62 tiến sĩ ứng tuyển, chỉ 27 người trúng tuyển

62 tiến sĩ, chủ yếu tốt nghiệp nước ngoài ứng tuyển về Đại học Quốc gia TPHCM giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học thành viên nhưng chỉ có 27 người được tuyển dụng. Tính đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã có 3 đợt tuyển dụng tiến sĩ theo chương trình VNU350.

Trong đó, đợt 1 (tháng 3/2024) có 33 tiến sĩ ứng tuyển, nhưng chỉ có 14 người trúng tuyển. Các Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế Luật, Trường ĐH An Giang mỗi trường có 2 người trúng tuyển; Trường ĐH Khoa học Sức khỏe có 4 người; Trường ĐH Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử mỗi nơi 1 người.

Đợt 2 (tháng 6/2024) có 20 tiến sĩ ứng tuyển, nhưng chỉ có 8 người trúng tuyển, trong đó Trường ĐH Khoa học Tự nhiên 5 người; Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Viện công nghệ nano mỗi nơi 1 người.

Đợt 3 (tháng 9/2024) có 9 tiến sĩ ứng tuyển nhưng chỉ có 5 người trúng tuyển, trong đó Trường ĐH Bách khoa 4 người, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử 1 người.

Đợt mới nhất 2025, có 39 tiến sĩ, trong đó có 37 người tốt nghiệp nước ngoài ứng tuyển, hiện chưa có kết quả.

Chương trình VNU350 của ĐH Quốc gia TPHCM quyết tâm thu hút 350 tiến sĩ về công tác. Đối với nhà khoa học trẻ, trong thời gian 2 năm đầu được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C, kinh phí tối đa 200 triệu đồng. Năm thứ ba, được cấp 1 đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Năm thứ tư, được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm, được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp nhà nước.

Đối với nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu, được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng, được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, được hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp… chưa kể các ưu đãi khác.

Chiêu mộ được tiến sĩ nổi tiếng

Sau 3 đợt ứng tuyển đầu tiên có 7 nhà khoa học tốt nghiệp từ các đại học top 100 thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Ranking 2025 về làm việc như: Viện Công nghệ California thứ 10, ĐH California Berkeley thứ 12, ĐH Quốc gia Seoul thứ 31, ĐH Carnegie Mellon thứ 58, Trường ĐH Paris – Saclay thứ 73 hay ĐH Osaka thứ 86.

Cấn Trần Thành Trung.jpeg
TS Cấn Trần Thành Trung - thủ khoa ĐH Duke, tiến sĩ Viện Công nghệ California (Mỹ) về nước giảng dạy và nghiên cứu. Ảnh: VNU

Nổi bật nhất trong số đó là tiến sĩ Cấn Trần Thành Trung - 1 học trò xuất sắc của TS Lê Bá Khánh Trình, tốt nghiệp Viện Công nghệ California (Mỹ) về làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

TS Cấn Trần Thành Trung sinh năm 1995, là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM). Thời học phổ thông, anh từng giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Colombia năm 2013. Sau khi học xong lớp 12, anh Trung nhận học bổng toàn phần tại Đại học Duke (Mỹ) - trường nằm trong top 10 bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ, theo US News 2024. Anh tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán năm 2018.  Sau đó, anh Trung làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Toán học ở Viện Công nghệ California (Mỹ). Theo bảng xếp hạng THE 2024, Viện Công nghệ California xếp thứ 7 các trường đại học tốt nhất thế giới. Còn theo xếp hạng của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - QS (Anh), Viện này xếp trong top 10 thế giới.

Trong 10 năm học tập tại Mỹ, anh Trung nhận thấy học sinh, sinh viên Việt Nam có tố chất và đam mê không kém bạn bè quốc tế nhưng lại thiếu cơ hội để phát triển từ sớm. 

“Từ năm 2015, Đại học Duke phát triển một chương trình nghiên cứu mùa hè về dữ liệu lớn cho sinh viên và nghiên cứu sinh, thu hút sự hợp tác đầu tư hàng triệu USD từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Chương trình này truyền được đam mê và kỹ năng nghiên cứu, đồng thời nuôi dưỡng thế hệ chuyên gia mới trong các lĩnh vực dữ liệu lớn. Hiện nay, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển bùng nổ kéo theo những khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao chưa bao giờ cấp thiết hơn. Việc ươm mầm các tài năng từ sớm như Đại học Duke, theo tôi, là vô giá”, tiến sĩ Trung nói.

Với mong muốn ươm mầm tài năng cho Việt Nam, năm 2016, TS Trung dùng học bổng của cá nhân cùng các sinh viên, nghiên cứu sinh và Trường ĐH Khoa học tự nhiên tổ chức trại hè nghiên cứu Toán học và ứng dụng PiMA.

Trong 8 năm qua, trại hè này đã mang những ứng dụng tiên tiến nhất trong học máy, khoa học dữ liệu và tin sinh học tiếp cận hàng trăm học sinh tài năng. Từ trại hè, nhiều người đã và đang theo đuổi nghiên cứu tại các đại học hàng đầu thế giới hoặc làm việc tại các công ty công nghệ lớn.

“Những thành công bước đầu này khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc về việc trở về lâu dài và đóng góp cho quê hương” - TS Trung bộc bạch.

Theo TS Trung, khi đứng trước lựa chọn tiếp tục sự nghiệp tại Mỹ hay trở về Việt Nam, anh biết đến Chương trình VNU350 của ĐH Quốc gia TPHCM - một sáng kiến thu hút và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc. Anh đã bị thuyết phục vì “đây chính là động lực bắt đầu và cũng là hoài bão mà tôi muốn thực hiện”. Vì vậy, vị tiến sĩ trẻ quyết định nộp đơn và được tuyển chọn làm giảng viên tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Không phải tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài nào cũng được tuyển dụng

Chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM cho hay, lý do khiến nhiều tiến sĩ không trúng tuyển là do họ chưa nắm rõ quy định tuyển dụng, một số ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển rồi xin rút vì chưa hoàn thành hợp đồng với cơ quan hiện tại, chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn. Mặt khác đơn vị tuyển dụng cũng rất nghiêm túc, quy trình tuyển chọn khoa học, không phải tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài nào về nước cũng được tuyển dụng.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vi-sao-62-tien-si-tot-nghiep-nuoc-ngoai-ve-nuoc-chi-27-nguoi-duoc-tuyen-dung-2405009.html