Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trực Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững

Với quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ, những năm qua, huyện Trực Ninh đã từng bước kiến tạo nền tảng kinh tế nông thôn hiện đại, phát triển hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định08/05/2025

Lãnh đạo huyện Trực Ninh thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo huyện Trực Ninh thường xuyên nắm bắt tình hình doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kiến tạo hạ tầng đồng bộ 

Nhận thức rõ vai trò “đi trước một bước” của quy hoạch và hạ tầng trong kiến tạo không gian phát triển, huyện Trực Ninh đã chủ động nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện những tuyến đường trọng điểm như: Vô Tình - Văn Lai, 53C (xã Việt Hùng), Nam Ninh Hải… đều được nhựa hóa, bảo trì thường xuyên. 3 tuyến quốc lộ (21, 21B, 37B) với tổng chiều dài 30,24km; 3 tuyến đường tỉnh (487, 488B, 490C) dài 22,37km được nhựa hóa 100%, quy mô cấp III - V đồng bằng. 13,9km đường huyện cũng được đầu tư nâng cấp, kết nối liên thông với các xã, thị trấn, tạo thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư. Huyện cũng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ các dự án lớn như: tuyến trục kết nối cao tốc Bắc - Nam với Khu kinh tế biển, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển…

Với xuất phát điểm là huyện thuần nông có gần 7.000ha đất trồng lúa, Trực Ninh đã huy động gần 293 tỷ đồng (giai đoạn 2020-2024) đầu tư hàng nghìn công trình thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất lớn, hiện đại. Huyện xác định rõ tích tụ, tập trung đất đai là điều kiện tiên quyết cho sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Từ sau khi hoàn tất dồn điền đổi thửa, toàn huyện đã có hàng chục doanh nghiệp, 80 tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn tại các xã, thị trấn với tổng diện tích 1.078ha; xây dựng 43 “cánh đồng lớn” với gần 2.000ha gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, đặc sản như Bắc Thơm số 7, Đài Thơm 8, ST25, lúa lai F1… theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm. Cùng với tích tụ đất đai, huyện đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và chuyển giao khoa học công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất. Tỷ lệ cơ giới hóa làm đất, thu hoạch đạt 100%; gieo sạ, cấy máy, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái ngày càng phổ biến. Hệ thống hạ tầng sản xuất - từ kênh mương, nhà xưởng, lò sấy, kho lạnh - được đầu tư đồng bộ, với sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, Hợp tác xã (HTX) Dược thảo Hoàng Thành Nam Định… Trong đó, Công ty TNHH Cường Tân là mô hình điển hình trong ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong chế biến nông sản khép kín, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương. Toàn huyện có 18/18 xã tổ chức mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp nâng hiệu quả kinh tế lên 1,2-1,5 lần so với sản xuất đại trà; 12 sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo đặc sản của các địa phương được công nhận OCOP 3 sao trở lên, được đưa lên tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, có mã QR để truy xuất nguồn gốc.

Công nghiệp, dịch vụ và làng nghề chuyển biến mạnh 

Trực Ninh đang có những bước tiến rõ nét trong phát triển công nghiệp và dịch vụ. Trên địa bàn hiện có 3 cụm công nghiệp (CCN) (Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Hùng) với tổng diện tích gần 49ha, đều đã lấp đầy 100%, thu hút 49 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Huyện đang xúc tiến hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 3 CCN mới trọng điểm: Hưng Nội, Trực Tuấn, Thanh Đạo, đồng thời quy hoạch mở rộng không gian công nghiệp đến năm 2030 với 5 CCN mới: Trực Tuấn (67ha), Hưng Nội (56ha), Thanh Đạo (71ha), Hùng Thành (50ha), Việt Hùng (50ha) và tầm nhìn đến 2050 sẽ mở rộng thêm gần 38ha tại Hùng Thành và Việt Hùng.

Cùng với phát triển công nghiệp, Trực Ninh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư. Huyện đã công khai thủ tục, quy trình xử lý hồ sơ, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, gần 600 doanh nghiệp đang hoạt động tại Trực Ninh duy trì sản xuất ổn định, mở rộng quy mô, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực sản xuất - kinh doanh vững vàng đã dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của huyện như: các Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam, Dream Plastic (đồ chơi trẻ em), Tập đoàn Trường An, HTX Lụa Cổ Chất… 

12 làng nghề mới và truyền thống ở 8 xã, thị trấn cũng được duy trì phát triển, trong đó có 2 làng nghề được công nhận cấp tỉnh: làng nghề mộc Mộc Kênh (thị trấn Cổ Lễ) và làng nghề dệt khăn truyền thống Dịch Diệp (xã Trực Chính). Chương trình OCOP được huyện xác định là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc nhằm thương mại hóa các sản phẩm địa phương. Nhiều chính sách đồng bộ đã được triển khai như: ban hành Chương trình công tác trọng tâm về phát triển OCOP giai đoạn 2020-2025, kế hoạch hàng năm rà soát sản phẩm tiềm năng để đánh giá, phân hạng. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực từ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, đến nay huyện có 46 sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 4 sao, 40 sản phẩm 3 sao), góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Huyện đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - tâm linh - làng nghề dựa trên hệ thống di sản văn hóa tâm linh phong phú, với 46 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích quốc gia như Chùa Cổ Lễ, Đền - Chùa Cự Trữ và Cổ Chất, Đền Tuân Lục… Truyền thống khoa bảng, hiếu học và các lễ hội đặc sắc tại các làng nghề truyền thống: Dịch Diệp, Cự Trữ và làng ươm tơ Cổ Chất… tạo nên điểm đến hấp dẫn gắn với sản phẩm đặc trưng như bánh rang Cát Thành, kẹo lạc, vải tơ tằm Chất Silk, nước mắm Ninh Cường. Thông qua việc xây dựng chuyên mục quảng bá du lịch trên cổng thông tin điện tử huyện và kết nối với các trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, hình ảnh các di tích lịch sử - văn hóa và làng nghề truyền thống đã được đưa lên tầm cao mới. Những nỗ lực này không chỉ góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản mà còn biến chúng thành công cụ kinh tế thực tiễn, thu hút đầu tư, tạo việc làm và mở rộng thị trường cho sản phẩm du lịch - từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững ở huyện Trực Ninh.

Năm 2024, giá trị sản xuất/ha đất canh tác của huyện ước đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 1,32 lần so với năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.750 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ); giá trị xuất khẩu đạt 500 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5.718 tỷ đồng; vận tải hàng hóa và hành khách đều tăng trên 11%; thu ngân sách đạt gần 888 tỷ đồng, vượt 14% dự toán.

Với bước đi bài bản, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Trực Ninh đang từng bước kiến tạo nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững - hiện đại - hiệu quả - giàu bản sắc, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

Nguồn: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202505/truc-ninh-thuc-day-phat-trienkinh-te-nong-thon-hien-dai-ben-vung-d1461a2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm