Đồng chí Cầm Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn, thông tin: Toàn tỉnh đang có trên 61.000 đoàn viên thanh niên. Đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ đoàn viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình kinh tế tập thể; phối hợp ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức 2 cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, thu hút hơn 600 lượt ĐVTN tham gia, trong đó, 26 ý tưởng được Đoàn - Hội các cấp hỗ trợ triển khai thực tế; tổ chức 2 diễn đàn khởi nghiệp thu hút hơn 2.100 thanh niên, tạo môi trường chia sẻ, kết nối và định hướng nghề nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp, chính sách vay vốn, hỗ trợ thị trường được duy trì thường xuyên trên các nền tảng số. Từ đầu năm đến nay, phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trên 13.900 lượt ĐVTN; giới thiệu việc làm hơn 8.000 thanh niên; tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn khởi nghiệp và tiêu thụ sản phẩm... Các cơ sở đoàn còn đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hơn 29.000 lượt hộ đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tổng dư nợ hơn 1.690 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của tổ chức đoàn, sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của đoàn viên thanh niên, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 80 HTX, hơn 740 thành viên; duy trì 59 tổ hợp tác với 515 thành viên do ĐVTN làm chủ hoặc đồng sáng lập, cho thu nhập từ 150 triệu đồng/năm/thành viên trở lên. Tiêu biểu như mô hình trồng cà phê của anh Lò Văn Cường, bản Hốn, xã Phổng Ly; trồng sơn tra, nuôi gà đen địa phương của gia đình anh Thào A Hồng, bản Cha Mạy, xã Long Hẹ; trồng nhãn chín sớm của gia đình anh Cầm Văn Phức, bản Chiềng Xôm, xã Mường Hung; trồng cam, quýt của gia đình anh Lò Văn Dương, bản Nà Mòn, xã Sốp Cộp...
Tại bản Nà Lứa, xã Mường Hung, anh Lò Văn Hùng, là một trong những thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp từ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Năm 2019, nhận thấy giống nhãn chín sớm và giống bưởi da xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở bản, lại cho giá trị kinh tế cao, nên anh bàn với gia đình vay 150 triệu đồng từ với Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cây giống, cải tạo hơn 2 ha đất nương trồng nhãn, bưởi da xanh. Anh Hùng chia sẻ: Tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn do tổ chức đoàn phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức, chủ động học hỏi từ sách, báo, các phương tiện đại chúng, để áp dụng kỹ thuật chăm sóc nhãn, bưởi. Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Còn anh Lò Văn Minh, ở bản Phiêng Hủng, xã Mường Bú, khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gia súc. Năm 2014, với số tiền tiết kiệm của gia đình 200 triệu đồng, anh cùng gia đình cải tạo hơn 3 ha đất nương trồng vải, xoài, nhãn và gần 1.000 m² ao nuôi cá. Anh Minh chia sẻ: Đến nay, mô hình cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 3 lao động địa phương với mức 200 nghìn đồng/ngày.
Phát huy kết quả đạt được, các cơ sở đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, mã QR truy xuất nguồn gốc, livestream bán hàng online, kết nối thương mại điện tử; nhận ủy thác vốn vay để ĐVTN có điều kiện tiếp cận với mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc tích cực phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/tuoi-tre-tich-cuc-phat-trien-kinh-te-xDRHlHsHR.html
Bình luận (0)