Công nhân Công ty Hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu (đóng tại xã Trảng Bom) trong giờ sản xuất. Ảnh: N.Hòa |
Đó là vấn đề được các sở, ngành, DN chia sẻ tại Hội thảo Cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, do Sở Nội vụ phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức mới đây.
Đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Theo Sở Nội vụ, Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quá trình thu hút đầu tư các DN trong và ngoài nước đã tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có tay nghề cao. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn thì tỉnh đối mặt với nhiều thách thức như: tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho các ngành công nghệ, công nghiệp hỗ trợ; thiếu sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường và DN.
Hiện các DN trên địa bàn tỉnh tuyển lao động tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, vận tải, logistics, thương mại điện tử… Về nhu cầu chất lượng, tăng cao nhu cầu lao động có kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là kỹ sư điện tử, điện, cơ khí, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin. Lao động có khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp cận nhanh với công nghệ mới.
Chia sẻ tại hội thảo, các DN cho biết, tỷ lệ lao động qua đào tạo có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất công việc còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật cao.
Theo ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường Trấn Biên), hiện vẫn tồn tại thực tế là có những chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của DN, lý thuyết nặng, thực hành ít. Ngoài ra, lao động chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, tác phong và kỷ luật lao động. Đây là thực trạng khiến các DN đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Ông Lê Đức Vinh cho biết thêm, lao động chất lượng cao đóng vai trò chủ chốt trong xu thế hiện nay, nhưng việc đào tạo nguồn lực tồn tại nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu.
“Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp, DN tăng lên và nhu cầu về nguồn lực cao hơn. Do đó, việc đào tạo nguồn lực cần mang tính đa ngành nghề, đào tạo chuyên môn xen kẽ ngoại ngữ chuyên ngành. Ngoài ra, trường học và DN cần kết nối để nắm bắt xu hướng ngành nghề hiện nay để có phương pháp đào tạo với tư duy mở nhằm đáp ứng nguồn lực trong tương lai” - ông Lê Đức Vinh chia sẻ.
Chị Trần Đặng Quỳnh Châu, Phó trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (đóng tại xã Nhơn Trạch), cho hay toàn công ty hiện có gần 4 ngàn lao động. Từ nay đến cuối năm 2025, DN dự kiến tuyển khoảng 1 ngàn lao động phục vụ sản xuất, trong đó khoảng 100 lao động kỹ thuật và biết tiếng Hoa. Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhân lực biết tiếng Hoa và có chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, người lao động thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo. Do đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề phù hợp nhu cầu công việc thực tế.
Nguồn nhân lực là tài sản quý để DN phát triển bền vững. Chỉ khi thực sự coi nguồn lực là trung tâm thì DN mới có thể phát triển vững chắc. Tại hội thảo, các DN cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục để xây dựng hệ sinh thái đào tạo, sử dụng lao động hiệu quả và bền vững.
Cần sự liên kết giữa trường học và doanh nghiệp
Trao đổi tại Hội thảo Cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và đại diện các DN, cơ sở giáo dục đã đóng góp ý kiến về định hướng công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp chiến lược, mô hình hiệu quả trong đào tạo, định hướng kết nối giữa DN và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo.
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (đóng tại phường Trấn Biên) Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ, tại nhà trường, mỗi năm có hơn 200 DN tham gia hợp tác đào tạo và đến nay có trên 1 ngàn DN. Các mô hình hợp tác như: đào tạo kép, tổ chức lớp học tại DN, đào tạo kỹ sư vi mạch, kỹ sư cơ điện tử, tự động hóa… Việc gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học với DN trở thành một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh kiến nghị cần thành lập hội đồng phát triển nguồn nhân lực cấp tỉnh, bao gồm đại diện Nhà nước, cơ sở giáo dục và DN với vai trò xây dựng định hướng dài hạn, điều phối chiến lược phát triển nhân lực trên cơ sở kết nối 3 bên. Nghiên cứu xây dựng các mô hình đào tạo có sự tương tác, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và DN phù hợp định hướng phát triển công nghệ cao; tăng cường cơ chế đặt hàng đào tạo theo từng ngành trọng điểm.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Miền Đông (phường Bình Phước) Bùi Đình Ninh cho hay, hạn chế của các cơ sở giáo dục hiện nay là việc tiếp cận thị trường lao động và kết nối giữa nhà trường với DN. Do đó, sau sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (cũ), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mong muốn tỉnh sẽ sớm phê duyệt chiến lược phát triển nhu cầu nguồn nhân lực và đẩy mạnh các sàn việc làm. Trên cơ sở đó, các trường nghề sẽ tiếp cận thông tin và kết nối với DN ngày càng nhiều hơn.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định sự phát triển bền vững của DN. Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động thời đại 4.0 và AI lên ngôi đòi hỏi người lao động không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN. Từ thực tế đó, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục và DN để đào tạo, kết nối lao động, đáp ứng nguồn lực và nhu cầu thị trường lao động hiện nay.
Nguyễn Hòa
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202507/vi-sao-doanh-nghiep-thieu-lao-dong-chat-luong-cao-0852caf/
Bình luận (0)