Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã khép lại nhưng những dư âm về đề thi vẫn đang “nóng” trên các diễn đàn. Dẫu còn đó những tranh luận về độ khó - dễ của đề, song, những người làm giáo dục chúng tôi lặng lẽ nhìn lại một dấu mốc quan trọng: một kỳ thi mang tính đột phá, thể hiện tinh thần cải cách giáo dục mạnh mẽ, đúng định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kỳ thi đã gửi đến chúng ta, những người thầy, người quản lý một thông điệp rõ ràng: Hãy nhìn vào đề thi để điều chỉnh lại cách dạy và cách quản lý giáo dục cho đúng, đủ và thực chất hơn.
Một kỳ thi nhanh, gọn – Tinh thần cải cách rõ ràng
Bỏ qua những ồn ào về đề thi, không thể phủ nhận, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trật tự, gọn gàng. Mọi công đoạn từ tổ chức coi thi, chấm thi đến truyền thông đều được thực hiện chặt chẽ nhưng không tạo áp lực nặng nề. Đó là tín hiệu tích cực cho một kỳ thi vừa sức và hợp lý.
Nhưng sau vẻ ngoài “nhẹ nhàng” ấy là một sự thay đổi lớn từ bên trong: đề thi năm nay cho thấy tinh thần cải cách rất rõ ràng.
Nội dung ra đề không chỉ phủ đều chương trình 3 năm THPT mà còn lược bỏ phần nặng về lý thuyết, học thuộc, để tập trung nhiều hơn vào kỹ năng vận dụng và giải quyết tình huống thực tiễn. Đó là một bước ngoặt quan trọng và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Chúng ta thường nói, đề thi là chiếc gương phản ánh trung thực quá trình dạy và học. Nếu cứ giữ cách dạy cũ, học theo lối mòn, thì khi nhìn vào đề thi mới, chắc chắn sẽ cảm thấy bối rối, hụt hẫng. Nhưng nếu đã chủ động đổi mới, biết tự học, biết tư duy độc lập, thì đề thi năm nay thực sự là cơ hội để học sinh phát huy năng lực của mình.

Đề thi tốt nghiệp THPT cho thấy tinh thần cải cách rất rõ ràng (Ảnh: Bảo Quyên).
Cấu trúc đề thi năm nay cơ bản bám sát định hướng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đặt trọng tâm vào phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua các hoạt động học tập tích cực, trải nghiệm, khám phá.
Ở nhiều môn như ngữ văn, hoá học, vật lý, sinh học…, đề thi không còn đặt nặng vào học thuộc lòng, mà yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất, vận dụng kiến thức vào thực tế, giải thích hiện tượng hoặc giải quyết tình huống đặt ra.
Đó không chỉ là sự thay đổi ở mức kỹ thuật ra đề, mà còn là một bước dịch chuyển lớn trong triết lý giáo dục, từ giáo dục nhồi nhét sang giáo dục phát triển. Và để đồng hành cùng sự thay đổi ấy, thầy cô buộc phải thay đổi.
Giáo viên cần điều chỉnh – Từ người dạy chữ sang người hướng dẫn năng lực
Một đề thi tốt không phải để “làm khó” học trò, mà để gợi mở cho người dạy cách dạy sao cho đúng. Nhìn vào đề thi 2025, giáo viên không thể tiếp tục dạy theo lối “truyền đạt – ghi chép – học thuộc – thi cử” như xưa. Giờ đây, mỗi tiết dạy phải là một hành trình khám phá, nơi học sinh được suy nghĩ, đặt câu hỏi, tranh luận và tự kết luận bằng tư duy của chính mình.
Đặc biệt, khi đề thi yêu cầu nhiều nội dung liên quan đến ứng dụng thực tiễn và thí nghiệm (điển hình trong các môn khoa học tự nhiên), thì giáo viên càng phải linh hoạt hơn trong việc tổ chức các hoạt động học. Phải dạy sao để học sinh được quan sát, thao tác, mô phỏng và trải nghiệm, thay vì chỉ nghe giảng và chép bài.

Giáo viên hướng dẫn học sinh Trường THPT tại TPHCM sáng tạo trong một tiết học ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Điều này đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho công tác bồi dưỡng giáo viên, không chỉ cập nhật kiến thức chuyên môn, mà còn phải làm mới tư duy dạy học, rèn luyện kỹ năng tổ chức lớp học theo hướng phát triển năng lực.
Đã qua rồi thời kỳ giáo viên là người duy nhất nắm giữ tri thức. Thầy cô hôm nay phải là người thiết kế hành trình học tập, là người đồng hành cùng học sinh trong tiến trình tự học và phát triển bản thân.
Quản lý nhà trường: Phải chuyển động để đồng hành cùng chương trình mới
Không chỉ giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn cũng cần phải thay đổi. Vì muốn thầy cô dạy tốt thì nhà trường phải “lo được hậu cần” cho họ.
Một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai chương trình GDPT 2018 hiệu quả là cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
Khi đề thi đã nghiêng nhiều về kỹ năng thực hành, ứng dụng, thì không thể để học sinh học “trên giấy”, thầy cô giảng chay bằng bảng và phấn. Phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành, học cụ tương tác, các phần mềm mô phỏng… cần được đầu tư đúng, đủ và kịp thời.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM trong một hoạt động trải nghiệm STEM (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Nếu không có sự đầu tư từ ban giám hiệu, thì sự đổi mới phương pháp của thầy cô cũng chỉ là phong trào nửa vời. Một giờ học hóa học chỉ có bảng và phấn thì làm sao học sinh có thể phát triển tư duy thí nghiệm? Một bài học vật lý không có thiết bị đo đạc thì làm sao học sinh cảm nhận được tính thực tiễn của khoa học?
Lãnh đạo nhà trường cần phải mạnh dạn rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, ưu tiên ngân sách cho đầu tư thiết bị dạy học và xây dựng môi trường học tập linh hoạt, hiện đại. Đó không chỉ là nhiệm vụ quản lý, mà là trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Thí sinh chưa đạt – Không phải vì dốt, mà vì chưa kịp thích nghi
Chúng ta sẽ thấy trong kỳ thi năm nay, một bộ phận học sinh không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng cần nhìn nhận thấu đáo: các em không phải dốt, mà là chưa kịp chuyển mình theo yêu cầu mới.
Có em từng học tốt theo kiểu “học thuộc – làm bài mẫu”, nay gặp đề mở, bối rối. Có em chưa được tiếp cận các tiết học trải nghiệm, nên khi gặp câu hỏi thực tiễn thì đành “bỏ trắng”.
Trách các em cũng là trách người lớn. Lẽ ra, sự chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình mới phải được nhà trường, thầy cô tổ chức bài bản, có lộ trình và hỗ trợ đúng lúc. Nhưng vì nhiều lý do, cơ sở vật chất chưa đủ, thầy cô chưa quen, học sinh không được học thêm… nên khoảng cách giữa mục tiêu đề ra và thực tiễn dạy học vẫn còn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 (Ảnh: Bảo Quyên).
Kỳ thi 2025 là cơ hội để chúng ta nhìn lại sự chênh lệch đó. Nhìn để thấy mình cần làm gì cho học sinh không bị bỏ lại phía sau, để sự thay đổi không chỉ nằm trên giấy tờ mà đi vào từng tiết học, từng bài giảng, từng phòng học trong thực tế.
Cần một cái bắt tay giữa ba trụ cột: nhà trường – gia đình – xã hội
Một kỳ thi đổi mới không thể thành công nếu chỉ trông chờ vào thầy cô hay nhà trường. Đổi mới giáo dục cần một cái bắt tay đồng thuận từ cả ba phía: nhà trường – gia đình – xã hội.
Phụ huynh cần hiểu rằng, cách học của con em mình đã khác. Không thể bắt các em học thuộc lòng, nhồi nhét bài vở, chạy theo điểm số. Thay vào đó, hãy động viên các em học vì hiểu, học vì muốn, học để giải quyết vấn đề chứ không phải học để đối phó với kỳ thi.

Từ đề thi tốt nghiệp THPT 2025, cần nhìn nhận lại cách dạy, cách học và cách quản lý để học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất cá nhân (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Xã hội cũng cần thay đổi cách nhìn. Không thể đánh giá chất lượng giáo dục chỉ bằng tỷ lệ tốt nghiệp hay điểm chuẩn đầu vào. Cần đặt câu hỏi: sau kỳ thi, học sinh đã phát triển năng lực gì, có khả năng sống và làm việc trong xã hội số hay chưa? Đó mới là đích đến thật sự.
Một đề thi – Nhiều suy ngẫm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, với những thay đổi tích cực trong ra đề, đã thực sự làm nổi bật mục tiêu giáo dục mới. Nó không chỉ đánh giá học sinh, mà còn soi chiếu lại cách dạy, cách học và cách quản lý giáo dục.
Một đề thi, nếu biết nhìn đúng, sẽ là tấm gương để thầy cô chỉnh phương pháp, hiệu trưởng chỉnh mô hình tổ chức, phụ huynh chỉnh kỳ vọng và xã hội điều chỉnh tư duy giáo dục.
Đó là giá trị thật sự của một kỳ thi, không phải để loại trừ, mà để định hướng lại toàn bộ hệ thống, để ai cũng cùng nhìn về một hướng: giáo dục là để phát triển con người, không phải chỉ để vượt qua một kỳ thi.
ThS Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-soi-chieu-cach-day-hoc-quan-ly-nha-truong-20250702223741715.htm
Bình luận (0)