Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - 573 nhãn hiệu sữa bột cho người bị tiểu đường, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai... bị Bộ Công an phát hiện có chất lượng đạt dưới 70% mức công bố. Vậy cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm?

Báo Dân tríBáo Dân trí16/04/2025

Sữa giả tung hoành thị trường: Trong gần 4 năm, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1
Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 2

(Ảnh chụp màn hình từ clip quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group)

Ngoài 2 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác để thành lập thêm 9 công ty, với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.

Theo cơ quan chức năng, đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Các đối tượng khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Trong khoảng 4 năm, cơ quan chức năng xác định doanh thu từ việc bán các hộp sữa trên là gần 500 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa sản phẩm sữa đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi. Các sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng hầu hết tập trung vào nhóm sản phẩm dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền...

Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sữa giả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh nền...

Sữa giả không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền.

Sữa giả không đảm bảo chất lượng có thể chứa các thành phần độc hại, gây nên ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, khiến người tiêu dùng đối mặt với các vấn đề sức khỏe dài hạn.

Câu hỏi bỏ ngỏ: Cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý trực tiếp các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Theo quy định của pháp luật hiện hành, không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 doanh nghiệp này.

Theo ông, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 3
Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 4
Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 5

Trong gần 4 năm, các đối tượng đã thu lợi bất chính 500 tỷ đồng (Ảnh: VTV).

Liên quan đến việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, quy trình này được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 - quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố, riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Cũng theo cục, các quy định hiện hành đã gắn rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến lưu thông sản phẩm.

Về xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể; đồng thời làm rõ vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, hàng năm, Bộ Y tế đều ban hành kế hoạch hậu kiểm trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch riêng, trong đó tập trung vào xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, một công cụ pháp lý được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả thực phẩm giả, không an toàn.

Làm thế nào để kiểm soát chặt sữa công thức dành cho trẻ nhỏ, người già?

Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 6
Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả: Trách nhiệm thuộc về ai? - 7

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung) trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.

Trong thời gian qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh mới trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, Bộ Y tế cho rằng cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát toàn diện hơn chất lượng thực phẩm.

Vì thế, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm.

Điều này nhằm kiểm soát, nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng, và kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố; tự công bố sản phẩm...

Trong dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, Bộ Y tế cũng đề xuất áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn với sữa, thực phẩm bổ sung.

Theo Bộ Y tế, đối với các quy định về hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới bắt buộc áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Một số nhóm sản phẩm thực phẩm có mức độ rủi ro cao về an toàn thực phẩm đối với người sử dụng như: Thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung (sữa công thức dành cho trẻ nhỏ, người già)… hiện vẫn chỉ phải áp dụng "Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm" như hầu hết các nhóm sản phẩm thực phẩm thông thường khác.

Giống như các cơ sở kinh doanh thực phẩm, những cơ sở nhập khẩu các nhóm thực phẩm có mức độ rủi ro cao nêu trên hiện nay "không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm". Quy định này gây khó khăn cho công tác hậu kiểm, nhất là yêu cầu truy xuất đối với hàng hóa nhập khẩu.

Vì thế, Bộ Y tế đề xuất bắt buộc áp dụng HACCP (Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn) hoặc ISO 22000 hoặc tương đương đối với Thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; thực phẩm bổ sung (trong đó bao gồm sữa).

Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường công tác hậu kiểm.

Cụ thể, cục yêu cầu tăng cường hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em...

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra về hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo… phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-gan-600-san-pham-sua-gia-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-20250415184523527.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm