Doanh nghiệp xuất khẩu tham quan vùng trồng sầu riêng tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, thị trường xuất khẩu sầu riêng đang bị siết chặt bằng hàng rào kỹ thuật nên số lượng xuất khẩu giảm. Vì thế, giá sầu riêng trong nước giảm sâu, khó tìm được thương lái mua hàng.
Tắc đường xuất khẩu
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I-2025 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 52,7 triệu USD, giảm 69,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu qua Trung Quốc giảm 83%, chỉ còn 27 triệu USD. Sầu riêng từ vị trí xuất khẩu dẫn đầu, nay rơi xuống hạng 3, sau thanh long và chuối.
Sau 2 năm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bắt đầu siết chặt mọi quy định, từ kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói đến kiểm định an toàn thực phẩm.
Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và môi trường, Hội Nông dân huyện Tân Phú tổ chức chương trình kết nối giữa các vùng trồng sầu riêng với những công ty xuất khẩu sầu riêng của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh NGUYỄN HỮU NGUYÊN, việc kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm nghiệm sản phẩm với các vùng trồng sầu riêng của tỉnh nhằm tìm giải pháp cho bài toán đầu ra bền vững cho trái sầu riêng. |
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thịnh Bách (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thị Thanh Dung cho biết, DN đang làm sầu riêng tươi, cấp đông và chế biến. Vụ xuất khẩu năm 2025, thị trường Trung Quốc đã đặt hàng DN 1 ngàn container sầu riêng tươi và hàng cấp đông, DN đã xuất được khoảng 300 container sầu riêng tươi. Thời gian qua, DN tìm vùng nguyên liệu để đẩy mạnh xuất khẩu. Điều nghịch lý là DN xuất khẩu khó tìm nguồn nguyên liệu nhưng nhiều vùng trồng sầu riêng ở miền Tây Nam Bộ, sầu riêng bị rớt giá, khó tìm được thương lái mua vì chưa đáp ứng được các tiêu chí cho xuất khẩu.
Hiện nay, Trung Quốc áp dụng chính sách kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng và yêu cầu phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định về các chất cadimi và vàng O. Các trung tâm kiểm định 2 chất này phải được Trung Quốc công nhận. Trong khi đó, hiện rất ít trung tâm kiểm nghiệm đủ điều kiện thực hiện. Do đó, trên thị trường xuất hiện “cò” dịch vụ làm kiểm nghiệm, đẩy chi phí kiểm nghiệm tăng cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu sầu riêng vì làm quy trình thông quan kéo dài, nguy cơ hư hỏng hàng hóa tăng, khiến nhiều container hàng sầu riêng xuất khẩu phải quay đầu đưa hàng về tiêu thụ trong nước với giá thấp.
Nhiều vi phạm tại vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu
Theo Giám đốc Công ty TNHH Phân tích kiểm nghiệm Việt Tín (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Tâm, có 3 nguyên nhân chính gây nhiễm cadimi trong sầu riêng gồm: chất này có sẵn trong đất ở một số vùng đất tích tụ nhiều chất này, do phân bón và sau quá trình tích tụ, trong cây sầu riêng có sẵn chất này. Với chất vàng O, nhiều người nghĩ nhiễm do nhúng thuốc, quét thuốc. Tuy nhiên, chất vàng O không tồn dư trong đất; là chất nhuộm bên ngoài, có trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nhúng trái.
Hiện nay, việc kiểm nghiệm trái sầu riêng chỉ đang giải quyết phần ngọn. Cần kiểm nghiệm phần gốc, mẫu đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong cây. Nông dân trước khi sử dụng sản phẩm gì nên kiểm nghiệm chất đó để đảm bảo không đưa những chất cấm vào đất, cây.
Bà Trần Thị Thanh Dung cho biết, DN mong xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì thế, DN sẵn sàng liên kết với nông dân chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, có thực trạng DN xuất khẩu mua chỗ này nhưng gắn mã số vùng trồng nơi khác. Do đó, khi có vấn đề xảy ra, mã số vùng trồng đó sẽ bị đình chỉ, thiệt hại chính là nông dân. Ngoài ra, một số nhà vườn cắt trái sầu riêng non cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Trong khi sầu riêng của Thái Lan không ngon bằng Việt Nam nhưng xuất khẩu tốt vào thị trường Trung Quốc vì làm chuẩn ở mọi khâu. Hiện ngành sầu riêng Việt Nam phải chấn chỉnh lại, đạt chất lượng từ khâu trồng, thu hoạch, đóng gói…
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp và môi trường) Trần Thị Tú Oanh chia sẻ, toàn tỉnh chỉ mới được cấp 41 mã số vùng trồng với khoảng 2 ngàn hécta.
Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 40 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu đã gửi lên Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và môi trường) để chuyển sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc chờ được cấp mã số. Hiện diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Hiện diện tích sầu riêng của tỉnh có hơn 12 ngàn hécta.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/trung-quoc-siet-chat-quy-dinh-ve-nhap-khau-sau-rieng-29c3eb0/
Bình luận (0)