Các đại biểu tham gia hội nghị   

Các luật này được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGTĐB được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Theo đó, việc xây dựng Luật Đường bộ năm 2024 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Luật Trật tự ATGTĐB được ban hành với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Việc xây dựng và ban hành luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm lĩnh vực giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên triển khai, phổ biến, cung cấp những nội dung mới, quan trọng của các luật.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Sơn, để các luật tiếp tục đi vào cuộc sống, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến hai luật này đến cán bộ, Nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó cần chú trọng các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật.

THÁI BÌNH