Sự kiện do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Tổ chức Tàu Hòa bình (Peace Boat) cùng hai tổ chức từng được trao giải Nobel Hòa bình là Liên đoàn Nihon Hidankyo và Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) phối hợp tổ chức.
Chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” diễn ra trên Tàu Hòa bình tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tham dự sự kiện có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch VUFO, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; bà Kuramori Terumi, người sống sót sau thảm họa hạt nhân tại Nagasaki, đại diện tổ chức Nihon Hidankyo; ông Kawasaki Akira, Chủ tịch ICAN; và ông Lee Jae Young, Giám đốc điều hành Viện Xây dựng Hòa bình Khu vực Đông Bắc Á (NARPI).
Hòa bình bắt đầu từ những điều giản dị
Tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: hòa bình không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh; mà đó còn là sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người, là trạng thái thanh thản trong tâm trí từng cá nhân, là hành động có trách nhiệm và tư duy tích cực của toàn xã hội. Hòa bình là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc, tự do khỏi sợ hãi, nghèo đói và hận thù.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch VUFO, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam (phải) tại chương trình giao lưu. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chia sẻ một trong những ký ức đáng nhớ nhất trong sự nghiệp ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhắc đến quá trình đàm phán và thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân trong vai trò Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 10 phê chuẩn hiệp ước này. Theo bà, hiện thực hóa một thế giới không còn vũ khí hạt nhân là hành trình nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Tại sự kiện, các diễn giả quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần kiên cường của nhân dân Việt Nam, khẳng định chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của dân tộc Việt Nam mà còn là biểu tượng của phong trào hòa bình và giải phóng dân tộc toàn cầu. Các diễn giả quốc tế cũng nhấn mạnh ý nghĩa của hòa bình trong bối cảnh hiện nay.
Bà Kuramori Terumi, người sống sót sau thảm họa hạt nhân tại Nagasaki, đại diện tổ chức Nihon Hidankyo. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Bà Kuramori Terumi, nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki (Nhật Bản) chia sẻ câu chuyện về những mất mát của gia đình bà sau thảm họa. “Từ tận đáy lòng mình, tôi tin rằng được sống bên gia đình, có sức khỏe, có những nụ cười bình dị mỗi ngày chính là hòa bình đích thực. Hòa bình không phải điều gì xa vời, mà chính là cuộc sống thường nhật ta đang có, điều mà đôi khi ta xem là hiển nhiên. Đó là điều tôi đã nghiệm ra trong suốt 81 năm cuộc đời mình”, bà nói.
Ông Kawasaki Akira, Chủ tịch ICAN. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chủ tịch ICAN Kawasaki Akira nhắc lại nguyên lý sáng lập Tổ chức Tàu Hòa bình: học hỏi từ chiến tranh để kiến tạo hòa bình cho tương lai. Chuyến hành trình trên đại dương là một thông điệp biểu tượng cho hòa bình, bởi trên đại dương không có biên giới.
Ông cho rằng những thể chế đa phương và các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ông Kawasaki Akira đánh giá cao chính sách không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và tinh thần hợp tác, đoàn kết của Việt Nam.
Ông Lee Jae Young, Giám đốc điều hành NARPI (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trong khi đó, ông Lee Jae Young, Giám đốc điều hành NARPI khẳng định: hòa bình không thể tách rời công lý. Ông cho rằng, cách duy nhất để đạt được hòa bình là thông qua những phương pháp hòa bình. “Tôi tin rằng hòa bình là một sự lựa chọn và mỗi người đều có thể chọn con đường ấy, ngay từ cấp độ cá nhân”, ông nói.
Kiến tạo hòa bình bằng kết nối và sẻ chia
Tại chương trình, các diễn giả đã truyền đi những thông điệp dành cho thế hệ tương lai, khơi gợi tinh thần trách nhiệm và khát vọng xây dựng một thế giới hòa bình, bền vững.
Bà Kuramori Terumi kêu gọi giới trẻ hãy lắng nghe những lời kể chân thực từ các Hibakusha - những người đã trực tiếp trải qua thảm họa hạt nhân, để hiểu rõ hơn về nỗi đau mà vũ khí hủy diệt hàng loạt gây ra. “Đừng chỉ nhìn vào những con số vô cảm. Hãy lắng nghe từng câu chuyện, cảm nhận bằng trái tim và lan tỏa thông điệp ấy”, bà nói.
Chủ tịch ICAN Kawasaki Akira đề xuất tăng cường các thiết chế, luật lệ và văn hóa hòa bình để làm nền tảng cho ổn định lâu dài. Theo ông, trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực, đối thoại và hòa giải cần được đặt ở vị trí trung tâm.
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu quốc tế trên Tàu Hòa bình và các đoàn viên của Đoàn Thanh niên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Giám đốc điều hành NARPI Lee Jae Young cho rằng châu Á, với nền tảng văn hóa đề cao cộng đồng và sự kết nối giữa con người, có nhiều điều kiện để vun đắp hòa bình. Ông kêu gọi các nhà giáo dục, các tổ chức và cá nhân mở rộng không gian đối thoại để thế hệ trẻ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, lan tỏa giá trị của hòa bình trong tương lai.
Bên cạnh đó, các đại biểu khẳng định cần tiếp tục phát huy vai trò của thế hệ trẻ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Các diễn giả quốc tế cũng đánh giá cao vai trò của VUFO trong việc kết nối nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về hòa bình. Các diễn giả đồng thời khẳng định, chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” là sự kiện có ý nghĩa, thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc và góp tiếng nói chung trong nỗ lực vì hòa bình.
Câu chuyện về nghị lực Việt Nam trên con Tàu Hòa bình
Tại chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, chị Vương Thị Quyên - một nạn nhân chất độc da cam, đã khiến không gian trên Tàu Hòa bình lặng đi khi kể về cuộc đời của mình. Câu chuyện của chị đã lay động trái tim của các diễn giả và đại biểu quốc tế. Chị Quyên sinh ra tại mảnh đất Quảng Bình, tuổi thơ tưởng chừng yên bình như bao đứa trẻ. Thế nhưng, ở tuổi lên chín, chị được chẩn đoán bị u gù, cong vẹo cột sống bẩm sinh, hậu quả từ chất độc da cam mà cha chị nhiễm phải trong những năm tháng chiến đấu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nơi từng bị quân đội Mỹ rải dioxin. Không chỉ mang nỗi đau thể xác, chị còn phải đối mặt với sự kỳ thị vì ngoại hình khác biệt. Nhưng thay vì trốn tránh, chị chọn con đường học tập và vươn lên. Với tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường, chị giành được học bổng ngành báo chí - truyền thông tại Đại học NILM (Ấn Độ) và tốt nghiệp loại giỏi. Sau khi trở về, chị Quyên dành trọn tâm huyết để phục vụ cộng đồng, làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tại đây, chị gặp những con người “còn đau đớn hơn mình rất nhiều”, và từ đó càng thêm gắn bó với hành trình lan tỏa yêu thương, đồng hành cùng những số phận thiệt thòi. “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương thể xác và tinh thần thì vẫn còn đó. Tôi chỉ mong thế hệ mai sau không phải chứng kiến thêm cảnh chia ly, mất mát nào nữa. Hãy cùng nhau xây dựng một thế giới nơi mỗi người được sống đúng nghĩa là một con người,” chị gửi gắm. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-tu-ky-uc-den-khat-vong-tuong-lai-213145.html
Bình luận (0)