Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xã vùng đang cao vươn mình thoát nghèo từ cây dứa

TPO - Những ngày đầu tháng 7, trên những triền đồi xã Na Sang (huyện Mường Chà cũ, tỉnh Điện Biên), tiếng cười nói rôm rả vang lên theo bước chân người dân tất bật thu hoạch dứa. Mùi thơm nồng của trái chín, sắc xanh mát mắt trải dài trên nền đất vốn cằn khô, hoang hóa… Tất cả tạo nên một bức tranh mới cho vùng đất này - bức tranh về sự khởi sắc, về niềm tin vào hướng đi giảm nghèo từ chính bàn tay người nông dân.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong05/07/2025

Từ một loại cây thử nghiệm...

Chỉ vài năm trước, đất đai ở Na Sang chủ yếu dùng để trồng ngô, sắn - những cây truyền thống tốn nhiều công chăm sóc, năng suất thấp và thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Cuộc sống người dân vì thế cứ luẩn quẩn trong cái vòng nghèo khó. “Bà con làm rẫy cả năm, đến vụ cũng chỉ được vài bao ngô. Lúc thì mất mùa vì khô hạn, lúc lại hỏng vì sâu bệnh. Cái nghèo cứ bám riết, không thoát được", anh Quàng Văn Việt (bản Na Sang) nhớ lại.

Năm 2015, giống dứa Queen được đưa về trồng thử nghiệm trên diện tích 50ha. Nhờ khí hậu nắng nhiều, đất thoát nước tốt, cây dứa sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh và không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp. Vụ đầu tiên, năng suất đã đạt 160-180 tạ/ha, vượt kỳ vọng. Với giá bán dao động 3.000-4.000 đồng/kg, cây dứa đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân tham gia mô hình.

Tuy nhiên, hành trình để cây dứa bén rễ trên đất Na Sang không hề dễ dàng. Những ngày đầu triển khai, không ít hộ dân còn e dè vì chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Trung bình mỗi cây giống có giá từ 500-700 đồng, trong khi 1.000m2 đất cần khoảng 5.000 cây. Thêm vào đó là chi phí phân bón, ít nhất 10 bao cho hai lần bón lót và thúc, chưa kể công làm đất, chăm sóc.

Xã vùng đang cao vươn mình thoát nghèo từ cây dứa ảnh 1

Người dân tại Na Sang đang có nhịp sống mới khởi sắc từ những quả dứa mọng vàng trên vùng đất khó.

Gánh nặng tài chính khiến nhiều hộ dù muốn chuyển đổi vẫn chưa dám bắt tay vào làm. Trước khó khăn đó, chính quyền xã Na Sang đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp, thời hạn phù hợp, giúp bà con mạnh dạn đầu tư cây giống, phân bón, hiện thực hóa mô hình.

Không chỉ thiếu vốn, bà con còn bỡ ngỡ trong kỹ thuật canh tác. Giai đoạn đầu, phần lớn phải tự mày mò học hỏi, dẫn tới nhiều trường hợp chăm sóc sai cách, khiến cây bị cháy lá, thối rễ, giảm năng suất. Nhằm khắc phục, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật: từ bón phân, xử lý cỏ dại đến phòng sâu bệnh. Dần dần, người dân nắm bắt được quy trình sản xuất và áp dụng hiệu quả vào thực tế.

... đến một vùng nguyên liệu hàng hoá

Tính đến nay, toàn xã Na Sang đã có khoảng 285ha trồng dứa, năng suất bình quân đạt 180 tạ/ha. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. “Dứa không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn tạo ra thay đổi rõ nét trong tư duy làm kinh tế của bà con. Trước đây, trồng ngô mỗi vụ chỉ đủ ăn, giờ trồng dứa có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con cải thiện cuộc sống,” ông Thành cho biết.

Xã vùng đang cao vươn mình thoát nghèo từ cây dứa ảnh 2

Thời gian đầu, người dân tại Na Sang được sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Không dừng lại ở sản xuất, Na Sang đang từng bước hướng đến phát triển cây dứa một cách bền vững. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo quy trình an toàn. Đồng thời, chính quyền xã hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử đưa thương hiệu dứa Na Sang đến gần hơn với thị trường.

Anh Quàng Văn Việt (bản Na Sang) chia sẻ: “Việc trồng dứa đã giúp nhiều hộ dân trong bản thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Ngoài trồng trọt, bà con còn kết hợp chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập đa dạng. Đặc biệt, sau mỗi mùa vụ, nhiều gia đình đã tự nhân giống dứa, giảm đáng kể chi phí đầu vào".

Hướng đến sản xuất sạch, phát triển bền vững

Không dừng ở 285ha hiện tại, xã Na Sang đang xây dựng lộ trình phát triển vùng nguyên liệu dứa đạt 350-400ha vào năm 2030, tập trung ở các khu vực có độ cao trung bình, phù hợp với điều kiện canh tác như vùng đất thuộc xã Na Sang và Sa Lông (cũ).

Xã vùng đang cao vươn mình thoát nghèo từ cây dứa ảnh 3

Ngoài bán buôn, nhiều người dân còn mang dứa ra bán lẻ tại tuyến đường quốc lộ 12.

Năm 2018, dứa Na Sang được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Đến năm 2020, sản phẩm tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cùng với đó HTX Na Sang đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn như Công ty Tấn Phát (Nam Định), Doanh nghiệp Á Châu (Lào Cai), và Công ty Đồng Giao (Ninh Bình). Những hợp đồng này không chỉ mở ra thị trường rộng lớn mà còn giúp bà con an tâm sản xuất. Ngoài việc cung cấp cho các công ty thu mua, người dân còn mang dứa ra bán ngoài trục đường lớn, mỗi quả dứa sẽ có giá dao động từ 7.000 - 20.000 đồng.

Hiệu quả từ mô hình trồng dứa tại Na Sang đã được khẳng định không chỉ bằng những con số về diện tích hay sản lượng, mà còn bằng sự đổi thay trong cuộc sống từng hộ gia đình.

Hàng chục hộ dân ở các bản trên địa bàn xã đã thoát nghèo. Trẻ em được đến trường đều đặn hơn. Nhiều hộ đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, sắm thêm phương tiện sản xuất, sinh hoạt. Cây dứa không chỉ là cây trồng giúp bà con “no cái bụng”, mà đang dần trở thành biểu tượng của sự chuyển mình, của niềm tin và khát vọng vươn lên từ vùng đất khó.

Nguồn: https://tienphong.vn/xa-vung-dang-cao-vuon-minh-thoat-ngheo-tu-cay-dua-post1757542.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm