(QBĐT) - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình được thành lập năm 1961, là một trong số ít các hội ra đời sớm trong cả nước. Ngay từ khi mới ra đời, những tên tuổi quy tụ ở hội ngày đó đến nay vẫn còn rất quen thuộc với không chỉ những người cùng thời mà cả trong nhận thức của các thế hệ tiếp nối thông qua các tác phẩm để đời của họ, đó là: Dương Tử Giang, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Trần Công Tấn, Hà Nhật, Xích Bích, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Nhật Thu…
Nhiều tác phẩm VHNT ra đời ở giai đoạn đầu hội mới thành lập đã cổ vũ động viên phong trào thi đua sản xuất xây dựng và bảo vệ miền Bắc đồng thời chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1964, tập san “Một cành xuân” ra đời, tạo nên dư luận tốt đẹp trong lực lượng văn nghệ sĩ nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung.
Đây là thời kỳ hội cho xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị về cả thực tiễn lẫn nghệ thuật cao, như: Gió Đại Phong, Hạt giống mới, Đường ra trận. Thơ của các nhà thơ ở hội như Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Văn Dinh… cũng gây được tiếng vang lớn trong dư luận cả nước.
Năm 1989, Quảng Bình trở về địa giới cũ, Hội VHNT tổ chức tham gia các cuộc liên hoan, triển lãm ảnh nghệ thuật và mỹ thuật mang tính tuyển chọn có giá trị, như: Một thời khói lửa, Thơ Đồng Hới, Vùng đất khát vọng, Văn xuôi Quảng Bình (1989-1998), Thơ Quảng Bình (1989-1998), Ca khúc Quảng Bình (1989-1998), Cánh chim bằng, Nhà văn Việt Nam hiện đại Quảng Bình, tuyển tập ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, các tuyển tập “Nước chảy chân cầu” (văn xuôi tự chọn) và “Bài ca đàn chim lạc” (thơ tự chọn), “Tuyển tập Mỹ thuật và ảnh nghệ thuật Quảng Bình đương đại (1995-2005)”, “Tuyển tập Mỹ thuật và ảnh nghệ thuật Quảng Bình đương đại (2006-2016)”, ” Tuyền tập Thơ Quảng Bình 410 năm”, ”Tuyển tập văn xuôi Quảng Bình 2009-2014”, ”Tuyển tập thơ văn Quảng Bình 2015-2020”…
Tượng đài Mẹ Suốt, tác phẩm đặc sắc của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. |
Tạp chí Nhật Lệ là diễn đàn của hội thường xuyên đăng tải các sáng tác. Hàng năm có hàng trăm tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, truyện ký, hồi ký, các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí, văn nghệ dân gian, các tập ca khúc, tranh, tượng của các tác giả hội viên được công bố.
Về chuyên ngành Văn học, văn học Quảng Bình thể hiện được sự đa dạng về phong cách sáng tác và phong phú về nội dung đề tài. Nhiều nhà văn, nhà thơ thực sự dấn thân vào sự nghiệp đổi mới như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật với những chuyển động liên tục trong thi pháp; cố nhà văn Hữu Phương với cách nhìn đa chiều và trực diện vào hiện thực xã hội đương đại. Hội viên phân hội văn học đã xuất bản nhiều đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký văn học, thơ, trường ca, truyện dịch, lý luận-phê bình.
Trong đó có các tác phẩm đoạt Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình, giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn và các bộ, ngành Trung ương. Lực lượng tác giả với quá trình xây dựng và kế thừa khá liên tục, khẳng định được chỗ đứng của mình bằng phong cách sáng tạo riêng và dám khác biệt, như: Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Trần Thị Trác Diễm...
Về chuyên ngành Mỹ thuật, mỹ thuật thường xuyên được giới thiệu tham dự các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, trại điêu khắc quốc tế, triển lãm cấp toàn quốc với nhiều tác phẩm chất lượng cao, như: Hoạ sĩ Lê Anh Tân có tranh cổ động được tham dự triển lãm tranh cổ động quốc tế về đề tài chống chiến tranh hạt nhân. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến với các tác phẩm đoạt các giải thưởng toàn quốc, tiêu biểu như tác phẩm “Trái tim của biển”, “Biển cả” cùng các tác phẩm điêu khắc ngoài trời như “Tượng đài Mẹ Suốt” ... Tại các triển lãm khu vực có “Sức sống” của nhà điêu khắc Ngọc Thái, tác phẩm “Níu” của họa sĩ Lương Sáng, tác phẩm “Hội thi cà kheo” của họa sĩ Đoàn Văn Thịnh, tác phẩm “Chuyện người đàn bà” của nhà điêu khắc Trương Trần Đình Thắng…
Về chuyên ngành Nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Bình đã bám sát hiện thực đời sống xã hội các nhiệm vụ chính trị và các cuộc vận động sáng tác lớn, như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tự hào một dải biên cương”, “Vì bình yên cuộc sống”... Nhiếp ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, như: Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư, các giải vàng, bạc, đồng tại liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ, giải tại cuộc thi “Du lịch Quảng Bình” và nhiều giải thưởng chuyên đề khác. Nổi bật có NSNA Đức Thành, tác giả Văn Báu, NSNA Nguyễn Hải đoạt huy chương vàng, bạc, đồng tại các cuộc thi ảnh quốc tế...
Về chuyên ngành Âm nhạc, nhạc sĩ Quảng Bình tiếp tục quá trình sáng tạo của các thế hệ đi trước, tích cực đổi mới phong cách, sáng tác nhiều ca khúc mang hơi thở thời đại. Trong các cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Bên cạnh các nhạc sĩ Quảng Bình gặt hái nhiều thành công trên những lĩnh vực khác nhau, như: Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến, Trần Anh Tuấn, Dương Nguyệt Ánh, Quách Sỹ Dũng... Tiêu biểu có nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT, giải B tại lễ trao giải tác phẩm VHNT viết về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đọan 2018-2020. Ca sĩ Thùy Linh được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
Về Sân khấu biểu diễn, một số nghệ sĩ như: NSƯT Lê Kiều Anh, biên đạo múa Phan Xuân Thành luôn là lực lượng nòng cốt tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh với loại hình sân khấu thực cảnh và tập trung khai thác chủ đề chiến tranh cách mạng đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng với các kịch bản sân khấu về hang Tám thanh niên xung phong, mẹ Suốt, bến phà Long Đại, cầu Hiền Lương và sông Bến Hải... Nhiều tác phẩm giành giải thưởng lớn, như: Huy chương bạc tiết mục múa “Ngẫu hứng Bru-Vân Kiều”. Nghệ sĩ múa Kiều Anh được phong tặng NSƯT. Nghệ nhân Thành Lộc và nghệ nhân Hồng Hới được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú.
Chuyên ngành Văn nghệ dân gian, đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương trong quá trình hội nhập và phát triển. Các tác giả: Đỗ Duy Văn, Đinh Thanh Dự, Đinh Tiến Hùng, Văn Tăng, Đặng Thị Kim Liên… thường xuyên nhận được nhiều giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao như tác phẩm: “Địa chí làng An Xá”, “Văn hóa dân gian người Nguồn Minh Hóa”, “Chợ phiên Ba Đồn”...
Chuyên ngành Kiến trúc, các kiến trúc sư đã tham gia thiết kế nhiều đồ án quy hoạch thông qua các tổ chức tư vấn thiết kế trong tỉnh có quy mô và chất lượng, tạo tiền đề cho việc xây dựng các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều tác phẩm kiến trúc được xét tặng giải thưởng VHNT tỉnh và các cuộc thi sáng tác về các chủ đề khác nhau, như: Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư và các cuộc thi quan trọng khác…
VHNT Quảng Bình không ngừng phát huy các giá trị của các thế hệ đi trước cùng các thế hệ kế cận đã góp phần tích cực vào đời sống chính trị xã hội, làm nên bức tranh sinh động toàn cảnh cho quê hương Quảng Bình. Những đóng góp và thành tựu của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà qua các thời kỳ là rất đáng tự hào và trân trọng.
Phan Đình Tiến
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/van-hoc-nghe-thuat-quang-binh-nhung-thanh-tuu-dang-tu-hao-2225473/
Bình luận (0)