Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn nghệ dân gian trong lễ hội: Bản sắc cần được tiếp lửa

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi còn lưu giữ và phát huy nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như hát chèo, hát văn, trống hội... Không chỉ tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng, các loại hình nghệ thuật được tổ chức biểu diễn thường xuyên trong các lễ hội truyền thống trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Qua mỗi dịp lễ hội, văn nghệ dân gian lại có thêm cơ hội để tỏa sáng, tiếp lửa cho bản sắc và hun đúc niềm tự hào về cội nguồn văn hóa quê hương.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định23/05/2025

Đội trống hội nữ xã Giao Hải (Giao Thủy) biểu diễn tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Kiên Hành.
Đội trống hội nữ xã Giao Hải (Giao Thủy) biểu diễn tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Kiên Hành.

Trong các lễ hội truyền thống ở Nam Định, phần “hội” luôn rộn rã với những làn điệu dân gian quen thuộc. Tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), bên cạnh nghi lễ dâng hương và rước kiệu ấn linh thiêng còn diễn ra nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật. Hàng năm, đội văn nghệ các tổ dân phố của phường Lộc Vượng tham gia biểu diễn nhiều tiết mục dân gian đặc sắc như: hát văn, hát chèo… góp phần tạo không khí sôi động cho phần hội. Bà Trần Thị Bích Hồng, thành viên đội văn nghệ phường Lộc Vượng là gương mặt quen thuộc, nhiều năm liền tham gia biểu diễn tại lễ hội chia sẻ: “Mỗi lần tham gia biểu diễn tại Lễ hội Đền Trần, tôi luôn cảm thấy xúc động và tự hào. Được góp mặt trong sự kiện văn hóa trọng đại là cách để những người dân địa phương cùng nhau gìn giữ, tiếp nối những giá trị nghệ thuật truyền thống ngay trên chính quê hương mình”.

Tại huyện Vụ Bản, Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn là điểm nhấn đặc sắc trong chuỗi hoạt động lễ hội Phủ Dầy hàng năm. Các giá văn tiêu biểu như: Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục, Chầu Bé, Chầu Bé Thượng, Quan Lớn Tam Phủ, Quan Lớn Đệ Tam, Chúa Đông Cuông, Quan Đệ Tam, Chúa Thác Bờ… được thể hiện bởi những cung văn trẻ tuổi, với lối hát mộc mạc nhưng điêu luyện mang đến cho du khách những trải nghiệm nghệ thuật thiêng liêng, sâu lắng. Qua mỗi mùa lễ hội, chầu văn được bảo tồn và tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, vun đắp tinh thần cố kết cộng đồng và khơi dậy khát vọng phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Tại lễ hội ở các vùng quê của Xuân Trường, Nam Trực, Hải Hậu... nghệ thuật chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những trích đoạn kinh điển như “Thị Mầu lên chùa”, “Xúy Vân giả dại”, “Quan Âm Thị Kính” được các đội văn nghệ địa phương và các nghệ sĩ chuyên nghiệp tái hiện sinh động, gợi nhớ không gian văn hóa làng quê thuần Việt. Tại Xuân Trường, Câu lạc bộ hát dân ca Kiên Lao, xã Xuân Phúc được thành lập nhằm làm phong phú thêm hoạt động trong lễ hội Đền - Chùa Kiên Lao; không chỉ biểu diễn phục vụ hội làng, đội còn được mời tham gia nhiều chương trình văn hóa khác, với những trích đoạn chèo tự biên sáng tạo, gần gũi đời sống. Tại Hải Hậu, người dân xem chèo như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Trong lễ hội Chùa Lương, xã Hải Anh hàng năm đều tổ chức đêm thi hát chèo, hát văn thu hút đông đảo người xem. Ở xã Hải Châu, chiếu chèo Phú Văn Nam với lịch sử từ năm 1958 đến nay vẫn duy trì hoạt động đều đặn vào mỗi dịp lễ, tết, hội làng, mang đến cho công chúng những làn điệu chèo đằm thắm.

Bên cạnh các làn điệu dân ca, nhiều địa phương tại huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên... đã thành lập các đội trống hội nữ. Các bài trống được xây dựng có chủ đề cụ thể như mở đất, giữ nước, xây làng… Trên nền tiếng trống là những bước múa nhịp nhàng, uyển chuyển của các thành viên trong trang phục truyền thống, tạo nên loại hình trình diễn vừa có âm thanh, vừa có hình ảnh sinh động. Tiêu biểu là đội trống hội nữ xã Giao Hải (Giao Thủy), được thành lập với lực lượng là các chị em trong độ tuổi trung niên, có chung niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Những bài trống như “Rước nước”, “Mở đất”, “Tiến công”, “Xây làng”... được đội thể hiện với khí thế hào sảng, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được vẻ mềm mại, duyên dáng. “Tiếng lành đồn xa”, đội được mời tham gia các lễ hội, sự kiện lớn trong và ngoài huyện, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Hoạt động của đội trống hội nữ Giao Hải trong những lễ hội truyền thống là minh chứng sống động cho tinh thần gìn giữ di sản trong thời đại mới.

Một tín hiệu tích cực ở nhiều địa phương trong tỉnh là việc tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ dân gian trở thành hoạt động thường niên. Không chỉ là nơi để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên thể hiện tài năng, các sân chơi này còn là môi trường lý tưởng để những làn điệu cổ truyền được trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ. Từ những trích đoạn chèo thấm đẫm tình quê, các làn điệu văn linh thiêng đến tiếng trống hội rộn rã, tất cả đều được các đội văn nghệ quần chúng tái hiện với sự đầu tư nghiêm túc. Đặc biệt, sự góp mặt của đông đảo thanh thiếu niên trong vai trò diễn viên, nhạc công, hậu cần… đã khẳng định sức sống lan tỏa của nghệ thuật dân gian, cho thấy tâm thế chủ động tiếp nối di sản của thế hệ trẻ hôm nay.

Góp phần quan trọng vào thành công của các phong trào văn nghệ quần chúng là vai trò đồng hành, hỗ trợ chuyên môn từ những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, tiêu biểu là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Những năm qua, bên cạnh việc biểu diễn các loại hình như hát chèo, hát văn, trống hội tại các lễ hội lớn như Khai ấn Đền Trần, Phủ Dầy…, nhà hát còn trực tiếp tham gia truyền dạy kỹ năng biểu diễn dân gian cho các câu lạc bộ ở cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, nhiều đợt tập huấn ngắn hạn đã được tổ chức tại các huyện, xã, hướng dẫn bài bản kỹ thuật gõ trống, lối hát chèo cơ bản, cách phối hợp nhạc cụ trong chầu văn… giúp các đội văn nghệ cơ sở nâng cao trình độ, tự tin hơn khi biểu diễn trong các lễ hội, hội thi. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân, các nghệ sĩ còn có trách nhiệm lan tỏa lửa nghề. Mỗi buổi tập huấn, mỗi lần xuống cơ sở chính là dịp để nghệ thuật dân gian được "gần dân" hơn, sống trong đời sống chứ không chỉ trên sân khấu".

Từ thực tiễn có thể thấy, văn nghệ dân gian chính là linh hồn tạo nên không khí đặc trưng cho mỗi mùa hội. Nếu thiếu đi tiếng trống rước mở đường, thiếu vắng làn điệu hát văn trong các giá đồng hay những tiết mục chèo sâu lắng trên sân đình thì lễ hội sẽ không còn trọn vẹn. Văn nghệ dân gian góp phần làm đẹp không gian lễ hội, giúp mỗi người dân được trở về với cội nguồn, cảm nhận sâu sắc mạch nguồn văn hóa dân tộc. Để tiếp lửa cho văn nghệ dân gian hôm nay, cần sự đồng thuận và chung tay của toàn xã hội. Trong đó, sự quan tâm sát sao từ chính quyền và sự kế tục từ thế hệ trẻ chính là yếu tố then chốt để bảo tồn, phát huy bản sắc trong bối cảnh hiện đại.

Với truyền thống văn hóa đặc sắc, hệ thống lễ hội phong phú, Nam Định đang là điểm sáng về gìn giữ và phát huy văn nghệ dân gian trong bối cảnh hiện đại. Mỗi tiếng trống vang, mỗi điệu hát văn, mỗi vở chèo sân đình… là một ngọn lửa. Và khi những ngọn lửa ấy được thắp lên từ chính trái tim người dân - những người yêu quê hương, yêu bản sắc thì chắc chắn văn nghệ dân gian sẽ tiếp tục bừng sáng trong dòng chảy lễ hội, trong tâm thức các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Viết Dư
 

Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/van-nghe-dan-gian-trong-le-hoi-ban-sac-can-duoc-tiep-lua-e685be1/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm