Tuy trở ngại về tiếng Anh, nhiều người Việt lớn tuổi vẫn vượt khó, mạnh dạn đến trường đại học ở nước ngoài - Ảnh: P.L.D.
Tôi gắng học hết luôn mùa hè là vừa kịp tháng 9 vào năm học mới ở trường đại học. Gần 50 tuổi, tôi lại bước vào đại học lần thứ hai ở xứ người để thử thách chính mình.
1. Trước khi quay lại đường học hành, tôi luôn nghĩ mình chỉ có khả năng làm việc, học qua thực hành, còn chuyện ôm sách vở học là không tưởng bởi mình không còn khả năng đó, mình đã 45 tuổi rồi, đã không học lâu lắm rồi.
Cho đến một ngày tôi cảm thấy mình không muốn tiếp tục như vậy nữa, cần thay đổi, thay đổi để tốt hơn. Vậy là tôi thay đổi suy nghĩ và bắt đầu dấn thân vào đường học hành thử xem khả năng mình tới đâu.
Khởi đầu bằng việc học tiếng Anh, tất cả vốn liếng tiếng Anh tôi có được là từ hồi học phổ thông và 4 lớp Streamlines ít ỏi ở trung tâm ngoại ngữ Đại học Sư phạm hồi xưa, vậy mà nó đã giúp tôi đi làm và xài nó mấy chục năm từ Việt Nam qua tới Canada.
Tôi chưa bao giờ hài lòng khả năng tiếng Anh của mình, dù tôi có thể giao tiếp lưu loát đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với đồng nghiệp.
Tôi vẫn thấy chưa đủ, vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh vẫn còn thiếu hụt. Vậy nên tôi bắt đầu bằng việc đi học tiếng Anh để cải thiện, cũng là để thử coi khả năng tiếp thu của mình tới đâu sau 22 năm không đụng tới con chữ.
Tôi đăng ký chương trình học tiếng Anh học thuật một năm ở Trường Fanshawe College (thành phố London, tỉnh bang Ontario, Canada) và xin chuyển làm việc từ toàn thời gian sang bán thời gian.
Tôi học tiếng Anh được hai tháng thì thấy thích quá, thấy trí nhớ vẫn chưa "tạm biệt" mình, nên quyết định xong tiếng Anh sẽ học lên tiếp.
Sau thời gian tìm hiểu mình cần gì và thích gì, tôi quyết định học ngành phù hợp con người mình để được làm việc mình muốn là ngành social works (công tác xã hội) ở Western University. Tôi nghĩ có tuổi rồi mà đi học cái không thích nữa thì chán lắm.
Mới đầu tôi định học cao đẳng hai năm thôi cho nhanh để còn ra trường đi làm, nhưng lúc đăng ký thì hết chỗ, phải chờ một năm sau mới có chỗ trống, thế là tôi sang đăng ký ngành đó bên trường đại học.
Sau khi viết thư, rồi nhờ hai người bạn viết reference letter (thư giới thiệu) các kiểu theo yêu cầu cùng với bằng cấp, bảng điểm hồi đi học ở Việt Nam, tôi cũng không hy vọng gì nhưng vẫn thử.
Tôi nghĩ nếu không được nhận thì coi như mình bỏ tiền ra mua kinh nghiệm đăng ký học đại học ở Canada để biết sau này hướng dẫn con mình khi chúng vào đại học.
2. Thế rồi một ngày đẹp trời, tôi được trường đại học nhận, khỏi phải nói tôi vui y như trúng số. Dù không biết học có nổi không, nhưng tính tôi vốn lạc quan, cứ tới đâu tính tới đó, không học được thì mình nghỉ để quay lại đi làm.
Thế nên tôi bước vào trường đại học lần thứ hai ở tuổi 44, cảm giác háo hức y như lần đầu bước chân vào cánh cổng đại học hồi 18 tuổi.
Những ngày đầu đi học, nói thật là tôi sốc và sợ, tôi nghĩ mấy em du học sinh mới lần đầu đi du học Canada sốc ra sao chắc mình cũng y như vậy. Dù tôi đã học hết lớp cao nhất của chương trình tiếng Anh học thuật ở trường nhưng vẫn chưa đủ để hiểu hết những gì giáo viên giảng trên lớp.
Nhiều khi giáo viên nói, tôi nghe không kịp, tôi không thể hiểu rõ mọi thứ như mình hiểu bằng tiếng Việt. Chưa hết, học kỳ đầu đi học nhìn quanh quẩn thì thấy tôi già nhất lớp, dù trường cũng có nhiều sinh viên lớn tuổi hơn mình nhưng không có trong lớp mình học.
Các bạn cùng lớp toàn người Canada trẻ tuổi trên dưới 20. Nhiều lúc các bạn nói mình nghe không kịp và cũng không hiểu vì các bạn sử dụng ngôn ngữ khác mình, giống tiếng lóng tuổi teen Việt Nam bây giờ.
Ngay cả việc đơn giản trong ngày đầu tiên đi học là giảng viên yêu cầu mọi người giới thiệu về bản thân, khi tôi vừa cất tiếng nói thì cả lớp đều nhìn cũng đủ làm mình run, bởi mình khác quá mà.
Những ngày đầu sách học của tôi viết chi chít đầy chữ tiếng Việt bằng bút chì dưới những từ vựng về xã hội mà mình không biết. Một chương, tụi nhỏ lướt 15 phút là xong thì tôi phải mất mấy tiếng để đọc hiểu hết.
Ngoài việc học thì còn chuyện con cái, cơm nước, nhà cửa, rồi kiếm tiền cũng là phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nói là đi học thì phải bớt bớt lại, con cũng lớn rồi, nhưng người phụ nữ năng động không thể ngồi yên như tôi không cho phép bản thân rảnh rang.
Tôi cũng không muốn bỏ bê hai con đang tuổi ăn tuổi lớn, tính tình ẩm ương, nên tôi cố gắng sắp xếp để chu toàn và làm mọi thứ trong khả năng của mình với thời gian 24 tiếng mỗi ngày.
Nhưng có lẽ nhờ vậy mà tôi trở nên "tốt" hơn, chỉ tập trung cho việc học và lo gia đình nhỏ của mình, không có thời gian cho những việc tào lao không liên quan tới mình nữa.
Có người thấy tôi vậy, cảm thán "sao cực vậy, sao khổ vậy, sao đi học chi cho khổ". Còn tôi lại không thấy khổ chút nào, mà thấy vui lắm, mình thích đi học, và mình thấy hạnh phúc vì được làm tất cả những việc như vậy.
Tác giả (bìa phải) chia vui cùng các bạn hoàn thành cao học ở Canada - Ảnh: NVCC
3. Một tuần, một tháng, rồi vài tháng trôi qua, tôi cứ cố gắng mỗi ngày, nhìn ngang ngó dọc rồi bắt chuyện hỏi thăm coi tụi nhỏ thời nay học kiểu gì, coi có cách học nào của tụi nhỏ có thể áp dụng được với mình không để cố gắng tìm ra cách học phù hợp. Nỗi sợ trong tôi từ từ biến mất hồi nào không hay.
Đi học thời nay không giống thời xưa, các bạn trẻ ai cũng có laptop, iPad, điện thoại thông minh. Trong lớp, các bạn không dùng bút vở ghi chép như hồi xưa mà hầu như tất cả đều gõ trên máy tính hoặc viết trên iPad.
Nhờ có căn bản IT nên tôi không bị ngộp với công nghệ áp dụng trong trường học, cộng với khả năng đánh máy tính của tôi không tệ nên sau hai tuần đầu thì tôi "đu" được theo các bạn.
Tôi bỏ bút vở sang một bên và dùng phần mềm ghi chú để ghi tất cả mọi thứ liên quan tới bài giảng và sắp xếp bài giảng mỗi môn, mỗi tuần theo thư mục. Vì lượng bài mỗi môn khá nhiều, giảng viên dạy khá nhanh nên ghi chú trên laptop sắp xếp bài vở dễ hơn, cần ôn bài tìm kiếm cũng nhanh hơn.
Tới cuối năm học, tôi ôn lại bài để thi, vừa học vừa dùng gôm xóa hết những ghi chú trong sách của những ngày đầu, và nhìn ghi chú đầy trong laptop mới thấy một năm qua mình đã học được rất nhiều. Vậy là tôi chưa già đâu, ít nhất trong chuyện học hành.
Tháng vừa rồi thi, tôi ngồi miệt mài trên thư viện học từ sáng đến chiều, về nhà cơm nuớc xong, tôi lại chạy vô thư viện học tới 1h khuya, không dám ngồi nhà học vì dễ bị xao lãng, dễ buồn ngủ và không hiệu quả. Mà tôi có tuổi rồi thì không thể nhớ tốt như bọn trẻ nên cần nhiều thời gian để học mới nhớ được.
Thi xong, tôi nhìn lại và... tự nể mình vì không hiểu sao mình có thể ngồi miệt mài học ngày mười mấy tiếng trong khoảng thời gian liên tục được như vậy. Điều mà cách đây hai năm về trước có nằm mơ tôi cũng không nghĩ tới.
Kết thúc năm học đầu tiên với kết quả không rớt môn nào, điểm các môn đều đạt yêu cầu của trường để vô chuyên ngành và cũng đạt mục tiêu mình đề ra, tôi mừng rớt nước mắt. Rõ ràng tôi hôm nay đã tốt hơn tôi hôm qua và việc mình muốn làm mình đã làm được.
Hy vọng trong 3 năm tới, tôi đủ sức, đủ kiên trì và may mắn để đi được đến cuối con đường mình lựa chọn và tương lai có thể làm được việc mà mình yêu thích. Đối với tôi vậy là đủ.
Ngoài niềm hạnh phúc vì đi học lại được ở tuổi trung niên tại xứ người, tôi cũng rất vui khi chồng mình và nhiều bạn bè cũng đi học thành công. Chồng tôi đã học xong electrical engineering (kỹ sư điện) và có việc làm tốt.
Tôi cũng mới chia vui với bạn Hương đã hoàn thành cao học ngành giáo dục và trở thành giáo viên xịn sò ở tỉnh bang Ontario (Canada). Bạn Đoan của tôi cũng đang học cao học ngành giáo dục...
Nhìn lại nỗ lực của vợ chồng tôi và bạn bè cũng như nhiều đồng hương khác, tôi còn niềm tự hào: mình là người Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-nien-di-hoc-o-xu-nguoi-20250509235820928.htm
Bình luận (0)