Nội dung trên được các đại biểu Quốc hội nêu tại buổi thảo luận ở hội trường về dự Luật Quảng cáo sửa đổi diễn ra sáng nay (10/5).
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nhắc lại một số vụ việc nổi cộm về người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật như MC Vân Hugo, BTV Quang Minh quảng cáo sữa giả, Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục quảng cáo kẹo rau củ và gần nhất là vụ lòng se điếu.
Từ những sự việc đó, bà đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật; đặc biệt cần nghiên cứu các chế tài xử lý đủ mạnh và các quy định cấm cho chặt chẽ hơn.
"Cần một chế tài nghiêm khắc hơn khi Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và quá trình thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo", bà Hằng nhấn mạnh.
Đại biểu này cũng tán thành quy định, những người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ xác minh độ tin cậy của người quảng cáo, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo vì họ có lượng lớn người theo dõi và tin tưởng.
"Lời nói và hành động của họ có tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, họ cần có trách nhiệm về việc thông tin mình truyền tải", bà Trần Thị Thu Hằng nói và cho hay, để các quy định này chặt chẽ, phù hợp, có tính khoa học và thực tiễn, cần xem xét thêm các khía cạnh như: Có thể người có ảnh hưởng chỉ đọc thoại nguyên bản các công dụng được ghi trên hàng hóa, sản phẩm; người có ảnh hưởng không sử dụng được.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng như một nội dung riêng biệt để nhấn mạnh tính cấp thiết, bởi môi trường mạng đang trở thành kênh quảng cáo chủ đạo. Do đó, môi trường này dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, cờ bạc trá hình...
Vì vậy, đại biểu Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung kiểm soát, giám sát và xử lý nội dung quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới; bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ này.
Về người có ảnh hưởng khi quảng cáo, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ thông tin quảng cáo từ phía cơ quan nhà nước. Trong trường hợp người truyền tải không có điều kiện xác minh thì có thể gửi văn bản đề nghị xác minh đến cơ quan quản lý nhà nước và nhận phản hồi trong một thời gian nhất định.
Theo đại biểu Hồng Thái, cần quy định rõ ràng người truyền tải phải chịu trách nhiệm nếu bỏ qua quy trình xác minh, cố ý hợp tác với đối tác không tin cậy. Bà cũng đề nghị quy định rõ việc xác định thế nào là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng như số lượng người theo dõi, lượt tương tác... để tránh áp dụng tùy tiện.
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều quảng cáo thiếu minh bạch, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo “bẩn” trên mạng.
“Khách hàng ngày càng khó chịu với quảng cáo xuất hiện dày đặc, gây gián đoạn trải nghiệm trực tuyến, có khi lên đến 30 - 50 giây”, đại biểu bức xúc, cho rằng cần có khung pháp lý vững chắc để quản lý thị trường quảng cáo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguồn: https://baolangson.vn/tu-vu-quang-linh-vlogs-quang-cao-no-dai-bieu-quoc-hoi-muon-che-tai-manh-hon-5046639.html
Bình luận (0)