Phần lễ được cử hành trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh" (1 con lợn, 1 con dê và 1 con bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu…
Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội đền Hùng năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của kỳ thi năm nay, đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng cử hành quốc lễ. Vì vậy, cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đó là niềm tự hào của dân làng ấy.
Trong hội đền Hùng có tục hát Xoan, hát ca trù… Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng là các trò diễn và trò chơi dân gian diễn ra rất sôi động như: chơi đu, chọi gà, đánh cờ người, tổ tôm… Còn các đám trai gái túm năm, tụm ba trổ tài hát ví, hát trống quân hoặc hát đối đáp giao duyên… Tối đến có tổ chức hát chèo, hát tuồng ở các bãi rộng ngay cửa đền Hạ hoặc đền Giếng…
Lễ hội Đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành "Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Người dân hành hương về đất Tổ không phân biệt già trẻ, gái trai đều tự hào vì mình là con cháu vua Hùng.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)