Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng công nghệ bảo tồn di tích

Sử dụng dầu rái, scan 3D, ứng dụng công nghệ nano, sinh học, hóa học… là những giải pháp đã và đang được nghiên cứu thử nghiệm trong quá trình bảo vệ, bảo quản hiện vật, di tích tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua, đặc biệt với các hiện vật, kiến trúc Champa.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng06/07/2025

t1.jpg
Tháp E7 Mỹ Sơn đã được quét lớp dầu rái trên mái sau trùng tu năm 2015 nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn. Ảnh: VĨNH LỘC

Công nghệ bảo vệ mặt tháp

Khu di sản Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc, hầu hết xuống cấp. Những năm qua, bên cạnh công tác bảo tồn, trùng tu, việc bảo vệ mặt tường gạch tháp luôn được chú trọng.

Riêng khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt thử nghiệm bảo vệ bề mặt tháp và các hiện vật kiến trúc sa thạch ngoài trời bằng dầu rái được đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong nước và quốc tế liên tục triển khai, dù vậy kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ sau một thời gian nấm mốc, địa y, rêu, tảo đã xuất hiện trở lại trên bề mặt vật liệu gạch, đá.

Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, nếu như việc trùng tu các công trình đền tháp phải bám sát yếu tố gốc và tuân thủ những phương pháp truyền thống, thì việc gìn giữ, bảo vệ các hiện vật, vật liệu kiến trúc cần ứng dụng công nghệ phù hợp và bền vững.

Tại Mỹ Sơn, trong số hơn 1.800 hiện vật sa thạch, gốm, đất nung đang lưu giữ, ngoài trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn và bảo quản trong kho thì hơn 700 hiện vật đang trưng bày ngoài trời (bao gồm 31 văn bia), điều này đặt ra những thách thức bởi điều kiện môi trường trong thung lũng Mỹ Sơn khá khắc nghiệt.

Đơn cử, một số hiện vật gắn trên tường tháp D1, D2 đã xuất hiện tình trạng ẩm, nấm mốc và có hiện tượng mủn hóa bề mặt, nguy cơ không thể nhận diện được hoa văn điêu khắc.

z6426637183127_497b179335a006b5ae94d520f90f8999.jpg
Bậc thềm của tháp Nam Chiên Đàn được trùng tu bằng phương pháp truyền thống dầu rái. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo TS. Hà Thị Sương - Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Nam, hiện tại trên thế giới đã có nhiều công nghệ được ứng dụng vào bảo quản hiện vật và bảo vệ vật liệu, bề mặt di tích.

Đơn cử, như tập đoàn GuardIndustry (Pháp) dùng sản phẩm có tên gọi là Antimoss’ Guard đã giúp bảo vệ trạng thái cũng như vẻ đẹp bên ngoài của di tích như ban đầu, đồng thời chất này cũng giúp bề mặt di tích, hiện vật có khả năng tự làm sạch, không bám dính, kéo dài tuổi thọ vật liệu, chống tất cả tác nhân gây hại ngoài môi trường.

Ngoài ra, cũng có thể ứng dựng công nghệ nano và scan 3D bảo vệ hiện vật, vật liệu di tích. Trong đó, công nghệ nano tuy khá tốn kém và còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng qua thử nghiệm trên một số mẫu gạch đền tháp Champa kết quả ban đầu khá tốt, nhất là những hiện vật quan trọng như văn khắc bia đá…

Không tách rời công nghệ với bảo tồn hiện vật, di tích

Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập trở thành địa phương có khá nhiều di tích, phế tích Chăm (ước tính hơn 100 điểm). Ngoài di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hay các di tích quốc gia Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, còn lại hầu hết là phế tích hoặc phế tích khảo cổ học như Phật viện Đồng Dương, Gò Vua, Triền Tranh, Cấm Mít, An Sơn, Quá Giáng, Xuân Dương, Phong Lệ...

v6.jpg
Các hiện vật kiến trúc bằng sa thạch thường xuyên bị nấm mốc xâm hại nếu không có giải pháp công nghệ bảo vệ hiệu quả. Ảnh: VĨNH LỘC

TS.Phạm Văn Triệu - Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thừa nhận, đây là những thách thức bởi đa số phế tích khảo cổ có vật liệu bằng gạch và đá, dễ bị phong hóa, nứt vỡ và vi sinh vật (nấm, mốc...) xâm hại. Vì vậy, việc gìn giữ các hiện vật khảo cổ phải cần được phân tích cụ thể trong nhà hoặc ngoài trời để có giải pháp bảo vệ, gìn giữ đảm bảo.

“Việc bảo quản những vật liệu này nên được tiếp cận theo 2 hướng gồm từ di tích và từ di vật. Tuy nhiên, dù từ hướng nào thì cũng có những khó khăn nhất định, nhất là trong việc đầu tư các trang thiết bị, vật tư, hóa chất… Bảo quản, bảo tồn vật liệu gạch, đá cũng chính là bảo tồn di tích và di vật của ngành khảo cổ học, nhưng hiện nay ở Việt Nam mới dừng ở mức xử lý cơ bản” - TS.Phạm Văn Triệu chia sẻ.

Theo KTS. Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), bảo tồn di tích được đánh giá là một lĩnh vực khoa học chuyên ngành, khác với xây dựng cơ bản thông thường.

Do đó, việc vạch ra đường hướng, xác định giải pháp bảo tồn thích hợp trên cơ sở những lý luận căn bản và hoàn cảnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính đúng đắn và hữu hiệu; phòng ngừa, hạn chế những tác nhân hủy hoại di tích mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc và các giá trị chân xác của di tích trước những tác động của môi trường thiên nhiên, kể cả môi trường xã hội.

“Các thành tựu nghiên cứu khoa học tiên tiến trên thế giới trong bảo quản vật liệu di tích ngày càng được ứng dụng phổ biến như phương pháp hóa học, vật lý, sinh học... đem lại hiệu quả vượt trội. Trong đó, xu hướng bảo quản vật liệu di tích bằng phương pháp hóa học là một trong những phương pháp đang được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam, bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan về hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về bảo tồn tính toàn vẹn và đảm bảo gia tăng tính bền vững cho di tích”- KTS. Đặng Khánh Ngọc thông tin.

Nguồn: https://baodanang.vn/ung-dung-cong-nghe-bao-ton-di-tich-3265100.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm