thiết giáp, pháo binh, cao xạ xuất kích tiến vào Sài Gòn. Trung đoàn 24 là mũi nhọn đi đầu hướng về sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường đi, quân ta liên tục chiến đấu với lực lượng bộ binh và xe tăng địch nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đến 21 giờ ngày 29/4/1975, các lực lượng của trung đoàn đã đến vị trí tập kết để củng cố đội hình, chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh chiếm sân bay ngay ngày hôm sau. Đứng trong hàng ngũ này có ông Đỗ Trọng Lợi, sinh năm 1951, ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc).

Ông Lợi khi đó là Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đội 5 (Trung đoàn 24).

In dấu chân ở khắp các chiến trường phía Nam nhưng với ông trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Ông Lợi kể sáng 30/4/1975, hỏa lực của ta dồn dập bắn phá vào các mục tiêu trong sân bay Tân Sơn Nhất. Đại đội của ông được giao tiến vào cổng số 5 của sân bay. Ở đây ông cùng đồng đội gặp sự kháng cự quyết liệt của quân địch, song với tinh thần, ý chí “một ngày bằng hai mươi năm”, quân ta áp sát mục tiêu, khép chặt vòng vây địch.

do-trong-loi.jpg
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất luôn in đậm trong tâm trí ông Đỗ Trọng Lợi, sinh năm 1951, ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc)

Cổng số 5 là nơi địch bố trí hỏa lực mạnh nhất, sau khi Đại đội 7 đột phá không thành, Đại đội 5 được giao nhiệm vụ tấn công. Hai bên giằng co ác liệt. Đại đội trưởng, Đại đội phó cùng nhiều pháo thủ, chiến sĩ của Đại đội 5 bị thương phải lùi về phía sau. Ông Lợi cùng Chính trị viên phó đã xốc lại tinh thần đồng đội, tiến lên đánh chiếm khu truyền tin, chia cắt địch ở sân bay Tân Sơn Nhất với Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa.

san-bay-tan-son-nhat.jpg
Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đến 10 giờ 30, Đại đội 5 làm chủ được mục tiêu, bắt được 57 tù binh. Trong đó, có 3 đại tá là chỉ huy trưởng khu truyền tin, sĩ quan tâm lý chiến và Sư đoàn phó Sư đoàn 5 không quân.

Cùng thời gian này, các đơn vị của trung đoàn đã làm chủ các mục tiêu trong sân bay. Căn cứ Tây Sơn Nhất - sào huyệt trọng yếu của địch thất thủ. “Khi lá cờ giải phóng được phất cao trên các cứ điểm trong sân bay, hạnh phúc như vỡ òa. Đồng đội tôi người bị thương, người lấm lem vì khói bom, đạn nhưng gương mặt ai nấy đều rạng ngời”, ông Lợi xúc động nói.

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất là minh chứng cho tinh thần, sức chiến đấu mãnh liệt của quân ta, góp phần quan trọng làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỳ sau: Ký ức hào hùng ngày thống nhất

NGUYỄN MƠ - THÀNH LONG


Nguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-6-tran-chien-tren-khong-va-mat-dat-tan-son-nhat-410140.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm