Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững
ĐTM một mùa nắng cháy, một mùa nước dâng, khí hậu khắc nghiệt, đất đai chua phèn, giờ chỉ còn là ký ức. Vùng đất chua phèn ngày nào giờ đã trở thành những “vựa vàng” trù phú và tiếp tục vươn mình phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển đúng theo quy hoạch đã định hướng đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và hơn hết là ý thức trách nhiệm, sự đồng lòng của mỗi người dân nơi đây. Hành trình kiến tạo một tương lai tươi sáng cho ĐTM vẫn tiếp diễn...
Bài học từ sự phá vỡ quy hoạch
Việc người dân ồ ạt “xé rào” quy hoạch, tự phát chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ giữa vùng nước ngọt ĐTM là vấn đề “nóng”. Từ diện tích nhỏ, lẻ ban đầu, đến nay, “cơn sốt” nuôi tôm đã lan rộng, nâng tổng diện tích nuôi lên hơn 500ha với hơn 1.400 ao. Thế nhưng, qua quá trình rà soát của các cấp, các ngành, có đến 70% hộ nuôi tôm đang bị thua lỗ, chỉ 30% còn lại có lợi nhuận nhưng không cao. Đến nay, có đến 1/2 số ao nuôi tôm đã rơi vào tình trạng “treo ao”, bỏ hoang cho thấy sự thiếu bền vững và rủi ro cao của mô hình tự phát này.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 mở ra hướng đi mới cho người dân vùng Đồng Tháp Mười
Từ những con số trên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc tự phát để nuôi tôm nước lợ đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Đó không chỉ là sự phá vỡ quy hoạch tổng thể của vùng mà còn kéo theo hàng loạt vấn đề khác như ô nhiễm môi trường nước và đất do chất thải nuôi tôm hay như tình trạng mặn hóa vùng nước ngọt vốn dành cho trồng lúa, nguy cơ ngộ độc hữu cơ ngày càng gia tăng và sự bùng phát khó kiểm soát của các loại dịch bệnh trên tôm,...
Điều đáng báo động hơn cả là các ao nuôi tôm trái phép đã lấn sâu vào những vùng lúa chất lượng cao, có thể gây thiệt hại nặng nề cho người trồng lúa.
Ông Võ Văn Hùng (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) tiếc nuối: “Nghe người ta nói nuôi tôm có lợi nhuận gấp mấy lần trồng lúa, tôi liền đào ao, lấy nước mặn vào để nuôi. Ai ngờ nuôi mấy vụ liền, vụ nào cũng lỗ, nợ nần chồng chất đến mấy trăm triệu đồng. Giờ muốn quay lại trồng lúa như trước cũng không được!”.
Chuyện về con tôm nước lợ tự phát ở ĐTM dường như vẫn chưa có hồi kết bởi lẽ vẫn còn nhiều nông dân nóng vội, không tìm hiểu kỹ quy hoạch và tính đặc thù của từng vùng. Còn nhớ, trước “cơn sốt” tôm nước lợ, đã có thời điểm, nhà nhà, người người đổ xô đào ao ươm cá tra bột với giấc mơ nhanh chóng đổi đời. Chính sự phát triển ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng nguồn cung cá tra giống vượt xa nhu cầu thực tế. Và rồi khi giá cá tra thương phẩm trên thị trường sụt giảm, nghề ươm cá tra bột cũng theo đó mà lụi tàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều hộ phải san lấp ao, quay trở lại với cây lúa truyền thống. Thậm chí, có không ít hộ vì không còn đủ khả năng san lấp đành phải bán cả đất để trang trải nợ nần, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.
Cũng như bao nông dân khác đã từng vướng vào “vết xe đổ” của câu chuyện “xé rào” ở ĐTM, ông Bùi Văn Sơn (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) nhớ lại: “Hồi đó, nhà tôi có 5.000m2 đất trồng lúa, thấy người ta ươm cá tra bột có lợi nhuận gấp 20 lần trồng lúa nên làm theo. Một, hai vụ đầu có lợi nhuận thật nhưng đến vụ thứ ba trở về sau toàn thua lỗ. Lỗ quá, không còn vốn, tôi vay ngân hàng với hy vọng sẽ “gỡ” lại, ai có dè lại tiếp tục thua lỗ nên phải bán luôn đất để trả nợ, hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống”.
Theo nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Nguyễn Thanh Tùng, nuôi tôm nước lợ giữa vùng nước ngọt rất nguy hiểm, nước mặn sẽ thẩm thấu ra các vùng lân cận. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa bởi khi có độ mặn, xảy ra tình trạng lúa lép nhiều.
Trường hợp đất đã đào ao nuôi tôm rất khó để trở lại trồng lúa, cần thời gian cải tạo nhiều năm. Riêng đối với diện tích đào ao ươm cá tra bột thì cải tạo dễ hơn nuôi tôm thẻ chân trắng bởi người dân chỉ cần lấp ao, bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nuôi lại các vi khuẩn trong đất nhưng phải vài năm sau năng suất mới trở lại bình thường.
Hướng đến phát triển bền vững
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, thời gian qua, vùng ĐTM của tỉnh được triển khai nhiều chương trình, dự án: Lấp kín vùng ĐTM; Dân sinh vùng lũ lụt;... và gần đây nhất là Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cây lúa; Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng ĐTM; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;...
Đồng Tháp Mười hôm nay là nơi phát triển của nhiều loại cây ăn quả, mang về thu nhập ổn định cho người dân
Mục tiêu xuyên suốt của các chương trình, đề án này là chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân từ lối canh tác truyền thống, manh mún sang ứng dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị nông sản địa phương, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân - bà Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được thực hiện tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2024-2025 tập trung thực hiện đạt 60.000ha canh tác lúa thuộc vùng Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt VnSAT) và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; giai đoạn 2 tiếp tục mở rộng đạt 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở tỉnh.
Sau thời gian thực hiện, đến tháng 3/2025, tỉnh chủ trì triển khai hoàn thành 8 mô hình điểm với tổng diện tích hơn 121ha. Ngoài mô hình điểm của tỉnh, các địa phương trong vùng cũng chủ trì triển khai được 5 mô hình điểm với tổng diện tích hơn 146ha.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Tân, huyện Tân Hưng - Ngân Văn Phi chia sẻ: “Tham gia mô hình, nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 120kg xuống 70kg/ha; giảm công giặm lúa khoảng 1 triệu đồng/ha; giảm 3 lần rải phân, phun thuốc;... Tổng chi phí sản xuất của mô hình khoảng 21,3-22,1 triệu đồng/ha, thấp hơn ngoài mô hình 1,5-1,7 triệu đồng/ha. Bán với giá 8.450 đồng/kg, lợi nhuận mang lại từ 21-28 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình gần 7 triệu đồng/ha”.
Bên cạnh những cánh đồng lúa trải dài, gần đây, một số vùng trồng cây ăn quả mới đã hình thành tại ĐTM và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế do sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu tính tập trung và sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, HTX. Trước thực trạng này, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng ĐTM đã được triển khai.
Mục tiêu chính của đề án là kiến tạo những vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa quy mô lớn, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; đồng thời, xây dựng mối liên kết bền vững giữa các HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, phát triển bền vững cho ngành trồng cây ăn quả tại vùng đất này.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích cây ăn quả tại các huyện tham gia đề án đạt khoảng 5.642ha, tăng 1.676ha so với diện tích năm 2021. Trung bình, lợi nhuận từ cây mít, sầu riêng, dừa từ 200-500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Huỳnh Công Mến (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) bộc bạch: “Giáp biên giới là vùng đất gò, năng suất lúa thấp, vì thế tôi chuyển sang trồng dừa. Trồng dừa nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, 18 tháng bắt đầu lấy trái. Sau 1 năm lấy trái, tôi thu hồi vốn, lợi nhuận bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm”.
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nông nghiệp trên cây lúa nhằm đánh giá rút kinh nghiệm và làm nền tảng để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Tập trung triển khai vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp năm 2025 bảo đảm các mục tiêu về quy mô diện tích; canh tác bền vững; tổ chức lại sản xuất; bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; thu nhập của người trồng lúa, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu.
Riêng về Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng ĐTM sẽ củng cố, nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX trong các vùng nguyên liệu cây ăn quả để thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hoạt động kết nối liên kết giữa các doanh nghiệp và HTX trong vùng đề án; tập trung hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng;… Phấn đấu xây dựng ĐTM thành vùng nguyên liệu lớn, giảm dần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, thiếu tập trung, không theo quy hoạch”./.
'Vựa vàng' nơi 'rốn phèn' - Câu chuyện của Đồng Tháp Mười: Tỉ phú nông dân (Bài 3) Đi lên từ hai bàn tay trắng, nhạy bén trong sản xuất và chung sức, đồng lòng kiến tạo quê hương,... là điểm chung của những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại vùng ĐTM của tỉnh. |
|
Lê Ngọc - Huỳnh Phong
Nguồn: https://baolongan.vn/vua-vang-noi-ron-phen-cau-chuyen-cua-dong-thap-muoi-huong-den-phat-trien-ben-vung-bai-cuoi--a195915.html
Bình luận (0)