Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống người làm báo

BBK- Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), chúng tôi vinh dự được về thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – địa chỉ giàu ý nghĩa trong hành trình tìm về cội nguồn báo chí cách mạng.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn04/05/2025

img-0614.jpg
Các nhà báo Hội Nhà báo các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn chụp ảnh lưu niệm tại Bức phù điêu của di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ngày 04/4/1949, tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, một địa bàn thuộc An toàn khu (ATK) của Trung ương thời kháng chiến, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã trực tiếp đặt tên và giao nhiệm vụ cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và cũng là duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

img-0576.jpg
Nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên (áo trắng đứng đầu tiên từ trái sang phải) giới thiệu với các đại biểu tham quan về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (ảnh Bùi Khiêm).

Dưới cái nắng dịu của ngày đầu mùa hè, điểm dừng chân của đoàn chúng tôi là Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Năm 2019, nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến tháng 01/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các cơ quan chức năng đã khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Sau hơn nửa năm thi công, ngày 09/8/2024, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính thức được khánh thành trong diện mạo mới, trang trọng mà vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử.

Trường do nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc; giảng viên là các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao… Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đã hai lần gửi thư động viên tinh thần, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng”.

42 học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và duy nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã về nhận nhiệm vụ tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền, trở thành những cây bút chủ lực, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây đắp nền báo chí nước nhà.

Dù thời gian tồn tại không dài, phương pháp đào tạo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược. Việc gắn lý luận với thực tiễn, khuyến khích học viên viết bài, ra báo ngay tại lớp là một cách tiếp cận sư phạm tiến bộ. Những lời dạy của Bác Hồ về tinh thần tự học, học hỏi từ thực tế, rèn luyện ngòi bút sắc bén vẫn còn nguyên giá trị cho người làm báo hôm nay.

img-0662.jpg
Lãnh đạo Báo Bắc Kạn và Báo Thái Nguyên trao đổi nghiệp vụ tại Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (ảnh Bùi Khiêm).

Nhà báo Phan Hữu Minh, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Đây là ngôi trường lưu lại những giá trị, sứ mệnh lịch sử và để các thế hệ người làm báo Việt Nam, mỗi lần đến đây, sẽ cảm nhận được giá trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam, thấy được nghề báo luôn cần thiết học đi đôi với hành. Di tích lịch sử quốc gia này sẽ là những tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo được những cán bộ nòng cốt, hạt nhân cho nền báo chí cách mạng. Từ mái trường giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên – những “hạt giống đỏ” đầu tiên – đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở các chiến trường ác liệt, những mặt trận nóng bỏng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phản ánh chân thực, kịp thời cuộc sống chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

img-0555.jpg
Nhà báo Phan Hữu Minh, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là ký ức lịch sử mà còn là điểm tựa tinh thần cho báo chí hôm nay. Khi nghĩ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi không khỏi liên hệ đến vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại. Những nguyên tắc cơ bản như tính chân thật, khách quan, tinh thần phục vụ Nhân dân mà ngôi trường này đặt nền móng vẫn là kim chỉ nam cho người làm báo chân chính hôm nay. Sự hy sinh và cống hiến của thế hệ nhà báo đi trước là nguồn động lực lớn lao để những người làm báo hiện tại tiếp nối truyền thống, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

img-0626.jpg
Du khách tham quan Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (ảnh Bùi Khiêm).

Chuyến về thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng sâu sắc. Đây không chỉ là một địa điểm lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng, là lời nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của người làm báo. Tin rằng tinh thần và những giá trị mà ngôi trường này đã gieo mầm sẽ mãi được trân trọng và tiếp nối trong lịch sử báo chí Việt Nam./.

Nguồn: https://baobackan.vn/truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-nguoi-lam-bao-post70586.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm