Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công
Trình bày báo cáo tóm tắt, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết về thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tăng 30%, áp dụng đồng bộ từ 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Căn cứ Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế tiền thưởng.
Chính phủ cũng đã bổ sung các quy định về nâng lương vượt một bậc đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở và người có phẩm chất, năng lực nổi trội, có thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Về nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 62 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng.
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, trong đó cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách chính sách tiền lương của ngân sách trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội và chính sách an sinh xã hội cũng như để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về phân bổ dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù về tiền lương đối với cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Ngoài ra, đã điều chỉnh tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng...
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng những lần điều chỉnh tiếp theo.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thông tin ngay từ 1/7/2024, toàn bộ các đối tượng có liên quan đến hưởng lương hưu và trợ cấp đã được thực hiện.
Các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tiền lương; chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chính sách tiền lương, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; tích cực triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
Việc cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, báo cáo chưa có số liệu cụ thể về số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo từng cấp, từng khu vực, theo địa phương... tương ứng với số kinh phí chi trả tiền lương để có đánh giá tổng thể, thực chất về tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi ngân sách nhà nước một cách chính xác.
Trong khi đó, cải cách tiền lương là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nguồn lực phải ổn định, chủ động, bảo đảm chính sách mang tính khả thi, sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Qua thực tế tiếp xúc cử tri, khảo sát tại một số địa phương, phản ánh của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng cho thấy có những khó khăn nhất định, cần được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có giải pháp khắc phục.
Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đợt điều chỉnh lương năm 2024 là một thành tựu rất đáng ghi nhận và được cán bộ, đảng viên, nhân dân, những người hưởng lương đánh giá rất cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Lưu ý công tác tuyên truyền cần tránh hiểu nhầm là tới đây sẽ điều chỉnh lương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần nêu rõ đây là cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương đã thực hiện từ 1/7/2024, năm 2025 không còn nguồn ngân sách để bố trí tiếp tục tăng lương như năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ số lượng tổ chức và biên chế đã giảm trong giai đoạn 1 sắp xếp tổ chức bộ máy của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương vừa qua. Từ đó, tính toán tiết kiệm ngân sách như thế nào.
Tới đây nhập xã, nhập tỉnh, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo Nghị định 177, 178 là bao nhiêu.
“Các đồng chí nói là 100 ngàn cán bộ, công chức, viên chức, có phải không, hay là hơn... Sắp tới phải rõ những con số này, nói có sách, mách có chứng, phải từ thực tiễn để ra những con số này,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có ra được con số thì mới đánh giá được một cách cụ thể qua các đợt tinh gọn, giảm được bộ máy, biên chế, từ đó tiết kiệm được ngân sách là bao nhiêu để bố trí cho đầu tư phát triển, chế độ chính sách an sinh xã hội. Những vấn đề này đều phải tính toán cân đối kỹ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phụ trách lĩnh vực này, cùng lãnh đạo Ủy ban Kinh tế và Tài chính làm việc cụ thể với các cơ quan có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận việc tăng lương tối thiểu phù hợp với chi phí sinh hoạt. Không như trước đây, chưa tăng lương giá đã tăng, trong đợt tăng lương 1/7/2024, lương tăng nhưng giá cả không tăng.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm sao khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo đầy đủ, toàn diện, phối hợp đề xuất một số một số nội dung nhiệm vụ có liên quan.
Trước mắt, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, trên cơ sở đó có những giải pháp căn cơ, chiến lược cho việc thực hiện chính sách tiền lương lâu dài.
Bộ Nội vụ cũng sẽ làm rõ thêm về số liệu sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của giai đoạn 1 đối với các bộ, ngành trung ương và cơ quan chuyên môn của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách đối với đối tượng cán bộ không chuyên trách nghỉ theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-cai-cach-tien-luong-dieu-chinh-luong-huu-post1033365.vnp
Bình luận (0)