Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tư duy ngược giúp cô gái Việt chinh phục học bổng tiến sĩ 10 tỷ đồng

(Dân trí) - Với tư duy ngược "Liệu có lý do nào khiến họ không chọn mình"?, Nguyễn Vũ Thiên Trang thành công chinh phục học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) trị giá 10 tỷ đồng.

Báo Dân tríBáo Dân trí01/04/2025

"Máu nghiên cứu" và học bổng tiến sĩ 10 tỷ đồng

Nguyễn Vũ Thiên Trang (SN 2001, Hà Nội) tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội với GPA 3.89/4.0 và đang làm nghiên cứu sinh.

Tháng 2 năm nay, Trang nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Khoa học máy tính từ Đại học Carnegie Mellon, Mỹ (CMU) trị giá 10 tỷ đồng cho 5 năm. Được biết, đây là một trong hai trường hàng đầu Mỹ về học máy, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Cũng vào tháng 8, Trang sẽ chính thức sang Mỹ để theo đuổi hành trình du học.

Ngoài học bổng từ Đại học Carnegie Mellon, Thiên Trang còn giành được học bổng ngành Khoa học Máy tính từ Đại học California (Los Angeles), Đại học Bắc Carolina (Chapel Hill) và Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ EPFL.

Tư duy ngược giúp cô gái Việt chinh phục học bổng tiến sĩ 10 tỷ đồng - 1

Chân dung Nguyễn Vũ Thiên Trang (Ảnh: NVCC).

Trang chia sẻ, cô quyết định theo đuổi hành trình học tập tại Đại học Carnegie Mellon vì đặc biệt ấn tượng với các bài báo nghiên cứu từ trường. Đây là nơi quy tụ nhiều giáo sư và sinh viên xuất sắc, tạo môi trường lý tưởng để cô phát triển hơn nữa.

Trong suốt những năm đại học, Trang luôn tâm niệm: "Kiến thức có thể đến từ bất cứ đâu". Vì vậy, cô không ngừng tìm kiếm cơ hội học hỏi, áp dụng kiến thức vào nghiên cứu và công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Điều thôi thúc Trang theo đuổi con đường nghiên cứu Khoa học Máy tính chính là "máu nghiên cứu" đã chảy trong cô từ bé.

"Từ nhỏ, tôi đã luôn thích tìm tòi, khám phá. Tôi mang trong mình sự hiếu thắng, có gì chưa hiểu, tôi nhất định phải tìm ra câu trả lời bằng được", Trang chia sẻ.

Ứng dụng tư duy ngược: Liệu có lý do nào khiến họ không chọn mình?

Bắt đầu nghiên cứu từ năm hai đại học, Trang nhanh chóng khẳng định bản thân khi trở thành tác giả chính của nhiều công trình khoa học được công bố tại các hội nghị và tạp chí đầu ngành.

Chỉ trong hai năm 2023 và 2024, nữ sinh công bố 8 bài báo tại các hội nghị nghiên cứu danh tiếng như NeurIPS, AAAI và ICLR.

"Các bài nghiên cứu của tôi xoay quanh việc làm thế nào để AI có thể học hỏi, thích nghi như con người, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật và sự tin cậy với người dùng. Mỗi nghiên cứu đều là một cột mốc quan trọng trong hành trình của tôi", Trang chia sẻ.

Trang cho biết, ba bài báo đánh dấu những cột mốc quan trọng nhất trong hành trình nghiên cứu của cô gồm: Continual Variational Dropout (Sự bỏ học biến thiên liên tục), Mixture of Experts Meets Prompt-Based Continual Learning (Sự kết hợp của các chuyên gia trong học tập liên tục dựa trên lời nhắc) và Backdoor Attacks in Prompt-Based CL (Các cuộc tấn công cửa sau trong học tập liên tục dựa trên lời nhắc).

Tư duy ngược giúp cô gái Việt chinh phục học bổng tiến sĩ 10 tỷ đồng - 2

Thiên Trang và nhóm DSLab (nghiên cứu về khoa học dữ liệu) trong buổi bảo vệ đồ án tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Đáng chú ý, trong bài báo thứ ba, Trang là tác giả duy nhất với tư cách sinh viên. Đây là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của cô.

Theo Trang, mỗi bài báo không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng mà còn phản ánh những bài học cô đã tích lũy. Đó là quá trình học hỏi từ đồng nghiệp, phát triển tư duy nghiên cứu và rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập.

Khi ứng tuyển tiến sĩ, thay vì tự hỏi "Tại sao họ nên chọn mình?", Trang đặt vấn đề theo hướng ngược lại: "Liệu có lý do nào khiến họ không chọn mình?". Chính lối tư duy ngược này giúp cô nhận diện và khắc phục triệt để điểm yếu trong hồ sơ, vượt qua những đối thủ xuất sắc.

Theo Trang, thư giới thiệu (LoR), chủ đề nghiên cứu và bài báo khoa học thường có ảnh hưởng lớn đến kết quả ứng tuyển. Tuy nhiên, cô vẫn chú trọng trau chuốt bài luận cá nhân và nâng cao trình độ tiếng Anh, bởi đây cũng là những yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Phương châm của Trang là tập trung làm tốt nghiên cứu, duy trì điểm số ổn định, nâng cao trình độ tiếng Anh và chăm chút từng bài luận.

Bật mí 3 yếu tố "vàng" giúp ứng viên tự tin trong vòng phỏng vấn

Một trong những dấu mốc quan trọng trên hành trình chinh phục học bổng của Thiên Trang là vượt qua vòng phỏng vấn. Chia sẻ về bí quyết thành công, cô nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi.

Trước hết, Trang luôn tìm hiểu kỹ về giáo sư phỏng vấn, từ sở thích học thuật đến các chủ đề họ quan tâm. "Điều này giúp tôi có điểm chung để thảo luận, đồng thời đánh giá mức độ phù hợp giữa hai bên", cô chia sẻ.

Yếu tố thứ hai là giữ vững sự tự tin và tinh thần lạc quan. Theo Trang, thái độ vui vẻ, thoải mái sẽ giúp ứng viên thể hiện rõ sự am hiểu và niềm tin vào giá trị nghiên cứu của mình.

Cuối cùng, Trang xem phỏng vấn là sự lựa chọn hai chiều. Cô tin rằng việc được nhận không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân mà còn ở sự tương thích với giáo sư hướng dẫn.

"Nếu chưa thành công, không có nghĩa là bạn không giỏi, mà đơn giản là chưa gặp đúng người đồng hành. Vì vậy, hãy kiên nhẫn, tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc", Trang khẳng định.

Bên cạnh đó, Trang cũng biết cách tận dụng điểm mạnh cá nhân, biến đó thành lợi thế. Với niềm yêu thích thiết kế, cô luôn chuẩn bị bài thuyết trình trực quan, chỉn chu, giúp ghi điểm trong mắt các giáo sư nhờ cách trình bày sáng tạo.

Tư duy ngược giúp cô gái Việt chinh phục học bổng tiến sĩ 10 tỷ đồng - 3

Thiên Trang chụp ảnh cùng Thầy Ngô Văn Linh (giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội), người hướng dẫn Trang tại phòng thí nghiệm của trường (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, không phải lúc nào Thiên Trang cũng mang trong mình sự tự tin. Từ bé, cô đã quen với những lời khen ngợi. Vì vậy, khi trưởng thành và đối mặt với những thử thách lớn hơn, cô cảm thấy khó chấp nhận những lần chưa làm tốt hoặc không nhận được sự công nhận.

Có thời gian, Trang thu mình lại, ngại bày tỏ suy nghĩ hay đặt câu hỏi. Tuy nhiên, sau những cuộc trò chuyện với các bậc tiền bối, cô dần thay đổi. Cô bắt đầu mạnh dạn trao đổi hơn, không còn tự ti và sẵn sàng đón nhận góp ý để nhìn nhận rõ những điểm cần cải thiện của bản thân.

Là người đồng hành trong hành trình vươn mình và giành học bổng của Thiên Trang, Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) chia sẻ: "Tôi bắt đầu hướng dẫn Trang nghiên cứu khi bạn tham gia chương trình nội trú của VinAI vào tháng 8/2023.

Chủ đề nghiên cứu của Trang xoay quanh mô hình hỗn hợp các chuyên gia (mixture of experts), tấn công cửa sau (backdoor attack) và vận chuyển tối ưu (optimal transport).

Trang là sinh viên chăm chỉ, chịu khó tìm tòi những kiến thức mới. Chỉ sau hơn một năm làm việc cùng, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở bạn đặc biệt là tinh thần tự lập và tính chủ động trong công việc".

GS Hồ Phạm Minh Nhật cho biết, việc Trang được nhận vào CMU là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ. Khi bước vào chặng đường nghiên cứu sinh, Trang sẽ tiếp tục theo đuổi chủ đề mô hình hỗn hợp các chuyên gia, một thành phần cốt lõi trong mô hình ngôn ngữ Deepseek (mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở, đạt kết quả gần như tốt nhất hiện nay).

Thu Hoài
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-duy-nguoc-giup-co-gai-viet-chinh-phuc-hoc-bong-tien-si-10-ty-dong-20250329230329490.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm