Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng bưởi da xanh, mãng cầu xiêm

Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều loại cây ăn trái bám rễ và phát triển tốt trên những vùng đất khó, bước đầu hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ09/07/2025

Ông Ðặng Văn Út, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào canh tác trên vườn bưởi da xanh của mình.

Xã Vĩnh Viễn là vùng đất phèn nặng, nhiều diện tích hoang hóa, ngoài cây khóm, rất khó để trồng những loại cây khác. Năm 2017, Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang (cũ) chọn nơi này để triển khai dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh”. Khi đó, nhiều người cho rằng trồng bưởi ở đây là chuyện không thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đồng hành cùng nhà nông để chứng minh điều ngược lại.

Dự án đưa gần 50 nông hộ trên địa bàn tỉnh đi học tập kinh nghiệm trồng bưởi da xanh tại Công ty TNHH Sáu Như Một, tỉnh Tây Ninh (cũ), rồi hỗ trợ cây giống, phân bón và các chế phẩm sinh học, tổ chức tập huấn, “cầm tay chỉ việc”, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác. Cũng từ đây, Hợp tác xã Tiến Nông ra đời tại ấp 2, xã Vĩnh Viễn, với 21 thành viên, trồng 22ha bưởi da xanh.

Cây bưởi da xanh tại xã Vĩnh Viễn nay đã có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn VietGAP và trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Doanh nghiệp đã tìm đến thu mua bưởi da xanh với số lượng lớn, giá ổn định 25.000-30.000 đồng/kg, cao điểm vào dịp Tết có thể lên đến 50.000-60.000 đồng/kg.

Gắn bó với cây bưởi da xanh từ những ngày đầu, ông Đặng Văn Út, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông khẳng định: “Nếu không có các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, có lẽ nông dân chúng tôi không dám trồng. Giờ trồng được rồi thì lại mê. Làm nông nghiệp bây giờ rất cần áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển bền vững”. Ông Út đã làm chủ các kỹ thuật canh tác, từ cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, xử lý ra hoa, dưỡng trái, neo trái, giúp cây bưởi đạt năng suất, trái bưởi có chất lượng cao và bảo quản được lâu dài. Với khoảng 1ha trồng hơn 400 cây bưởi da xanh, mỗi năm ông Út thu hoạch được trên 10 tấn trái.

Bên cạnh bưởi da xanh, mãng cầu xiêm cũng là loại cây ăn trái được ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác đạt hiệu quả. Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở ấp Mỹ Phú A, xã Phụng Hiệp, có 91ha trồng mãng cầu xiêm, trong đó có 32ha sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBALGAP. Hằng năm, Hợp tác xã cung cấp hơn 2.000 tấn trái mãng cầu xiêm, với khoảng 500 tấn trái đã được cấp đông, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Mỹ.

Đó là kết quả từ Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn” và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng khác. Không chỉ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác mãng cầu xiêm đạt chuẩn GLOBALGAP, các nhiệm vụ còn chuyển giao nhiều quy trình công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm từ mãng cầu, mà tiêu biểu là trà mãng cầu.

Ông Phùng Văn Rở, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: “Bên cạnh các sản phẩm trà mãng cầu đã đạt chuẩn OCOP tại địa phương, chúng tôi còn chế biến thêm các sản phẩm đa dạng như mứt mãng cầu, mãng cầu sấy dẻo để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Bưởi da xanh ở xã Vĩnh Viễn và mãng cầu xiêm của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Phụng Hiệp là minh chứng về sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà “Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp” trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tạo chuỗi giá trị cho nông sản, đúng với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Cần Thơ. Thành phố hiện có hơn 535.000ha đất nông nghiệp, với thổ nhưỡng đa dạng. Trên cơ sở các loại cây trồng đặc trưng, chủ lực của từng địa phương, có thể tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết vùng và hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, thông tin: “Chúng tôi đã nghiên cứu và làm chủ hơn 100 quy trình công nghệ từ lai tạo giống đến canh tác, bảo quản, chế biến lúa, mía, cây ăn trái, dược liệu, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Chúng tôi tiếp tục duy trì, sẵn sàng chuyển giao đến nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, để lan tỏa tiến bộ khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và thúc đẩy tăng trưởng của thành phố”.

Bài, ảnh: ÐANG THƯ

Nguồn: https://baocantho.com.vn/ung-dung-tien-bo-ky-thuat-vao-trong-buoi-da-xanh-mang-cau-xiem-a188299.html


Chủ đề: mãng cầu xiêm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm