Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vệt nắng xuyên Việt: Tứ đại danh đèo đất Việt (Bài 6)

Những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu - nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An, đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô. Chuyến đi cũng là dịp nhà báo được đến tất cả gần 50 tỉnh, thành (từ TP.HCM trở ra) trước khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An xin giới thiệu loạt bài Vệt nắng xuyên Việt của nhà báo.

Báo Long AnBáo Long An19/05/2025

Bài 6: Tứ đại danh đèo đất Việt

Trên đất nước ta có hàng trăm đèo lớn nhỏ. Trong số ấy, theo cộng đồng mạng, có 4 con đèo “khủng” được xếp vào hàng “tứ đại danh đèo”, đó là các đèo: Ô Quy Hồ, Pha Đin, Mã Pí Lèng và Khau Phạ. Tôi đã đi qua tất cả các đèo trên và hàng trăm đèo lớn, nhỏ khác. Và tôi muốn bổ sung vào hàng “đại danh đèo” 2 cái tên: Vi Ô Lắc và Hải Vân.

Đèo trên “nóc nhà”

Một con đèo muốn được xếp vào hàng “khủng” thường phải hội tụ đủ các yếu tố: Độ dài, chiều cao, mức độ hiểm trở, cảnh đẹp, gắn với di tích hay danh thắng nào đó,...

Đèo Ô Quy Hồ trên Quốc lộ 4D giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai và Lai Châu hội tụ đầy đủ các yếu tố trên. Dãy núi Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phanxipan được xem là “nóc nhà” Đông Dương (cao nhất Đông Dương). Vì vậy mà đèo Ô Quy Hồ có thể xem là “đèo trên nóc nhà”.

Với độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển và dài hơn 50km, cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đường dốc quanh co, cảnh núi non hùng vĩ quanh năm mây mù..., đèo Ô Quy Hồ được nhiều người chọn là “đệ nhứt danh đèo” đất Việt.

Đèo còn có tên là Cổng Trời (vì quá cao, lên đến trời) hoặc Đèo Mây (do đỉnh đèo quanh năm mây phủ).

Trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ được gọi theo tên bản Ô Quy Hồ nằm cạnh Quốc lộ 4D. Truyền thuyết kể rằng, ngày trước ở vùng núi này có một loài chim có tiếng kêu da diết “ô... quy... hồ”, là tiếng kêu đau thương về câu chuyện tình không thành của đôi trai gái.

Theo thời gian, tiếng kêu “ô quy hồ” của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo này. Ngày nay, ở trên đỉnh đèo có trạm dừng chân, kể cả nhà nghỉ bungalow cùng công viên nhỏ xinh xắn, ai đi qua đây cũng dừng lại check-in.

Đứng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ nhìn xa xa đỉnh Phanxipan rất đẹp, hùng vĩ, nhất là khi có mây trắng viền quanh đỉnh núi.

Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ

Đèo Pha Đin nằm ở ranh giới 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, dài 44km, đỉnh đèo cao 1.648m so với mực nước biển. Đèo rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Nhìn từ xa, cung đường đèo 8 khúc cua tựa như một sợi dây thừng khổng lồ nối liền những ngọn núi. Đèo Pha Đin nằm trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương chi viện cho chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 70 năm trước. Hầu hết lực lượng, phương tiện chiến đấu, hậu cần,... cho bộ đội đều qua đèo Pha Đin.

Trên sườn đèo từng vang vọng điệu hò kéo pháo; từng đoàn xe đạp thồ, từng đoàn dân công gồng gánh qua đỉnh dèo... “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu).

Đỉnh đèo Pha Đin

Đèo Lũng Lô khi đặt bên cạnh “dốc Pha Đin” nghe có vẻ lớn vì “đèo” bao giờ cũng dài và cao hơn “dốc” nhưng kỳ thực con đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 giữa tỉnh Yên Bái và Sơn La chỉ dài 15km.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ta mở con đường 13A dài hơn 120km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà, từ tỉnh Tuyên Quang qua đèo Lũng Lô phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mã Pí Lèng hay Khau Phạ?

Xét về chiều dài và độ cao, đèo Khau Phạ (tỉnh Yên Bái, trên đường từ TP.Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải) “ăn đứt” đèo Mã Pí Lèng (tỉnh Hà Giang, trên đường từ TP.Hà Giang đi Cột cờ Lũng Cú).

Đèo Khau Phạ dài hơn 30km, cao 1.500m, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải. Còn đèo Mã Pí Lèng chỉ dài khoảng 20km, cao chỉ khoảng 1.200m.

Dù vậy, trong “tứ đại danh đèo”, cộng đồng mạng thường xếp Mã Pí Lèng trên Khau Phạ bởi các yếu tố khác: Mức độ hiểm trở, gắn với điểm đến nổi tiếng là Cột cờ Lũng Cú.

Trên đèo Mã Pí Lèng

Cái tên Mã Pí Lèng theo tiếng dân tộc địa phương có nghĩa là “sống mũi con ngựa” đã nói lên đây là một trong những cung đường đèo “tử thần” của vùng núi đất Bắc vì những đường cong hiểm trở.

Mã Pí Lèng với vẻ đẹp mềm mại, cung đường uốn cong và quấn quanh ngọn núi, luôn làm say mê dân đi phượt. Đi trên đèo Mã Pí Lèng, chỉ trong mấy giờ đồng hồ, tôi phải nhường đường cho gần 50 đoàn xe máy đi phượt, mỗi đoàn một vài chục xe chở đôi, ta có, Tây có, đi một đoạn, họ lại dừng chỗ rộng rãi để check-in.

Còn đèo Khau Phạ không hiểm trở bằng, có dáng dấp như một chiếc “sừng trời” nhô cao. Vượt qua con đèo, du khách sẽ có dịp săn ảnh những ruộng lúa bậc thang Mù Cang Chải mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng.

Trong chuyến đi, tôi có dịp vượt qua nhiều con đèo ở vùng núi phía Bắc mà mức độ hiểm trở còn dữ dội hơn các “đại danh đèo” trên: Đèo Gió (Bắc Kạn), đèo Khau Liêu (Cao Bằng), đèo Mẻ Pia (Cao Bằng),... Nhưng rất tiếc, các con đèo này không đủ chiều dài và độ cao cũng như không nằm ở những nơi “địa linh” được nhiều người quan tâm tìm tới.

Đèo Hải Vân, tại sao không?

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, hay đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ, cắt ngang dãy núi Bạch Mã - một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra biển, nằm trên Quốc lộ 1, là ranh giới tự nhiên giữa TP.Huế và TP.Đà Nẵng. Như đã nói, trong số các “đại danh đèo” đất Việt không có tên đèo Hải Vân, đơn giản vì đèo Hải Vân quá thấp (500m) và không quá dài (khoảng 20km).

Dù vậy, đèo Hải Vân có lợi thế đặc biệt là chạy ven biển Đông, được đánh giá là một trong những cung đường đèo ven biển đẹp nhất thế giới.

Đứng trên đèo, khách có thể thấy khá rõ TP.Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, cù lao Chàm,... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước biển trong xanh.

Đèo Hải Vân cũng gắn liền với quá trình mở cõi và đấu tranh giải phóng dân tộc, đi vào thơ ca nhạc họa. “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi” (lời bài hát Tàu anh qua núi).

Với cảnh quan đẹp đặc biệt ấy nên mặc dù từ năm 2005 đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, tạo thuận lợi cho việc đi lại nhưng đường đèo Hải Vân vẫn nhộn nhịp khách du lịch đến chiêm ngưỡng.

Vi Ô Lắc - “danh đèo” bị bỏ quên

Có một con đường dài khoảng 200km nối thành phố biển Quảng Ngãi với thành phố cao nguyên Kon Tum, trên con đường đó có con đèo dài 50km tên là Vi Ô Lắc, đặt theo tên buôn Vi Ô Lăk nằm gần bên đèo. Đèo Vi Ô Lắc bắt đầu từ ngã tư Thạch Trụ, thuộc huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi và kết thúc tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Con đèo cao 1.300m này không chỉ được xem là ranh giới giữa Quảng Ngãi và Kon Tum mà còn là điểm phân chia giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Thậm chí con đường ở phía tỉnh Quảng Ngãi còn lấy tên “Đường Đông Trường Sơn” gợi nhớ về đường Trường Sơn nổi tiếng trong chiến tranh.

Đèo Vi Ô Lắc thu hút nhiều dân phượt bởi đường lên đèo rất đẹp, càng lên cao khung cảnh càng hùng vĩ, cuốn hút, cung đường quanh co uốn lượn với các vách núi dựng đứng. Nhiều đoạn, hai bên đường là những thửa ruộng xanh mướt, đi qua cả những ngọn đồi phủ xanh cùng dòng sông dưới chân núi. Đèo Vi Ô Lắc còn đưa du khách từ vùng duyên hải miền Trung đến tham quan khu du lịch Măng Đen nổi tiếng.

Đường đèo Vi Ô Lắc

Đèo Vi Ô Lắc dài ngang với “đệ nhứt danh đèo” Ô Quy Hồ, dài hơn tất cả các “đại danh đèo” còn lại; cao hơn đèo Mã Pí Lèng. Trong cách nhìn của tôi, đèo Vi Ô Lắc hiểm trở chỉ thua đèo Mã Pí Lèng; đẹp chỉ thua đèo Hải Vân, đẹp hơn tất cả các đèo còn lại...

Có thể vì con đường qua đèo Vi Ô Lắc mới được khơi thông gần đây nên đèo chưa được nhiều người biết đến. Nhưng tôi tin, với những ưu thế vừa kể, cái tên Vi Ô Lắc sẽ sớm lọt vào nhóm “đại danh đèo” trên đất Việt!/.

  Vệt nắng xuyên Việt: Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La (Bài 5)

Vệt nắng xuyên Việt: Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La (Bài 5) 

Nếu hình dung miền Bắc nước ta như một bàn tay xòe thì khu vực “ngón cái” bao gồm 4 tỉnh miền núi: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La.

 

(còn tiếp)

Nguyễn Phấn Đấu

Bài cuối: Theo đường Hồ Chí Minh từ

Nguồn: https://baolongan.vn/vet-nang-xuyen-viet-tu-dai-danh-deo-dat-viet-bai-6--a195488.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm