Việt Nam đang lên kế hoạch thành lập hai Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Trong ảnh: trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mô hình này, nói nôm na như "chợ" tài chính quốc tế, sẽ không chỉ là khu vực địa lý có ưu đãi mà gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhưng để biến kế hoạch này sớm thành hiện thực, Việt Nam phải đi từng bước chắc chắn.
Bước đầu tiên, Việt Nam cần dọn dẹp và sửa sang "chợ" cho sạch đẹp. Tức là rà soát các luật lệ liên quan tài chính, loại bỏ những quy định rườm rà phức tạp. Khi khách quốc tế tới, họ thấy rõ ràng, minh bạch thì mới yên tâm mang tiền vào.
Bước tiếp theo là mở cửa "chợ", mời khách vào. Hiện tại việc chuyển tiền vào ra quốc tế ở Việt Nam còn qua các thủ tục rườm rà.
Muốn hút vốn ngoại nhiều hơn, cần nới lỏng một số quy định cho dòng tiền ra vào dễ hơn. Singapore đã làm rất tốt điều này khi tạo ra khu vực tài chính riêng; ví dụ như ở Marina Bay, tiền tệ chuyển đổi dễ dàng, nhà đầu tư cực kỳ thích.
Khi đã mở cửa, "chợ" phải có hàng hóa đa dạng để giữ chân khách. Hiện nay thị trường Việt Nam chủ yếu có cổ phiếu và trái phiếu, còn khá ít sản phẩm tài chính khác.
Muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam phải có thêm trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư xanh vào năng lượng sạch, quỹ đầu tư quốc tế và cả mua bán carbon - thứ mà thế giới đang rất quan tâm.
Giống như cái chợ chỉ bán mỗi thịt heo thì sẽ ít khách vì có người không thích thịt heo, phải có thêm rau sạch, trái cây nhập khẩu, hải sản tươi... thì khách mới tới đông và ở lâu.
Một yếu tố quan trọng khác là "luật chơi" công bằng và phân xử nhanh. Giới đầu tư sợ nhất kiện tụng kéo dài, thủ tục rối rắm. London có trọng tài tài chính, xử tranh chấp nhanh gọn như đi khám bác sĩ.
Ở Việt Nam cần có một cơ chế tương tự để nếu có tranh chấp giữa công ty với nhà đầu tư thì giải quyết trong vài tháng, không phải kéo dài năm này qua năm khác. Như trong chợ, có bác trưởng chợ công bằng, ai cãi lộn phân xử ngay, không kéo nhau ra UBND xã mất thời gian.
Kế tiếp, Việt Nam phải nâng cấp đội ngân hàng trong nước, vì ngân hàng chính là "đội bóng đá" quan trọng nhất trong sân chơi tài chính.
Đồng thời nên cho ngân hàng Việt Nam lên sàn chứng khoán quốc tế, vừa kiếm thêm vốn vừa nâng cao uy tín; giống như đội bóng làng đi đá giải châu Á, vừa học hỏi vừa quảng bá tên tuổi.
Ngoài ra Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh vào công nghệ, xây dựng hạ tầng số, mạng 5G, trung tâm dữ liệu hiện đại để giao dịch tài chính nhanh, chính xác và an toàn. Singapore và Tokyo làm rất tốt việc này, Việt Nam phải học hỏi nếu muốn cạnh tranh.
Một bước không thể thiếu là đào tạo người Việt hiểu về tài chính. Muốn có trung tâm tài chính quốc tế mà nhân sự yếu, không biết cách vận hành thì cũng khó thành công.
Cần mở nhiều lớp đào tạo, mời chuyên gia nước ngoài về dạy từ quản lý quỹ, đầu tư đến công nghệ tài chính, để đội ngũ trong nước đủ mạnh và tự tin bước ra sân chơi toàn cầu...
Tất nhiên tất cả những việc này không thể làm trong một sớm một chiều. Muốn xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần nhiều năm cùng với quyết tâm cao của lãnh đạo, sự phối hợp của các bộ ngành và sự ủng hộ của người dân.
Nếu đi đúng hướng, Việt Nam sẽ trở thành ngôi sao tài chính mới của châu Á, hút tiền từ khắp nơi về, doanh nghiệp vươn ra thế giới, người dân có thêm việc làm tốt và thu nhập cao hơn. Đó không chỉ là giấc mơ của quốc gia mà là tương lai đáng mong đợi cho tất cả chúng ta.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tung-buoc-lap-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-20250725084207771.htm
Bình luận (0)