Thời tiết nóng hơn do biến đổi khí hậu khiến đất đai khô cằn, ảnh hưởng đến năng suất cây lúa Ảnh: IRRI |
Gạo là thực phẩm chính của hơn một nửa dân số thế giới. Nhiều quốc gia xây dựng kho dự trữ lúa gạo chiến lược để đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Ví dụ gần đây, Nhật Bản đã trích xuất gạo từ kho dự trữ quốc gia lần đầu tiên kể từ thảm họa động đất và sóng thần vào năm 2011 để ứng phó với tình trạng thiếu gạo trên thị trường và giá cả tăng vọt. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của gạo trong việc ổn định kinh tế và xã hội.
Nhiều nước ở châu Á đang chạy đua xây dựng khả năng tự cung tự cấp về gạo. Hồi đầu tháng Tư, Trung Quốc công bố một kế hoạch nông nghiệp 10 năm nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhấn mạnh vai trò của gạo trong chiến lược dài hạn.
Trong khi đó, Indonesia dành một khu vực rộng lớn ở tỉnh Nam Papua, rộng bằng diện tích của quốc đảo Jamaica để phát triển các cánh đồng lúa mới. Đây là một phần trong sáng kiến được Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto công bố vào cuối năm ngoái nhằm mở rộng diện tích trồng lúa thêm 1 triệu hecta ở vùng cực đông của đất nước.
Chính phủ Indonesia dự báo, 281 triệu người dân nước này sẽ tiêu thụ hơn 30 triệu tấn gạo trong năm nay, do vậy, cần sản xuất gạo nhiều hơn. “Lương thực là vấn đề sống còn của quốc gia chúng ta”, Tổng thống Subianto nói hồi tháng Hai.
Tuy nhiên, dự án trồng lúa quy mô 1 triệu hecta ở tỉnh Nam Papua đang đối mặt với nhiều hoài nghi.
Trong một bài viết gần trên trên tạp chí Science, các nhà khoa học cảnh báo, dự án này có thể thất bại do đất đai kém chất lượng, khí hậu tương đối khô hạn ở Nam Papua, và thành tích không mấy thành công của các nỗ lực mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp tương tự trong quá khứ.
Một dự án vào năm 1990 nằm biến đất vùng ngập mặn ở vùng Kalimantan của Indonesia thành ruộng lúa gặp thất bại do đất bị axit hóa sau khi thoát nước, không thể canh tác. Một dự án khác ở tỉnh Bắc Sumatra nhằm mở rộng diện tích trồng khoai tây và hành tây cũng bị bỏ dở do đất núi lửa không phù hợp với canh tác
Ngoài ra, chính phủ Indonesia bị cáo buộc chiếm đất của các cộng đồng dân cư bản địa để thực hiện mục tiêu mở rộng canh tác nông nghiệp, gây ra tranh cãi về quyền lợi và xung đột xã hội. Các nhà khoa học cảnh báo, dự án trồng lúa mới ở Nam Papua có thể gây ra xung đột mới và thiệt hại môi trường trong dài hạn.
Guy Kirk, giáo sư về hệ thống đất tại Đại học Cranfield ở Anh và là thành viên của Liên đoàn nghiên cứu lúa gạo Anh cho biết, ông hiểu những lo ngại này.
“Đây là khu vực đầm lầy thủy triều điển hình với đất phèn, có thể gây ra thảm họa nếu không được quản lý đúng cách”, ông nói về vùng trồng lúa mới ở Nam Papua.
Trong khi đó, chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ trồng các giống gạo mới phù hợp với điều kiện đất đai và thời tiết nếu cần thiết.
Một vùng đất được khai hoang để phục vụ dự án mở rộng diện tích trồng lúa, mía và các loại cây lương thực khác ở Maruke, tỉnh Nam Papua, Indonesia. Ảnh: AP
Việc lai tạo các giống lúa phù hợp với môi trường địa phương là một cách hiệu quả để tăng năng suất. Giáo sư Guy Kirk ước tính, sản lượng gạo toàn cầu cần tăng khoảng 15-20 %, đồng thời sử dụng ít nước hơn và thải ra ít carbon hơn để đáp ứng nhu cầu trong những thập niên tới, đặc biệt là từ châu Phi.
Nhưng biến đổi khí hậu đã khiến mùa mưa trở nên ẩm ướt hơn và mùa khô trở nên khô hạn hơn. Điều đó có nghĩa là năng suất lúa gạo không còn đáng tin cậy. Các tổ chức như Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Philippines, có các chi nhánh trên khắp châu Á và châu Phi đang phát triển các giống lúa có khả năng chịu hạn và chịu ngập.
Các sáng kiến khoa học nhằm cải thiện năng suất lúa gạo cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Một ví dụ nổi bật là Golden Rice, một loại gạo biến đổi gen được thiết kế để bổ sung vitamin A, nhằm giảm thiếu hụt dinh dưỡng ở các nước đang phát triển.
Vào năm 2021, Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép canh tác thương mại gạo Golden Rice. Tuy nhiên, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) và nông dân địa phương đã kiện phản đối quyết định này với lập luận, giống gạo mới chưa được chứng minh tính an toàn.
Năm ngoái, một tòa án phúc thẩm ở Philippines ủng hộ lập luận này và thu hồi giấy phép an toàn sinh học cho sản xuất thương mại gạo Goden Rice.
Việc tối ưu hóa quản lý canh tác lúa, thông qua việc tưới tiêu và sử dụng phân bón cũng có thể thu hẹp khoảng cách năng suất. Một giải pháp mang tính đột phá hơn, được gọi là Dự án Gạo C4, nhằm mục đích tăng đáng kể hiệu quả quang hợp, một yếu tố hạn chế năng suất cây lúa. Dự án này nhằm thiết kế các con đường quang hợp mới ở cây lúa Dự án khởi động vào năm 2006, được Quỹ Gates của tỉ phú Bill Gate của qu Gates tài trợ với sự tham gia của 20 nhóm nghiên cứu của 15 tổ chức ở 8 nước.
Một trong những dự án phát triển giống lúa mới của giáo sư Guy Kirk với các đối tác ở Đức và Mỹ hiện tạm dừng, do ngân sách khoa học bị cắt giảm mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các viện nghiên cứu nổi tiếng như IRRI, nơi đã phát triển giống lúa năng suất cao đầu tiên trên thế giới, IR8 cũng đang gặp khó khăn khi viện trợ nước ngoài giảm dần.
Giáo sư sư Kirk cho rằng, đây là “tin xấu cho khoa học”, đặc biệt khi thế giới vẫn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và các xung đột trong những năm tới khi có thêm nhiều miệng ăn hơn do dân số tăng.
(Theo thesaigontimes.vn)
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/tuong-lai-bat-on-cua-hoat-dong-san-xuat-lua-gao-1039531/
Bình luận (0)