Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ niềm tự hào đến khát vọng vươn xa

Việt NamViệt Nam17/04/2025


Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của đất nước, việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh là bước đi chiến lược mang tính tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy tối đa tiềm năng của từng vùng, từng địa phương.

Theo chủ trương đã được thống nhất tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa XIII), dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là tỉnh Gia Lai, với trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.

Quyết định này là sự cụ thể hóa tinh thần đổi mới, tư duy phát triển vùng, trục hành lang kinh tế Đông - Tây, và khát vọng xây dựng một cực tăng trưởng mới tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong niềm tự hào về chặng đường đã qua, tâm trạng của người dân nơi đây là sự hòa quyện giữa luyến tiếc với tên gọi thân quen và niềm kỳ vọng về một tương lai cất cánh mạnh mẽ hơn, giàu bản sắc hơn và hiệu quả hơn.

Bình Định - Hào khí đất Võ, động lực phát triển ven biển miền Trung

Bình Định - mảnh đất mang hào khí Tây Sơn và chiều sâu văn hóa độc đáo - từ lâu đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quật cường và tài năng vượt trội. Là quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, của nghệ thuật tuồng Đào Tấn, của bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…, Bình Định là mảnh đất kết tinh hồn cốt văn hóa miền Trung, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây.

Không chỉ giàu truyền thống văn hóa, Bình Định còn đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thành phố Quy Nhơn, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh đang trở thành đô thị thông minh, là đầu tàu tăng trưởng của vùng Nam Trung Bộ. Cảng biển nước sâu, hạ tầng giao thông đồng bộ, khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đại… đã, đang và sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương vươn lên trở thành trung tâm phát triển mới của cả vùng.

Cảng biển nước sâu, hạ tầng giao thông đồng bộ, khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đại… đã, đang và sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương vươn lên trở thành trung tâm phát triển mới của cả vùng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Gia Lai - Sắc màu đại ngàn, chiều sâu văn hóa bản địa

Nằm giữa cao nguyên đại ngàn hùng vĩ, Gia Lai mang vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ bí với những đồi núi trập trùng, rừng xanh bạt ngàn và những không gian văn hóa bản địa giàu bản sắc. Từ hồ T’Nưng đến Biển Hồ chè, từ nhà rông Bana đến lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Gia Lai là sự kết hợp giữa thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa truyền thống lâu đời.

Bên cạnh bản sắc độc đáo, Gia Lai còn là vùng đất đầy tiềm năng phát triển. Các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái đang dần định hình diện mạo một Gia Lai năng động, thân thiện và hội nhập. Từ những vườn cà phê, hồ tiêu, cao su đến những cánh đồng điện gió hiện đại, Gia Lai đang khẳng định vai trò của mình trong hành trình phát triển bền vững của Tây Nguyên.

Luyến tiếc nhưng không lùi bước

Việc thay đổi tên gọi hành chính là điều không khỏi khiến nhiều người luyến tiếc. Bởi cái tên “Bình Định” không đơn thuần là danh xưng, mà còn là ký ức, là bản sắc, là niềm tự hào đã khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ. Nhưng lịch sử phát triển luôn đòi hỏi sự dũng cảm vượt qua giới hạn cũ để bước tới những chân trời mới.

Việc sáp nhập không làm phai nhòa quá khứ, mà là cơ hội để hai vùng đất tiếp nối, nâng tầm lẫn nhau, nơi tiếng bài chòi hòa quyện cùng cồng chiêng, nơi đại ngàn và biển cả chung khát vọng thịnh vượng.

Dự kiến trung tâm hành chính tỉnh mới sau sáp nhập đặt tại thành phố Quy Nhơn - đô thị ven biển đang phát triển năng động, là sự lựa chọn hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để điều phối phát triển toàn diện, kết nối hiệu quả giữa miền núi và miền biển, giữa vùng duyên hải và cao nguyên.

Hợp lực để hình thành cực tăng trưởng mới

Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên của biển và núi, cùng sự phong phú của nền văn hóa đa dạng các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên, kết hợp với tiềm năng mạnh mẽ trên các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và logistics, sẽ tạo ra một cực tăng trưởng mới đầy nội lực cho cả khu vực. Đây không phải chỉ là sự gộp nối đơn thuần về địa lý, mà là sự hội tụ của trí tuệ, lòng quyết tâm và khát vọng phát triển vươn xa.

Với nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn tài nguyên phong phú và con người đầy bản lĩnh, đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế mạnh mẽ, mà còn là điểm sáng văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh quan trọng, góp phần nâng tầm vị thế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước trong tương lai gần.

Bên cạnh bản sắc văn hóa độc đáo, Gia Lai còn là vùng đất đầy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái…Ảnh: baogialai.com.vn

Hiểu đúng, đồng thuận vì tương lai bền vững

Mỗi bước đi lớn của đất nước đều bắt đầu từ sự đồng thuận của Nhân dân, được dẫn dắt bằng nhận thức đúng đắn. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu khách quan của quá trình phát triển, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần cải cách, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.

Để chủ trương này thấm sâu vào đời sống, trở thành ý chí chung và hành động thống nhất, cán bộ, đảng viên phải là người đi trước, là điểm tựa niềm tin, tri thức và lan tỏa sự đồng thuận; không chỉ tuyên truyền đơn thuần, mà phải thấu tình đạt lý, gắn lý lẽ của Đảng với tình cảm của Nhân dân. Bởi chỉ khi hiểu đúng, Nhân dân mới tin tưởng, và khi có niềm tin, sẽ có sự đồng lòng. Mà sức mạnh của sự đồng lòng chính là cội rễ thành công của mọi chủ trương lớn.

Hãy nhìn việc sáp nhập không phải là sự mất mát, mà là sự kết nối để lớn mạnh hơn; không phải là chia tay một địa danh, mà là bắt đầu một chặng đường mới, với diện mạo mới, tâm thế mới, sức mạnh mới. Lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp không mất đi, mà sẽ được vun đắp, cộng hưởng và nâng tầm trong một không gian phát triển rộng lớn hơn, hài hòa hơn, bền vững hơn.

Vì sự phát triển bền vững của quê hương, vì tương lai của thế hệ mai sau, mỗi cán bộ, đảng viên hãy là một ngọn lửa thắp sáng niềm tin trong lòng dân; mỗi người dân hãy là một viên gạch chung tay xây dựng hình hài quê hương tương lai mới. Khi Đảng quyết tâm, chính quyền đồng lòng, Nhân dân tin tưởng, chúng ta sẽ cùng nhau biến chủ trương đúng thành hành động đẹp, và thành quả bền vững.

* * *

Dù tên gọi có thể thay đổi, địa giới có thể điều chỉnh, nhưng lòng người, văn hóa, ký ức sẽ còn mãi. Chính con người nơi đây, với tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên, sẽ là chất keo gắn kết để nối liền quá khứ với tương lai, truyền thống với hiện đại.

Và nếu một ngày nào đó, có ai hỏi: Điều gì đã kết nối đại ngàn với biển cả, truyền thống với hội nhập, luyến tiếc với khát vọng, thì câu trả lời sẽ chỉ có thể là: Lòng người - niềm tin - sự đồng lòng vì một tương lai phồn thịnh của quê hương.

Nguyễn Hữu Lộc (Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định)



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=73&mabb=354489

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm