Theo ghi nhận từ hệ thống dữ liệu báo cáo mực nước tự động tại các hồ chứa thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đêm 22 đến rạng sáng 23-7, lưu lượng nước lũ đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở tỉnh Nghệ An lên nhanh “thần tốc”.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) báo cáo, vào lúc 2 giờ ngày 23-7, lưu lượng lũ đổ về hồ đã lên tới 12.800 m³/giây - vượt ngưỡng đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/giây, tương ứng với tần suất 0,02%, hay còn gọi là “lũ chu kỳ lặp lại 5.000 năm”.
Trước đó, đêm 22-7, lưu lượng lũ đổ về hồ tăng dần lên mức 9.543 m³/giây. Tại thời điểm này, thủy điện phải hạn chế xả để cắt lũ cho hạ du, nhưng sau đó phải mở tất cả 6 cửa tràn vào ngày 23-7 để đảm bảo an toàn công trình.

Cần hiểu đúng về trận lũ
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Hoàng Minh Tuyển, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và tài nguyên nước cho biết, đây là một khái niệm thủy văn, phản ánh tình trạng hiếm gặp. “Tần suất 5.000 năm” không phải có tính chu kỳ là 5.000 năm mới xuất hiện một lần mà là chỉ mức độ hiếm (khó) xảy ra.
Ông Tuyển dẫn ví dụ về xổ số kiến thiết để minh họa một cách dễ hiểu hơn về xác suất 1 lần trong 5.000 năm, tức là xác suất mỗi năm để trúng được giải độc đắc chỉ có 0,02%. Theo ông, đỉnh lũ lớn có tần suất 5.000 năm mới xuất hiện một lần, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong 5.000 năm, nhưng cũng có thể lặp lại nhiều lần trong 5.000 năm, giống như có thể nhiều lần trúng giải độc đắc.
TS Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và hải văn (Viện Khoa học khí tượng - thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng cho biết, khái niệm “lũ 5.000 năm” không có nghĩa là 5.000 năm mới xảy ra một lần. Đây là cách nói của giới chuyên môn dựa trên thống kê xác suất từ chuỗi số liệu mưa lũ trong quá khứ.
Trong thủy văn, tần suất lũ (ký hiệu P) là xác suất để xảy ra một trận lũ có lưu lượng bằng hoặc vượt quá một mức nhất định. Chu kỳ lặp lại (ký hiệu T) là số năm trung bình giữa hai trận lũ có độ lớn tương đương. Hai giá trị này liên hệ với nhau qua công thức: P = 1/T. Như vậy, lũ có chu kỳ lặp lại 5.000 năm nghĩa là P = 1/5.000 = 0,02%.
Theo ông Dũng, điều này có nghĩa xác suất để xảy ra một trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức này là 0,02% mỗi năm. “Không có gì đảm bảo rằng sau 5.000 năm mới xảy ra, hoặc trong 5.000 năm chỉ có một lần”, ông cho biết. Trên lý thuyết, vẫn có thể xảy ra hai trận lũ như vậy trong hai năm liên tiếp, dù xác suất cực kỳ nhỏ. Đây là thống kê xác suất chứ không phải quy luật thời gian.

Do đó, việc nói “lũ 5.000 năm” chỉ để diễn tả mức độ hiếm có và cực đoan của hiện tượng, thường được sử dụng trong thiết kế hồ chứa, đê điều, quy hoạch phòng chống thiên tai chứ không dùng để dự báo thời điểm cụ thể xảy ra lũ.
Trong thực tế, nếu tháng 8 có một đợt mưa tương đương tháng 7 và lưu lượng lũ đo được cũng đạt mức tương tự thì vẫn hoàn toàn có thể đánh giá là “lũ chu kỳ 5.000 năm” lần nữa, vì đó là cách gọi dựa vào xác suất thống kê chứ không phải mốc thời gian.
Không nên ngộ nhận là 5.000 năm mới có 1 lần
Ông Lương Hữu Dũng lưu ý, việc hiểu sai rằng “đã có một trận lũ 5.000 năm thì 5.000 năm nữa mới có trận tiếp theo” là ngộ nhận tai hại, có thể gây ra tâm lý chủ quan hoặc hoang mang không cần thiết.
Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi: “Lịch sử Việt Nam mới hơn 4.000 năm thì lấy gì mà tính được lũ 5.000 năm?”. Theo ông, đây là phương pháp nội suy từ các chuỗi số liệu dài và áp dụng các mô hình thống kê, không phụ thuộc vào mốc thời gian cụ thể trong lịch sử.
Trước thực tế biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện bất thường, Viện Khoa học khí tượng - thủy văn và biến đổi khí hậu đang triển khai đề tài nghiên cứu cấp quốc gia nhằm đánh giá khả năng chống chịu lũ của hệ thống đê điều trên lưu vực sông Hồng. Mục tiêu là xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn bằng học máy (machine learning - một nhánh của trí tuệ nhân tạo), đề xuất phương án điều tiết vận hành hồ chứa, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước mà vẫn đảm bảo an toàn phòng lũ.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và hải văn đề nghị truyền thông và các cơ quan chuyên môn cần hiểu đúng các khái niệm để không chủ quan nhưng cũng không hoảng loạn trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp.
Cập nhật dữ liệu đến 17 giờ ngày 23-7 từ hệ thống báo cáo mực nước thủy điện của EVN, mực nước thượng lưu tại hồ Bản Vẽ đã vượt mực nước dâng bình thường (đạt 200,44m) nhưng tổng lượng nước về hồ đã giảm còn hơn 3.800 m³/giây và tổng lưu lượng xả xuống hạ du ở thời điểm này là hơn 4.000 m³/giây.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/vi-sao-lai-goi-la-tran-lu-5000-nam-du-lich-su-moi-hon-4000-nam-post805116.html
Bình luận (0)