Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vệt nắng xuyên Việt: Đêm pháo hoa kỷ niệm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (Bài 1)

Những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu - nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An, đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô. Chuyến đi cũng là dịp nhà báo được đến tất cả gần 50 tỉnh, thành (từ TP.HCM trở ra) trước khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An xin giới thiệu loạt bài Vệt nắng xuyên Việt của nhà báo.

Báo Long AnBáo Long An12/05/2025

Bài 1: Đêm pháo hoa kỷ niệm Ngày Giải phóng Đà Nẵng

Khởi hành từ TP.Tân An, tỉnh Long An sáng ngày 28/3, đoàn chúng tôi gồm 3 người trực chỉ hướng Bắc. Phải mất vài giờ để qua được TP.HCM dù không phải vào giờ cao điểm, xe chúng tôi mới lên được tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tiếp nối tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đường lớn đã mở

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe đã gần 2 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tự lái xe trải nghiệm, cảm giác thật thú vị khi đi trên con đường cao tốc hiện đại với tốc độ 120km/h, xuyên qua những khe núi, cánh rừng,... Mất chưa đến 1 giờ để chúng tôi đi từ TP.HCM đến Phan Thiết, quãng đường mà quân giải phóng vào tháng 4/1975 phải mất đến 11 ngày để tiến về giải phóng Sài Gòn. Dừng chân ăn trưa ở Phan Thiết rồi vào thăm Khu di tích Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dừng chân dạy học trên đường từ Huế vào Sài Gòn hơn 100 năm trước.

Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Đà Nẵng

Chúng tôi tiếp tục trực chỉ hướng Bắc, ghé thăm ngôi tháp Chàm Ninh Thuận rêu phong, cổ kính để hình dung về nền văn minh Champa khoảng 800 năm trước. Trước khi dừng chân nghỉ đêm ở TP.Nha Trang, chúng tôi đã dành hơn 1 giờ để viếng, dâng hương Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma trên bờ biển Cam Ranh. “Vòng tròn bất tử” cùng 64 đóa hoa bất tử là tấm lòng của đất liền, của các thế hệ mai sau hướng về 64 liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển, đảo thiêng liêng, thân xác còn nằm trong vùng biển Gạc Ma, còn nơi đây chỉ có ngôi mộ gió hướng về biển cả.

Người bạn là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang đón những người bạn đồng hương bằng bữa tiệc trên con đường ven biển. Trong tiếng nhạc bài hát Nha Trang mùa thu, gió biển mát mặn, cùng tình cảm “tha hương ngộ cố tri” hòa quyện vào nhau đã cho chúng tôi cảm giác thật thú vị trong buổi tối đầu tiên trên cuộc hành trình xuyên Việt kéo dài.

Đà Nẵng ngày vui giải phóng

Đoàn chúng tôi viếng Tháp bà Ponagar trước khi rời TP.Nha Trang. Ghềnh Đá đĩa Phú Yên đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt, kéo dài. Rời phương Nam khi đang giữa mùa khô, nắng nóng, vì vậy khi “chạm” cơn mưa mát mẻ miền Trung, chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu. Nhưng khi trời mưa tiếp tục kéo dài những ngày sau đó, mưa đeo đẳng chúng tôi đến tận Hà Nội, thì trời mưa đã không còn là người bạn tốt, trái lại gây nhiều khó khăn cho cuộc hành trình.

Qua Bình Định, rồi Quảng Nam, càng đi ra, không khí chào mừng kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng càng nhộn nhịp, để rồi khi chúng tôi đến Đà Nẵng vào đúng ngày giải phóng 50 năm trước (29/3/1975), thành phố đáng sống này đã chào đón chúng tôi bằng một lễ hội Chiến thắng thật hoành tráng.

Đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt ở Đà Nẵng ngày 29/3/2025 để dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Đà Nẵng được giải phóng. Một sự trùng hợp, hôm ấy đúng vào ngày thứ Bảy, là ngày 2 con rồng trên chiếc cầu Rồng “phun lửa” vào lúc 21 giờ hàng tuần. Một giờ sau, vào lúc 22 giờ, màn bắn pháo hoa kỷ niệm Ngày Giải phóng cũng diễn ra trên sông Hàn ở cạnh đó.

Vậy là ngay từ chiều tối, hàng chục ngàn người dân Đà Nẵng và khách du lịch đã tập trung 2 bên sông Hàn để chờ xem “Rồng phun lửa”, pháo hoa. Bờ sông Hàn thoáng đãng, nhiều bãi cỏ là nơi các bạn trẻ Đà Nẵng “cắm trại” một cách trật tự, văn minh suốt cả buổi tối để mừng Ngày Giải phóng, họ đã tạo nên hình ảnh Đà Nẵng thật sống động, văn minh, hiện đại trong mắt du khách.

Chúng tôi đến Đà Nẵng vào đúng ngày giải phóng 50 năm trước (29/3/1975)

Tôi có anh bạn ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, người từng can dự vào Ngày Giải phóng TP.Đà Nẵng và Sài Gòn. Vì vậy, khi dừng chân ở Đà Nẵng, tôi chợt nhớ tới anh. Đó là “phi công Sài Gòn” Trần Văn On, đồng đội của phi công Nguyễn Thành Trung ở cả 2 bờ chiến tuyến.

Ông On kể, năm ông 20 tuổi, khi học vừa xong “tú tài” thì bị “tổng động viên” sau Tết Mậu Thân, ông phải từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư để vào quân trường. Nhờ vóc dáng cao ráo cộng với vốn tiếng Anh khá, ông được chọn vào không quân và đưa đi đào tạo gần 2 năm ở Mỹ. Năm 1973 về nước, ông được đưa ra phi đoàn 550 tại Đà Nẵng. Về thăm gia đình ở Gò Công, thấy cảnh quê hương bị bom đạn tàn phá, nhiều người thân bị thương vong vì bom, trung úy Trần Văn On cảm thấy chán ngán chiến tranh.

Ở Đà Nẵng, ông từng chống lệnh đi oanh tạc vùng đông dân cư, vì vậy ông ít được bay. Khi Đà Nẵng được giải phóng, nhiều đồng đội của ông On “ôm” máy bay chạy ra các chiến hạm ngoài biển, còn ông ra trình diện chính quyền quân quản vì không thể rời xa quê hương, rời bỏ gia đình.

Khi quân giải phóng làm chủ TP.Đà Nẵng đã tiếp quản Sân bay Đà Nẵng với chiến lợi phẩm khoảng 10 chiếc A37. Ta chủ trương sử dụng số máy bay này mở thêm mặt trận trên không đánh vào Sài Gòn. Nhưng vấn đề nan giải nhất là người lái vì phi công ta từ Hà Nội vào chỉ quen lái Mig. Kể cả Nguyễn Thành Trung sau khi ném bom Dinh Độc Lập đã có mặt ở Đà Nẵng nhưng cũng không thật thông thạo A37 vì anh chuyên lái máy bay F5.

Bất ngờ có một phi công hàng binh tên Trần Văn On, là “đàn em” có quen biết với Nguyễn Thành Trung vì cùng là phi công được đào tạo ở Mỹ, xin được tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Những người lãnh đạo binh chủng không quân của ta đã tin tưởng thu nhận viên “phi công Sài Gòn” vào cùng với Nguyễn Thành Trung huấn luyện lái máy bay A37 cho các phi công.

Khi Phi đội Quyết Thắng được thành lập vào ngày 27/4/1975, Trần Văn On có tên ở vị trí số 5. Được lệnh xuất kích vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 28/4, phi đội do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu, Trần Văn On khóa đuôi đã từ Đã Nẵng vào Phan Rang, rồi bay thấp dọc theo bờ biển (để tránh ra đa đối phương) hướng vào Sài Gòn...

Trận ném bom của Phi đội Quyết Thắng xuống Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 đã làm rung chuyển Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất không lạ gì đối với ông On, vì vậy ông đã dễ dàng chọn mục tiêu bãi đậu máy bay và cắt bom chính xác.

Sau ngày 30/4/1975, ông On được phân công về đoàn bay 937 ở Cần Thơ vừa làm nhiệm vụ huấn luyện phi công lái A37, vừa trực tiếp lái máy bay bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau đó, ông được điều ra Nha Trang làm công tác huấn luyện phi công. Nhưng vì gia đình đơn chiếc, vợ lại sinh con nhỏ nên ông xin nghỉ, trở về nhà làm ruộng, chăm sóc vợ con. Lúc về, ông có giấy xác nhận của đoàn bay 937 để nộp cho xã nhưng rồi thất lạc.

Chuyện về quãng đời phi công của ông On cứ ngỡ đã rơi vào quên lãng, bất ngờ một hôm có mấy anh ở Huyện Đội Gò Công Tây dắt những người khách đến tìm ông On. Vừa nhìn thấy họ, ông đã nhận ra những đồng đội trong Phi đội Quyết Thắng năm nào. Họ ôm chầm nhau, mừng mừng, tủi tủi. Sau đó, ông được đưa đi Phan Rang, Đà Nẵng, Hà Nội với tư cách là phi công Phi đội Quyết Thắng lịch sử. Cũng cho tới lúc ấy, sau hơn 30 năm, Trần Văn On mới được nhận Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất./.

(còn tiếp)

Nguyễn Phấn Đấu

Bài 2: Ở hai bờ giới tuyến

Nguồn: https://baolongan.vn/vet-nang-xuyen-viet-dem-phao-hoa-ky-niem-ngay-giai-phong-da-n-ng-bai-1--a195062.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm