BHG - Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Giang ban đầu là một bộ phận nhỏ được tách ra từ tỉnh Hà Tuyên năm 1991. Đến tháng 8 năm 1992, Hội VHNT được thành lập với hơn 10 hội viên. Đến nay Hội đã có 160 hội viên, sinh hoạt ở các chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, văn nghệ dân gian, sân khấu, điện ảnh và múa. Các hội viên được biên chế về sinh hoạt ở các chi hội chuyên ngành và chi hội cơ sở ở các huyện, thành phố.
Hội VHNT Hà Giang có một cơ quan báo chí trực thuộc là Tạp chí Văn Nghệ Hà Giang. Thời kỳ đầu xuất bản 2 tháng/số với 32 trang; rồi 1 tháng/số với 40 trang, phát hành 500 bản. Đến nay, xuất bản 1 tháng/số với 52 trang ruột và 4 trang bìa, phát hành 1.000 bản; 1 trang thông tin điện tử vannghe.hagiang.gov.vn và 1 trang Fanpage Văn Nghệ Hà Giang để đăng tải các thông tin hoạt động Hội, các tác phẩm của hội viên, cộng tác viên và quảng bá các tác phẩm VHNT sâu rộng đến công chúng. Tạp chí Văn Nghệ Hà Giang được đánh giá cao về mặt nội dung tác phẩm và hình thức trình bày; là một tạp chí giàu bản sắc, đã bám sát hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên miền địa đầu Tổ quốc. Hàng năm, Hội VHNT tỉnh đều được Nhà nước đầu tư kinh phí để các văn nghệ sĩ có cơ hội đi cơ sở, trao đổi với Nhân dân bằng các hình thức như tổ chức trại sáng tác, đi thực tế, giao lưu học hỏi ở các tỉnh bạn và tổ chức các cuộc thi, cuộc phát động sáng tác dành cho từng chuyên ngành cụ thể.
Người Mông làm nhà trình tường. Ảnh: Chu Việt Bắc |
Từ năm 1975 đến năm 1991, các văn nghệ sĩ lên với Hà Giang chủ yếu là từ Trung ương và tỉnh Hà Tuyên. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, các văn nghệ sĩ lên với Hà Giang để phản ánh về công cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Tuyên trong cuộc bảo vệ vùng phên dậu của Tổ quốc, các văn nghệ sĩ thời kỳ đó có thể kể đến như nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Đoàn Thị Ký, Nguyên Ngọc, Phù Ninh, Đinh Công Diệp…
Từ khi Hội VHNT Hà Giang thành lập đến nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, các văn nghệ sĩ đã có điều kiện hơn để bám địa bàn, gắn bó với Nhân dân để có những sáng tác phản ánh được hơi thở cuộc sống trên miền địa đầu Tổ quốc. Đã có những tác phẩm mỹ thuật có chất lượng cao của cố họa sĩ Đình Vượng được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà trưng bày lịch sử của Tiểu khu Trọng Con với tác phẩm mỹ thuật “Trúc Vần Chải”, “Chợ Đồng Văn”, “Cuộc mít tinh ở Thác Vệ”. Những tác phẩm đoạt giải thưởng cao của Trung ương như cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nông Tú Tường với tác phẩm nhiếp ảnh “Đất quê”, “Xuân biên giới”, Nguyễn Hữu Ninh với “Núi Đôi” (Quản Bạ), “Hoa văn vùng cao”; Dương Thanh Hiền với “Êm ả Khâu Vai”, “Em học lớp một”; Chu Việt Bắc với “Tuổi thơ mẹ cũng trên lưng bà”, “Làm nhà trình tường của người Mông”; họa sĩ Đào Long với tác phẩm mỹ thuật “Chợ vùng cao”, “Đám cưới người Dao”; Hoàng Xuân Trường với “Cuộc sống bình yên”; Lâm Tiến Mạnh với “Heo may về”, “Bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc”; các tác phẩm của cố nhà văn, nhà thơ Hùng Đình Quý với tác phẩm thơ “Cờ đỏ trên đỉnh Lũng Cú”, “Vì sao cái tên của ta gọi là người Mông”; cố nhà văn Nguyễn Quang với tập thơ “79 mùa xuân nơi Bác”, tập bút ký “Vẫn còn nơi hò hẹn”; các nhà văn Nguyễn Trần Bé với tiểu thuyết “Thạch trụ huyết”, tập truyện ngắn “Cười để sống”; Chu Thị Minh Huệ với tập truyện ngắn “Mười hai tầng trời”, truyện ngắn “Hồng Trần”; nhà thơ Đặng Quang Vượng với các tác phẩm thơ “Người anh hùng áo chàm”, “Bài ca trên núi”; cố nhạc sĩ Thanh Phúc với tác phẩm âm nhạc “Quê em Hoàng Su Phì”, “Hát về Quản Bạ quê tôi”; cố nhạc sĩ Đào Thế Y với “Một vùng biên cương”, “Mùa xuân trên đỉnh Lũng Cú”; Nhạc sĩ, NSƯT Ngô Sỹ Tùng với “Hà Giang mãi tự hào”, “Mơ về Hà Giang”…
VHNT Hà Giang đã khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ VHNT cả nước, như là một nền văn học nghệ thuật có nhiều điểm đặc biệt về văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Văn học Hà Giang đã và đang góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho bà con, đặc biệt là góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, nhất là sự phát triển của ngành du lịch, đem lại sinh kế cho một bộ phận người dân từ sự lan tỏa của các tác phẩm nhiếp ảnh về phong cảnh, con người vùng cao; từ những truyện ngắn đến các tác phẩm điện ảnh, từ những bài thơ đến tác phẩm âm nhạc để đời… Tất cả đều góp phần lan tỏa hình ảnh Hà Giang đến với thế giới và kéo thế giới về với Hà Giang. Đặc biệt từ khi công nghệ số phát triển thì VHNT càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành du lịch Hà Giang. Hội VHNT đã tổ chức các trại sáng tác thu hút nhiều văn nghệ sĩ của cả nước đến với Hà Giang để quảng bá trực tiếp cho tỉnh thông qua các sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh sáng tác tại tỉnh, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang ngày càng tăng.
VHNT Hà Giang từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 đến nay đã đạt được nhiều thành tựu ở tất cả các chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, văn nghệ dân gian, sân khấu, điện ảnh và múa. Tính về chuyên ngành văn học, đã có hàng nghìn đầu sách được xuất bản từ nguồn đầu tư của nhà nước và nguồn xã hội hóa; hàng nghìn bức tranh được trưng bày tại bảo tàng, tại các triển lãm cấp quốc gia, khu vực, tỉnh hoặc được các nhà sưu tập lưu giữ trong các bảo tàng cá nhân; hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đã ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống và được đánh giá cao trên mặt bằng quốc gia; rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, khi nhắc về Hà Giang là nhắc về những tác phẩm âm nhạc như là thương hiệu của vùng đất.
Để VHNT phát huy hơn nữa thế mạnh, tiềm năng, để có những tác phẩm chất lượng cao, phản ánh được diện mạo và cuộc sống Nhân dân ở một vùng đất có nhiều điểm đặc biệt, đặc thù nhất Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển VHNT, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh… Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển lĩnh vực VHNT, đảm bảo phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng trong các hoạt động sáng tác, phê bình VHNT; chỉ đạo, định hướng đối với các nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Quy định số 140-QĐ/TW, ngày 6.2.2024. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ nhuận bút, chế độ đặc thù cho các văn nghệ sĩ; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học. Đặc biệt cần có chính sách đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao để có được tác phẩm có tầm vóc, mang đặc trưng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động VHNT phát triển.
Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh vững mạnh toàn diện, tâm huyết với nghề; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động sáng tạo VHNT; chú trọng phát triển các tài năng VHNT trẻ của tỉnh, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số. Phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc... Xây dựng chương trình bảo tồn, sưu tầm, phát huy các tác phẩm VHNT dân gian của các dân tộc thiểu số Hà Giang. Bởi đây chính là cách bảo tồn vốn văn hóa đặc trưng, riêng biệt của từng dân tộc một cách tốt nhất. Đồng thời là nền tảng, nguyên liệu dồi dào để các văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm VHNT vừa có nền tảng vững chắc vừa có sức bật để VHNT Hà Giang đến được với công chúng sâu rộng hơn nữa. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi VHNT để tìm kiếm tài năng còn tiềm ẩn, tài năng trẻ. Để các cuộc thi đạt hiệu quả thì phải tổ chức các trại sáng tác, chuyến đi thực tế chuyên đề cho các hội viên, cộng tác viên phục vụ chủ đề của cuộc thi; đồng thời mỗi cuộc thi cần có một thời gian dài phù hợp với từng chuyên ngành VHNT và giá trị giải thưởng đủ lớn để kích thích các tác giả dấn thân trên con đường chinh phục và khẳng định tác phẩm của mỗi người.
Tỉnh cũng cần có một cơ chế dành cho VHNT và phát triển du lịch. Bởi thế mạnh của Hà Giang là ngành công nghiệp không khói – du lịch xanh, du lịch văn hóa. Mà VHNT là lĩnh vực thúc đẩy du lịch phát triển vừa hiệu quả trước mắt, vừa hiệu quả lâu dài…
50 năm qua VHNT Hà Giang đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là sự phát triển của du lịch – một ngành mang lại nhiều công ăn việc làm cho bà con, đồng thời là một ngành phát triển bền vững cùng đất nước. Với thành quả đó, cùng với sự quan tâm, đầu tư xứng tầm của Đảng và Nhà nước, chắc chắn VHNT Hà Giang trong những năm tới sẽ thực sự bứt phá hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.
Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202504/vai-tro-van-hoc-nghe-thuat-voi-su-phat-trien-cua-tinh-3dc68b7/
Bình luận (0)