Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyện kể về Bác Hồ kính yêu

BDK - Nhân dịp kỷ niệm 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho ra mắt nhiều tựa sách hay về Bác. Báo Đồng Khởi xin giới thiệu đến bạn đọc hai tựa sách mới, đó là “Truyện kể về Bác Hồ - Những chặng đường trường kỳ kháng chiến” và “79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch”.

Báo Bến TreBáo Bến Tre16/05/2025

Bìa 2 tập sách được giới thiệu.

Truyện kể về Bác Hồ - Những chặng đường trường kỳ kháng chiến

Tập sách được 2 tác giả Huyền Tím và Tử Nên ghi lại từ lời kể của ông Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những mẫu chuyện ít người biết về Bác trong giai đoạn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1948. Các mẩu chuyện được tác giả sắp xếp theo trình tự thời gian từ 1945 - 1948, gồm: Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội, Những ngày làm việc sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Mùa Xuân năm 1946, Năm 1946 - Ngàn cân treo sợi tóc, Những ngày đầu trường kỳ kháng chiến, Tết kháng chiến đầu tiên, Những ngày kỷ niệm thành lập Đảng, Hành trình từ chùa Một Mái đến Việt Bắc, Tiếp tục những chặng đường trường kỳ kháng chiến, Mong muốn của Bác Hồ khi nước nhà thống nhất.

Được kể lại từ người thư ký thân cận của Bác, những mẩu chuyện đều là góc nhìn rất chân thật và gần gũi về một vị lãnh tụ. Qua lời kể, người đọc được đưa trở về những ngày Bác Hồ ở Pác Bó với suối Lê nin, núi Các Mác, với hoa mận trắng và hoa đào phớt nở đầy bên đường, ven suối và Bác Hồ thì rất gầy. Ông Vũ Kỳ kể: “Chúng tôi mua ít tim gan nấu cháo cho Bác. Nhưng có thể do không may mua phải tim gan của lợn gạo nên Bác lại lên cơn sốt cao. Trên đường về Hà Nội, có lúc mệt quá, Bác không đi được, anh em dùng vải và đòn tre làm cáng. Nằm trên cáng, người sốt hầm hập nhưng Bác vẫn thấy vui vì đi tới đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng và đồng bào hưởng ứng hô vang: “Ủng hộ Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.

Người đọc cũng sẽ được thấy hình ảnh Bác Hồ tập trung viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập trong ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang như thế nào. “Trong cuộc sống hàng ngày, Bác không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Bác là tấm gương sáng về đức tính giản dị của người cán bộ cách mạng… Sau mấy ngày sốt, tuy sức khỏe giảm sút trông thấy nhưng sức làm việc của Bác thì vẫn phi thường. Đêm 29-8, Bác thức khuya hơn bình thường vì ngày 2-9 đã cận kề. Bác viết rồi lại sửa. Những lúc suy nghĩ căng thẳng nhất, Bác thường đặt tay lên trán và đôi mắt sáng khi thì nhìn những dòng chữ như có hồn vừa được viết ra, khi thì nhìn vào đêm tối như tìm một điều gì đó mà chỉ riêng Bác mới hiểu…”. Và chúng ta được biết rằng, lúc đó, Bác đã lo đến cả việc tổ chức cho đồng bào dự mít-tinh đi vệ sinh ở đâu, bố trí thời gian mít-tinh thế nào khi trời mưa để đồng bào không bị ướt.

Tập sách mỏng, gọn, chỉ hơn 100 trang nhưng lại dạt dào tình cảm và dễ đọc. Những mẩu chuyện nhỏ giống như những mảnh ghép tạo nên bức chân dung lớn về Bác Hồ kính yêu. Để khi đọc lên, nhớ về Bác, mỗi người lại thấy lòng mình trong sáng hơn, từ đó học tập và làm theo Bác, tiếp tục bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, để xứng đáng với những hy sinh và kỳ vọng mà Bác trao gửi trước lúc đi xa.

79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch

Tập sách “79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch” do Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh sưu tầm và biên soạn. Sách gần 300 trang với 79 câu chuyện kể ghi lại trong thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, từ tháng 12-1954 đến tháng 9-1969 bởi những người đã từng vinh dự được gặp gỡ và tiếp xúc với Người.

Những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, mặc dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị là Chủ tịch nước, Người vẫn dành thời gian tiếp đón thân mật đồng bào, chiến sĩ, các cháu thiếu niên, nhi đồng và bạn bè quốc tế. Với những ai vinh dự được gặp Bác đều có những tình cảm sâu sắc những kỷ niệm khó phai mờ và những câu chuyện kể cảm động về Người. Đó là: “Tấm lòng của Bác Hồ với thanh niên”, “Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sĩ”, là khi “Bác Hồ dạy chúng tôi làm công tác cảnh vệ”, là “Bác Hồ với các chiến sĩ đoàn nghệ thuật dân tộc”, là “Bác Hồ trong trái tim người Tây Nguyên”.

Đó còn là những mẩu chuyện về những điều rất đơn sơ trong cuộc sống đời thường của Bác Hồ, là câu chuyện về “Hai cây y lan”, “Câu đa kiên trì”, “Cây vú sữa miền Nam”, “Ba cây cọ dầu”, là chuyện “Bác học lái xe”, chuyện Bác kiên trì chống lại tuổi già và bệnh tật, chuyện những ngày cuối cùng của Bác… Những câu chuyện rất ngắn nhưng xúc động tràn nước mắt vì hình ảnh một Bác Hồ giản dị hiện lên thật sáng trong, thật đẹp. Chuyện kể: “Sang đến năm 1967, Bác Hồ của chúng ta đã già và yếu đi nhiều. Đến bữa ăn, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn đi bộ đến nhà ăn. Một phần không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện, chống lại cái suy yếu của tuổi già”. Lời Bác nói với các đồng chí phục vụ vì thương Bác vất vả mà không nghe lời Bác, dọn cơm ở nhà sàn: “Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?” khiến cho người đọc càng thêm nể phục ý chí của Bác nhiều hơn. “Ý Bác đã rõ ràng. Bác muốn mỗi ngày ba bận, mỗi bữa ăn đi vòng quanh hồ một lần, như một kỷ luật bắt buộc phải rèn luyện đối với mình. Tuổi già, cũng như trẻ thơ, đều muốn được chiều chuộng. Bác biết, nếu dễ dãi với mình và để cho người khác dễ dãi với mình, dần dần sẽ hư thân đi”.

Thông qua nội dung từng câu chuyện, bạn đọc sẽ được hiểu thêm về nhân cách, tác phong, về cuộc sống đời thường và những giá trị nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta càng hiểu một cách rõ ràng rằng không ai sinh ra đã thành lãnh tụ. Muốn trở thành vĩ nhân, phải có chí rèn luyện. Làm Chủ tịch nước rồi, trở thành lãnh tụ kính yêu của cả giai cấp và dân tộc rồi, Bác Hồ của chúng ta vẫn không ngừng rèn luyện. Càng đọc về Bác càng thêm hiểu, thêm yêu quý phẩm chất, đạo đức sáng trong của Người.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/truyen-ke-ve-bac-ho-kinh-yeu-16052025-a146727.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm