Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vụ lùm xùm tại cảng Phú Thái (Kim Thành): Doanh nghiệp chiếm dụng đất trái phép

Được UBND huyện Kim Thành (Hải Dương) giao tổng cộng 46.764 m2 đất để thực hiện dự án, trong đó có 16.096 m2 đất cho thuê nhưng thực tế ông Đặng Đức Chúc đang sử dụng 79.937 m2 đất.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương12/05/2025

anh cang phu thai 1
Cảng Phú Thái rộng gần 80.000 m2 được giao cho 3 đơn vị thuê đầu tư kinh doanh. Ảnh: VĂN TUẤN

Diện tích tăng do đâu?

Cảng Phú Thái nằm ở bãi ngoài đê phía hữu sông Kinh Môn, từ phía đông cầu An Thái kéo dài xuống phía hạ lưu thuộc địa phận thị trấn Phú Thái (Kim Thành). Theo hồ sơ tài liệu chúng tôi có được, trước khi được chấp thuận cho phép lập dự án trung chuyển vật liệu, bến bãi, cầu cảng, nơi đây được một số hộ dân ở huyện Kim Thành nhận thuê khoán của UBND thị trấn Phú Thái để sản xuất gạch nung.

Đầu những năm 2000, ông Đặng Đức Chúc ở thị trấn Phú Thái nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các ông Lê Quang Tùng, Đỗ Văn Thiện và Nguyễn Văn Vinh đang nhận thuê khoán với tổng diện tích 22.579 m2, giáp cầu An Thái. Tháng 2/2003, ông Chúc đề nghị UBND huyện Kim Thành cho thuê 44.000 m2 đất (đã bao gồm diện tích đất ông Chúc nhận chuyển nhượng) để lập mặt bằng trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền. Sau này, ông Chúc xin lập Dự án Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy trên diện tích này.

UBND huyện Kim Thành có quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 15/12/2003 thu hồi 46.764 m2 đất ở vị trí trên, chuyển mục đích sử dụng sang thuê đất làm dự án, giao đất cho ông Chúc thực hiện dự án. Trong tổng số diện tích trên, có 16.096 m2 đất ông Chúc thuê làm dự án, 2.762 m2 làm đường giao thông nội bộ, 27.906 m2 thuộc hành lang cầu, đê và sông được tạm giao cho ông Chúc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật bảo vệ hành lang các loại công trình chuyên ngành.

Sau khi được giao đất, ông Chúc ủy quyền cho con trai là ông Đặng Hùng Thắng, Giám đốc Xí nghiệp tư nhân cơ khí Thắng Lợi (nay là Công ty TNHH Cơ khí Thắng Lợi) san lấp mặt bằng, xây dựng âu thuyền, triền đà, trụ sở làm việc, phương tiện, tuyển dụng lao động... Năm 2008, ông Chúc tiếp tục ủy quyền cho ông Thắng đứng tên ký kết các văn bản giao dịch với đối tác liên quan đến dự án trên và dự án Cảng thủy nội địa Phú Thái nằm bên trong dự án đồng thời trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực Cảng Phú Thái đến nay.

Tiếp giáp phần đất ông Chúc về phía hạ lưu sông Kinh Môn là 11.800 m2 đất của ông Vũ Văn Chính được UBND thị trấn Phú Thái cho thuê khoán sản xuất gạch nung. Năm 2007, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại Thế Anh (gọi tắt là Công ty Thế Anh) nhận chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích đất của ông Chính. Sau đó, công ty lập dự án xin chuyển mục đích sử dụng sang đất làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh cầu cảng trên diện tích 12.404 m2 (đã bao gồm diện tích nhận chuyển nhượng từ ông Chính). Ngày 16/12/2008, UBND tỉnh có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Thế Anh thuê thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau 17 năm, việc bàn giao đất thực địa cho Công ty Thế Anh không thực hiện được do sự phản đối từ phía doanh nghiệp của ông Chúc. Đến ngày 18/4 vừa qua, UBND thị trấn Phú Thái mới hoàn thành việc giải tỏa mặt bằng và xác định mốc giới giữa Công ty Thế Anh và Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy của ông Chúc.

Tiếp giáp phần đất của Công ty Thế Anh về phía bờ sông Kinh Môn còn 3.070 m2 đất công do UBND thị trấn Phú Thái quản lý. Phía cuối khu vực Cảng Phú Thái có hơn 1.000 m2 đất do Hợp tác xã Hồng Hà quản lý. Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy của ông Chúc làm toàn bộ đường giao thông nội bộ bao quanh Cảng Phú Thái. Đường vào Cảng Phú Thái có 2 lối: Từ chân cầu An Thái đi vào cơ sở của ông Chúc và từ đê sông Kinh Môn đi vào Hợp tác xã Hồng Hà. Hợp tác xã Hồng Hà có hợp tác kinh doanh với Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy của ông Chúc.

Theo kết quả đo đạc do Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện năm 2018 cho thấy diện tích hiện trạng đất dự án và khu vực Cảng Phú Thái rộng 79.937 m2, gồm: 16.096 m2 do ông Chúc thuê thực hiện dự án, 24.292 m2 đất thuộc hành lang đường bộ, 13.185 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ đê, 8.380 m2 đất thuộc hành lang bảo vệ bờ sông, 12.404 m2 Công ty Thế Anh thuê, 3.070 m2 đất công do UBND thị trấn Phú Thái quản lý, 2.510 m2 thuộc đất đường giao thông nội bộ và của Hợp tác xã Hồng Hà. Như vậy, thực tế Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy của ông Chúc đang sử dụng diện tích đất lớn hơn rất nhiều so với tổng diện tích đất được thuê, đất hợp tác kinh doanh với Hợp tác xã Hồng Hà, đất bảo vệ hành lang cầu, đê, sông được chính quyền tạm giao cho ông Chúc.

Đâu là nguyên nhân?

anh cang phu thai 2
Một doanh nghiệp thuê mặt bằng do cơ sở của ông Chúc đang chiếm dụng trái phép của Công ty Thế Anh để tập kết than

Sự việc lùm xùm kéo dài cả chục năm qua đến nay vẫn chưa giải quyết xong có trách nhiệm từ một số sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương, UBND huyện Kim Thành và UBND thị trấn Phú Thái. Theo quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 15/12/2003 của UBND huyện Kim Thành, ông Đặng Đức Chúc chỉ thuê 16.096 m2 đất làm Dự án Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy, phía bắc giáp sông Kinh Môn, phía tây giáp cầu An Thái, phía nam giáp đê hữu Kinh Môn, phía đông giáp phần đất của ông Vũ Văn Chính và phần đất do UBND thị trấn Phú Thái quản lý.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/1/2004, cho phép ông Đặng Đức Chúc lập mặt bằng thực hiện dự án từ km16 + 150 đến km16 + 450, tương đương gần như toàn bộ Cảng Phú Thái hiện nay, bao trùm cả phần đất của ông Vũ Văn Chính (sau này được chuyển nhượng cho Công ty Thế Anh), đất của UBND thị trấn Phú Thái quản lý và đất của Hợp tác xã Hồng Hà.

Mặc dù không được giao đất nhưng khi có quyết định số 162, ông Đặng Hùng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thắng Lợi - người được ủy quyền từ ông Chúc lập hồ sơ xin cấp phép lập cảng thủy nội địa. Tháng 8/2008, Cục Đường sông Việt Nam (sau đó là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) công bố Cảng nội địa Phú Thái với phần cảng kéo dài 300 m như quyết định số 162.

Để giao đất cho Công ty Thế Anh, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định số 4778/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 12.404 m2 đất cho doanh nghiệp này. Diện tích đất này tương ứng từ km16 + 375 đến km16 + 450 đê hữu sông Kinh Môn, nghĩa là chồng lấn 75 m với dự án của ông Chúc theo quyết định số 162. Thời điểm đó, Cảng thủy nội địa Phú Thái đã được công bố và thuộc quyền quản lý, khai thác của ông Chúc.

Vụ việc này còn có trách nhiệm của ông Đặng Hùng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thắng Lợi - người được ông Đặng Đức Chúc ủy quyền thực hiện một số hoạt động của Cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy khi lập hồ sơ xin cấp phép cảng thủy nội địa. Dù không được giao phần đất của ông Vũ Văn Chính, đất do UBND thị trấn Phú Thái quản lý nhưng ông Thắng vẫn lập hồ sơ trên cơ sở quyết định 162 để xin cấp phép Cảng thủy nội địa Phú Thái, qua đó chiếm dụng trái phép phần đất trên trong nhiều năm qua.

SỸ THẮNG - HÀ VY

Nguồn: https://baohaiduong.vn/vu-lum-xum-tai-cang-phu-thai-kim-thanh-doanh-nghiep-chiem-dung-dat-trai-phep-411393.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm