Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” theo Quy định chống phá rừng của EU

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố hệ thống phân loại quốc gia theo mức độ rủi ro trong khuôn khổ Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp”.

Thời ĐạiThời Đại23/05/2025

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU khẳng định, việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” là thành quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, đặc biệt thông qua Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT) cũng như các sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của EC, các quốc gia thuộc nhóm “rủi ro thấp” sẽ được áp dụng quy trình kiểm soát đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và xuất khẩu. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành nông - lâm sản của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể gánh nặng về thủ tục và chi phí tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Ma Bó, thuộc xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, thực hiện chăm sóc rừng trồng trên địa bàn
Cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Ma Bó (xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thực hiện chăm sóc rừng trồng trên địa bàn. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Quy định EUDR dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng toàn cầu thông qua kiểm soát các chuỗi cung ứng sản phẩm như gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su, thịt bò và các sản phẩm phái sinh như da, sô-cô-la, đồ nội thất. Theo đó, EC chỉ xếp 4 quốc gia vào nhóm “rủi ro cao” gồm Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga. Các quốc gia như Brazil, Indonesia được liệt vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn” và áp dụng mức kiểm soát trung bình.

EC cũng đưa ra một loạt điều chỉnh nhằm giảm tải hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện EUDR hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp lớn sẽ được phép tái sử dụng các bản kê khai thẩm định đã nộp trước đó khi tái nhập khẩu hàng hóa vào EU. Các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và hỏi đáp thường gặp cũng đã được công bố từ ngày 15/4 để hỗ trợ quá trình chuẩn bị tuân thủ của các bên liên quan.

Trong năm 2024, EC đã tổ chức hơn 300 cuộc họp, 50 hội thảo trực tuyến và biên soạn tài liệu đào tạo bằng 50 ngôn ngữ để hỗ trợ các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, EC cũng tăng ngân sách cho sáng kiến “Team Europe” lên 86 triệu euro nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang chuỗi cung ứng hợp pháp, bền vững và không gây phá rừng. EC nhấn mạnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chính phủ và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện EUDR, bảo đảm việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm không trở thành rào cản đối với thương mại hợp pháp và phát triển kinh tế bền vững.

Nguồn: https://thoidai.com.vn/viet-nam-duoc-xep-vao-nhom-rui-ro-thap-theo-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-eu-213741.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm