Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam - Nepal: sẽ tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững

Ngày 15/5/1975, Việt Nam và Nepal chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trải qua 50 năm, quan hệ Việt Nam - Nepal tiếp tục được củng cố và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực...

Thời ĐạiThời Đại07/05/2025

Việt Nam và Nepal có nhiều nét tương đồng về phong tục tập quán và lịch sử phát triển. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nepal đã thể hiện tình cảm đoàn kết sâu sắc, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam. Quốc hội Nepal từng ra nghị quyết lên án hành động ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ; ủng hộ Chính phủ Cách mạnh lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trở thành thành viên Phong trào Không liên kết.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Nepal có bước phát triển tích cực. Việt Nam xuất khẩu sang Nepal các mặt hàng như hạt tiêu, chất dẻo, nước uống đóng chai… và nhập khẩu hàng dệt may, da giày, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ từ Nepal.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, giai đoạn 2012-2017, thương mại hai chiều tăng 400% (từ 9,35 triệu USD lên 47 triệu USD), dù quy mô vẫn còn khiêm tốn.

Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch và trao đổi đoàn vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Dù các chuyến thăm trao đổi cấp cao chưa nhiều, hai bên vẫn duy trì hợp tác kênh đảng, trao đổi đoàn cấp bộ và địa phương. Nepal đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (tháng 10/2014), ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (tháng 11/2013), ECOSOC (2016-2018) và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2020-2021). Việt Nam cũng ủng hộ Nepal ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2018-2020).

Một dấu mốc quan trọng là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tháng 5/2019. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Nepal kể từ năm 1975. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh thương mại, đầu tư, văn hoá, đặc biệt là du lịch - khuyến khích du khách Việt Nam đến Lumbini, dãy Everest của Nepal và du khách Nepal đến các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.

Dịp này, hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ; Thỏa thuận thiết lập cơ chế tham vấn song phương giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam; Ý định thư về thỏa thuận hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nepal. Thủ tướng Nepal cũng dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 tại Việt Nam.

Việc mở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nepal và thành lập Tổng hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal ngày 23/10/2016 là những bước đi tích cực, tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Phía Nepal bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nepal, nhất là trên các lĩnh vực: thuỷ điện, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp. Đồng thời, Nepal đề nghị mở đường bay thẳng giữa hai nước và sớm ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Tháng 5/2023, Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal do Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội dẫn đầu thăm Nepal và tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Nepal Ganesh Prasad Timilsina. Ông Ganesh Prasad Timilsina đánh giá Việt Nam không chỉ là nguồn cảm hứng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ông đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; mở đại sứ quán của hai nước tại Việt Nam và Nepal; mở đường bay thẳng Việt Nam - Nepal để các Phật tử và nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Nepal có điều kiện thăm đất nước của nhau, tạo nền tảng cho tăng cường hợp tác các lĩnh vực giữa hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Nepal Ganesh Prasad Timilsina chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal, ngày 8/5/2023. (Ảnh: Đức Minh)
Chủ tịch Quốc hội Nepal Ganesh Prasad Timilsina (thứ năm từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal, ngày 8/5/2023. (Ảnh: Đức Minh)

Chủ tịch Quốc hội Nepal kỳ vọng Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal phát huy vai trò cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hai nước. Việc thành lập Hội được coi là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết giữa hai dân tộc.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, nhận lời mời của Bộ trưởng Tài chính Nepal Barsa Man Pun, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Nguyễn Thanh Hải đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Nepal lần thứ 3 được tổ chức tại thủ đô Kathmandu từ ngày 28-29/4. Tại đây, Phó Tổng thống Nepal Ram Sahaya Yadav đánh giá cao vai trò của Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal và Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nepal trong thúc đẩy giao lưu nhân dân, ngoại giao nghị viện và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tháng 12/2023 đoàn đại biểu Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal (NPSC) do ông Rabindra Adhikari, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist thống nhất (CPN-UML), Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi thông tin; thảo luận các phương án, hoạt động hợp tác cụ thể để tăng cường giao lưu nhân dân Việt Nam – Nepal.

Để tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nepal, theo tôi, cần chú trọng một số nội dung: Tăng cường thông tin về tình hình và tiền năng hợp tác song phương trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế về quan hệ hai nước... Đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp; triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh. Tổ chức triển lãm về kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa hai nước. Hỗ trợ mở đường bay thẳng Hà Nội - Kathmandu - Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch. Xúc tiến lập đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước.

Với nền tảng 50 năm quan hệ hữu nghị, cùng quyết tâm và nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Nepal hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Nguồn: https://thoidai.com.vn/viet-nam-nepal-se-tiep-tuc-phat-trien-thuc-chat-hieu-qua-va-ben-vung-213230.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm