Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Viên nén gỗ: Chuẩn hóa sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu viên nén gỗ đạt hơn 3,9 triệu tấn, tương đương giá trị 564,77 triệu USD, tăng 33,3% về lượng và 38,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng, ngành viên nén đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là khả năng phát triển bền vững trong tương lai.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ11/07/2025

Viên nén gỗ: Chuẩn hóa sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường- Ảnh 1.

Yêu cầu khắt khe về chất lượng và tính bền vững từ thị trường xuất khẩu là thách thức không nhỏ với sản xuất viên nén Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhu cầu vẫn cao tại các thị trường chủ lực

Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành viên nén Việt Nam. Năm 2024, Nhật Bản chiếm 60% về lượng và 65% về giá trị, trong khi Hàn Quốc đóng góp 34% về lượng và 28% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân lần lượt đạt 144,3 USD/tấn tại Nhật Bản và 109,2 USD/tấn tại Hàn Quốc. Đáng chú ý, từ tháng 9/2024, giá viên nén sang Hàn Quốc tăng đáng kể do giá đấu thầu cải thiện và tình trạng khan hiếm nguyên liệu chế biến gỗ. Điều này cho thấy nhu cầu tại thị trường này vẫn duy trì ở mức cao, dù áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Sự phụ thuộc vào hai thị trường này mang lại lợi thế về khoảng cách địa lý và các chính sách ưu đãi năng lượng sinh khối, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi nhu cầu có thể biến động theo chính sách hoặc xu hướng năng lượng toàn cầu. Nửa đầu năm 2025, mức tăng trưởng hai con số cho thấy ngành viên nén đang tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu năng lượng tái tạo, đặc biệt khi các nước đẩy mạnh giảm phát thải.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends nhận định, dù đóng góp gần 1 tỷ USD mỗi năm vào kim ngạch xuất khẩu gỗ, ngành viên nén vẫn đối mặt với những rào cản nghiêm trọng. 

Thách thức đầu tiên là sự phụ thuộc vào nguồn cung thứ cấp từ ngành chế biến gỗ khác, thay vì có vùng nguyên liệu riêng. Điều này khiến sản xuất viên nén dễ bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ, giá phế phẩm và sự không ổn định của nguồn cung, đặc biệt khi nhu cầu tại Nhật Bản ngày càng lớn.

Thứ hai, chất lượng sản phẩm là vấn đề nóng. Dù các doanh nghiệp đã nỗ lực giảm tạp chất, dư lượng hóa chất và kim loại trong viên nén vẫn là trở ngại lớn, liên quan trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén Việt Nam, cho biết loại bỏ vỏ cây có thể đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt tại Nhật Bản, nhưng sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao, vượt xa giá xuất khẩu hiện tại (khoảng 144 USD/tấn), khiến doanh nghiệp khó duy trì hoạt động.

Thứ ba, các yêu cầu khắt khe về chất lượng và tính bền vững từ thị trường xuất khẩu là thách thức không nhỏ. Hàn Quốc gần đây siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, đẩy giá xuất khẩu lên, trong khi Nhật Bản đòi hỏi chứng chỉ FSC, PEFC và dần áp dụng chứng chỉ SBP về chuỗi cung phát thải thấp. Tương lai, Nhật Bản có thể noi gương EU với Quy định Chống mất rừng (EUDR), yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt, điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng đáp ứng.

Thứ tư, sự phụ thuộc vào Nhật Bản và Hàn Quốc là rủi ro lớn. Hai thị trường này chiếm gần 94-96% tổng lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng nếu chính sách thay đổi hoặc cạnh tranh gia tăng, ngành viên nén Việt Nam có thể rơi vào thế bị động. 

Cuối cùng, thiếu liên kết và chiến lược phát triển ngành là điểm yếu. Ngành hiện có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp lớn (chiếm 70% xuất khẩu) và các cơ sở nhỏ lẻ. Cạnh tranh khốc liệt về nguyên liệu và khách hàng, cùng tình trạng bán phá giá tại Hàn Quốc, đã khiến giá viên nén chạm đáy, gây thua lỗ cho nhiều doanh nghiệp.

Ngành viên nén Việt Nam không chỉ đối mặt với thách thức nội tại mà còn chịu áp lực từ các đối thủ mới như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Những nước này cung cấp viên nén với chất lượng cao hơn và giá cạnh tranh, đe dọa vị thế của Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong ngắn hạn, các hợp đồng dài hạn giúp doanh nghiệp Việt duy trì ổn định, nhưng dài hạn, nếu không cải thiện chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, ngành có thể mất lợi thế.

Tình trạng bán phá giá, đặc biệt tại Hàn Quốc, đã làm suy giảm uy tín ngành viên nén Việt Nam. Giá viên nén thấp hơn chi phí sản xuất trong năm 2023 đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, tạo tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn làm giảm giá trị viên nén Việt Nam so với các đối thủ khu vực.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhìn nhận, hiện nay, ngành Lâm nghiệp đang triển khai thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển các nhóm sản phẩm lâm sản chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, gồm các sản phẩm chủ yếu như: Sản phẩm đồ gỗ; ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF; viên nén gỗ, dăm gỗ …

Việc chế biến, sản xuất viên nén gỗ phù hợp với Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ từ các phụ phẩm của quá trình khai thác, chế biến lâm sản như: mùn cưa, cành, nhánh cây gỗ sau khai thác (phần còn lại không sử dụng để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm khác ngoài viên nén…) gia tăng giá trị sử dụng gỗ rừng trồng.

Năm 2024, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Lâm nghiệp giữa Cục Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm) và Cơ quan Lâm nghiệp Nhật Bản, trong đó có nội dung hợp tác về quản lý rừng bền vững, đảm bảo nguyên liệu gỗ và thương mại hợp pháp, do vậy việc sử dụng nguyên liệu sản xuất, chế biến viên nén gỗ phải đảm bảo từ nguồn nguyên liệu hợp pháp theo quy định của quốc gia.

TS. Tô Xuân Phúc đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung thứ cấp và đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp, bền vững. Một số doanh nghiệp tiên phong áp dụng chứng chỉ rừng nhóm hộ, hướng đến thị trường khó tính hơn, nhưng chi phí cao đòi hỏi đầu ra ổn định về giá và sức mua. Hệ sinh thái hợp tác giữa các doanh nghiệp, sử dụng chung nguồn nguyên liệu bền vững cho nhiều sản phẩm, là hướng đi khả thi.

Về mặt vĩ mô, cần có chính sách hỗ trợ như quy hoạch ngành viên nén trong hệ sinh thái gỗ, ưu đãi năng lượng sinh khối vàkiểm soát cạnh tranh không lành mạnh. Điều này sẽ tạo môi trường phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả cả trong nước và quốc tế. Việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu vàđa dạng hóa thị trường ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc (như EU) là bước đi chiến lược để ngành viên nén khẳng định vị thế.

Đỗ Hương


Nguồn: https://baochinhphu.vn/vien-nen-go-chuan-hoa-san-xuat-de-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-102250711140753036.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm